Giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 9 tháng và cách ngưỡng kỷ lục không xa. Nhưng chuyên gia quốc tế cảnh báo điều này có thể kích hoạt một đợt chốt lời.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 20/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới có lúc vọt lên 1.937,2 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 9 tháng, rồi điều chỉnh giảm về 1.925,4 USD/ounce.
“Giá kim loại quý đã vượt xa mức cao của tuần trước, nhưng chạm ngưỡng kháng cự và điều chỉnh giảm nhẹ trong ngày”, ông Craig Erlam – nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở Anh) – bình luận với Zing.
Vàng chủ yếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung của London, thị trường kỳ hạn tại Mỹ và sàn giao dịch Thượng Hải. Giá vàng do Trading Economics theo dõi dựa trên cả các công cụ tài chính phi tập trung (OTC) và hợp đồng chênh lệch (CFD).
Giá vàng vọt lên hơn 1.937 USD/ounce. Ảnh: Trading Economics. |
Tiến sát ngưỡng 1.940 USD/ounce
Giá vàng vọt lên trong ngày 20/1 do giới đầu tư lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Kim loại quý đang tiến tới tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang giảm tốc nhanh chóng. Chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức giảm 0,5% trong tháng 12/2022, còn doanh số bán lẻ lao dốc 1,1%.
Theo các dữ liệu trước đó, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Giá vàng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Trading Economics. |
Số việc làm trong tháng 12/2022 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng tăng trưởng chậm lại. Các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sụt giảm đột ngột vào tháng cuối năm vì nhu cầu suy yếu.
Triển vọng của kinh tế Mỹ đang xấu đi, còn tăng trưởng việc làm chậm lại đáng kể. Đó là tin vui với Fed. Bởi ngân hàng trung ương Mỹ muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3 để kìm hãm lạm phát. Fed nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%. Các đợt tăng lãi suất mạnh tay khiến giá vàng quay đầu giảm mạnh từ mức cao hồi tháng 3/2022.
“Phép thử lớn với vàng sẽ là ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tháng 3 năm ngoái, kim loại quý có giai đoạn ngắn được giao dịch trên mốc này”, ông Erlam nhận định.
Sắp điều chỉnh giảm?
Giới quan sát tin rằng giá vàng sẽ lập đỉnh mới trong năm nay. Nhưng nếu Fed hành động ngược với dự đoán của các nhà đầu tư, thị trường kim loại quý có thể chịu sức ép lớn.
Theo CNBC, biên bản cuộc họp gần nhất của ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì đến khi các dữ liệu chỉ ra “lạm phát đang giảm bền vững về 2%”.
Trong khi đó, việc Bắc Kinh chấm dứt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sự bùng nổ về nhu cầu có khả năng kéo theo lạm phát.
Một đợt điều chỉnh lành mạnh có thể xảy ra. Bởi giá vàng đã tăng gần 20% so với mức thấp nhất vào đầu tháng 11 và cách ngưỡng kỷ lục không xa
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
“Chúng tôi cho rằng một Trung Quốc khỏe mạnh hơn có khả năng cao tạo ra một Fed diều hâu hơn”, ông Tavis McCourt – chiến lược gia tại Raymon James – bình luận.
Theo ông, nếu sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đẩy giá hàng hóa sát với hồi đầu năm ngoái, vị thế của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ bấp bênh hơn nhiều.
Còn theo ông Erlam, trong ngắn hạn, giá vàng có thể điều chỉnh giảm sau một đợt tăng giá mạnh. “Rõ ràng là động lượng đằng sau đà tăng đang mờ dần”, ông nhận định.
Theo vị chuyên gia, giá vàng đã tăng mạnh kể từ tháng 11/2022. Đây có thể là thời điểm thích hợp cho một đợt chốt lời.
“Một đợt điều chỉnh lành mạnh có thể xảy ra. Bởi giá vàng đã tăng gần 20% so với mức thấp nhất vào đầu tháng 11/2022 và cách ngưỡng kỷ lục không xa”, ông Erlam cảnh báo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Fan cứng Elon Musk vỡ mộng vì thua lỗ chứng khoánNhiều nhà đầu tư Tesla đã giàu lên nhanh chóng nhờ giá cổ phiếu tăng phi mã. Nhưng giờ đây, ván cược vào hãng xe điện Mỹ khiến nhiều người gần như mất trắng. |
Giới nhà giàu né hàng nghìn tỷ USD thuế thừa kếTheo báo cáo mới được Oxfam Quốc tế công bố, việc áp thuế 5% đối với các triệu phú và tỷ phú có thể thu về 1.700 tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói. |
Theo: Zing News
Comments are closed.