Ngày mai, đại hội cổ đông Sacombank sẽ diễn ra. Một trong những vấn đề được quan tâm là ai sẽ ngồi ghế chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Nhìn vào diễn biến từ khi đại gia Trầm Bê và người liên quan rút khỏi Sacombank (tháng 2/2017) có thể thấy sức “nóng” của chiếc ghế này. Người đến, người đi, người vào, người ra liên tục.
Tối 28/6, Sacombank chính thức công bố danh sách 6 ứng viên HĐQT. Ngoài 3 “người cũ” của Sacombank còn có ông Dương Công Minh và 2 người của Vietcombank.
“Dứt áo ra đi” khỏi ngân hàng 10 năm gắn bó?
Trong danh sách ứng viên HĐQT Sacombank lần này, ông Dương Công Minh được xếp đầu tiên, sau đó đến ông Kiều Hữu Dũng – đương kim Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Ông Dương Công Minh đã thoái hết sạch vốn tại LienVietPostBank, ứng cử vào HĐQT Sacombank. |
Ông Dương Công Minh được biết đến là đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Ngoài Him Lam, tên tuổi của ông còn gắn liền với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khi đại diện cho cổ đông tổ chức sở hữu gần 15% cổ phần và rút ra trước khi ứng cử vào Sacombank.
Hiện, ở Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt và Liên Việt Holdings, ông Minh vẫn được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT.
“Ghế nóng” tại Sacombank được đánh giá là hấp dẫn ngay cả khi khoản nợ xấu của ngân hàng này lên đến 60.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là nợ xấu của Sacombank đến chủ yếu từ bất động sản. Theo giới phân tích, đây cũng được cho là nguyên nhân ông Minh từ bỏ LienVietPostBank để ứng cử vào HĐQT Sacombank, tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.
Một lãnh đạo ngân hàng làm phép tính đơn giản rằng tại LienVietPostBank, tỷ lệ 15% cổ phần ông Dương Công Minh sở hữu tương đương với khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (vốn điều lệ của ngân hàng này là hơn 6.400 tỷ đồng). Trong khi đó, với tỷ lệ tương đương tại Sacombank thì số tiền quy đổi lên đến vài nghìn tỷ đồng (vốn điều lệ Sacombank hiện khoảng 18.500 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo trên, “phép tính” đơn giản vừa nêu cho thấy phần lợi được lượng hóa một khi đại gia Minh “Him Lam” vào Sacombank.
Vì sao vào Sacombank cần có “tiền liền”?
Theo quan điểm của Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng – người từng ứng cử vào vị trí HĐQT Sacombank – ông Dương Công Minh có tên trong danh sách cũng không quá lạ.
Ông Hưởng chia sẻ rằng ông Minh có đầy đủ 5 yếu tố để có thể vào “ghế nóng” tại Sacombank: muốn vào tái cơ cấu Sacombank, có “nghề” ngân hàng, “nghề” bất động sản, có “tiền liền”, và đủ tư cách pháp lý.
Kết quả kinh doanh của Sacombank từ năm 2012 đến hết quý I/2017. Đồ họa: Quang Thắng. |
Song, phần quan trọng nhất khi ngồi “ghế nóng” Sacombank không chỉ đơn giản là có “nghề”, tư cách pháp lý hay mong muốn cá nhân. Theo phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tiềm lực tài chính mới là yếu tố tối quan trọng.
Vị này cho rằng thông thường, khi khoản nợ xấu được xử lý, khoảng 50% trong số này sẽ có thể tác động đến vốn chủ sở hữu, nhất là trường hợp nợ được bán dưới giá. Tại Sacombank, nợ xấu lên đến 60.000 tỷ đồng, phần tác động lên vốn chủ sở hữu sẽ tương đối lớn.
Khi đó, hệ số an toàn vốn (CAR) – chỉ tiêu dùng để đo mức độ an toàn của ngân hàng, được tính toán dựa trên vốn chủ sở hữu và tổng tài sản – sẽ có thể thay đổi, thấp hơn nhiều so với quy định 9%. Cổ đông lớn của ngân hàng phải bổ sung vốn vào, đẩy hệ số CAR lên mức quy định.
Vì thế, vị này đặt ra câu hỏi về năng lực của HĐQT ngân hàng cũng như khả năng tài chính, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT.
“Ngoài có tay nghề, những người tham gia vào Sacombank cần sẵn sàng bổ sung vốn trong trường hợp xử lý nợ xấu lại có tác động tiêu cực đến ngân hàng. “Tiền liền” như người ta nói, là tiền đó. Còn tôi gọi đó là tiền mặt, và là tiền của mình, không phải là tiền đi vay”, vị này bày tỏ.
“Với ông Dương Công Minh, tôi không rõ về tình hình tài chính, tiềm lực của ông ấy nên không đưa ra bình luận”, chuyên gia nói trên chia sẻ.
Công ty cổ phần Him Lam hiện chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Các thông tin tài chính của doanh nghiệp không được công khai. Tuy nhiên, theo dữ liệu của một đơn vị thống kê, tính đến hết năm 2014, vốn điều lệ của doanh nghiệp khoảng 6.500 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 34.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Dương Công Minh nắm 99%.
Thành viên HĐQT một nhà băng phía Nam phân tích thường với người làm bất động sản, tiền đã được dồn hết vào dự án. Do đó, để có tiền mặt, không loại trừ khả năng họ phải bán chỗ nọ, chỗ kia đi, và việc bán được hay không cũng khó chủ động.
“Các đại gia bất động sản nhìn thấy “bánh ngon” ở Sacombank sau nợ xấu. Làm ngân hàng mà nghĩ đến bất động sản là “chết” rồi, phải nghĩ đến tiền gửi, bảo vệ tiền gửi của người dân đầu tiên, sau đó là thanh khoản ngân hàng, vốn…”, vị này nói.
Chưa kể, theo ông, xử lý nợ xấu “không thể có lời”. Giá trị tài sản đảm bảo, dù là bất động sản, được đánh giá cách đây nhiều năm đều cao hơn giá trị hiện tại.
“Nếu như giá trị tài sản lớn thì cả người vay và đi vay đều đồng ý bán mà thu hồi tiền rồi. Bản chất, 100 đồng nợ xấu đến khi xử lý được tối đa cũng 50%, có những món chỉ 10%, thậm chí chẳng lấy được đồng nào sau khi xử lý tài sản đảm bảo, chi phí hành chính, luật sư… chưa kể giá bất động sản còn xuống nữa và khoản 60.000 tỷ tại Sacombank quá lớn”, ông nói.
Đường về của đại gia Đặng Văn Thành
Ý định về lại Sacombank được ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng, chia sẻ ít nhất 2 lần, một từ tháng 4 và một vào tháng 6.
Một nguồn tin quan tâm đến cuộc chạy đua vào Sacombank thời gian gần đây cho biết về lâu dài, ông Dương Công Minh và ông Đặng Văn Thành bắt tay với nhau cũng tốt. Vì “thương hiệu cá nhân” cũng như dấu ấn của ông Đặng Văn Thành tại Sacombank vẫn còn.
Tuy nhiên, giới thạo tin về thương vụ tái cơ cấu Sacombank khẳng định chưa có chuyện hai người bắt tay hợp tác với nhau.
“Ông Thành và ông Minh đều là 2 con hổ, nhốt chung chuồng rất khó, về ngồi cùng nhau tại một nơi lại càng khó dù cả hai đều muốn”, vị này nhấn mạnh.
Comments are closed.