Năm 2020 là năm cuối thực hiện phương án cơ cấu lại hoạt động Eximbank, vì vậy ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến trình NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu lần đầu sau 7 năm.
Đây là một trong những nội dung quan trọng dự kiến được HĐQT Eximbank trình cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra ngày 27/4 tới đây.
Trong đó, nhà băng này dự kiến tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ tại giai đoạn 2018-2020 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Nguồn lợi nhuận này sau khi trừ, trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi đến cuối năm 2020 đang có số dư 2.214 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch này mới đang được HĐQT Eximbank đề xuất với NHNN và đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt.
Chia cổ tức sau 7 năm
Theo Thông tư 32/2019 của NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), TCTD khi bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thời hạn trên 5 năm hoặc được NHNN chấp thuận gia hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu. Điều kiện để các nhà băng này được chia cổ tức trở lại là phải thanh toán hết số trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn kể trên.
Theo Eximbank, ngân hàng này được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt từ năm 2015 trở về trước.
Các trái phiếu này đến cuối năm 2020 còn một phần chưa được thanh toán hết. Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2021, ngân hàng đã thanh toán hết trái phiếu VAMC.
Vì vậy, ban lãnh đạo Eximbank kỳ vọng có thể được NHNN chấp thuận chia cổ tức cho cổ đông lần đầu sau 7 năm. Sau khi trừ cố phiếu quỹ ngân hàng đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng/cổ phiếu.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA EXIMBANK | ||||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch | ||
Lợi nhuận trước thuế | column | tỷ đồng | 69 | 61 | 391 | 1017 | 827 | 1095 | 1339 | 2150 |
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Eximbank dự kiến tổng tài sản hợp nhất sẽ tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt 148.000 tỷ, tăng 10%; dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 108.600 tỷ, tăng 6,5% so với năm liền trước.
Mức tăng trưởng tín dụng kể trên là chỉ tiêu do NHNN giao cho ngân hàng. Eximbank cho biết trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép NHNN điều chỉnh hạn trên.
Với các chỉ tiêu tài chính này, Eximbank dự kiến thu về 2.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 60% so với năm 2020.
Chốt số phận dự án số 7 Lê Thị Hồng Gấm
Cũng tại đại hội lần này, Eximbank dự kiến trình cổ đông phê duyệt kế hoạch đầu tư dự án Trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM. Đây là dự án đã được Eximbank thực hiện từ 10 năm trước, hiện giá trị tài sản trên sổ sách kế toán là 240 tỷ đồng.
Năm 2011, sau khi có chủ trương đầu tư, dự án này được phê duyệt quy hoạch tối đa 40 tầng, tổng mức đầu tư 3.538 tỷ đồng.
Dự án Eximbank Tower tại khu đất vàng số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM. Ảnh: REIC. |
Tuy nhiên, đến tháng 2/2015, HĐQT Eximbank đã có nghị quyết tạm thời chưa triển khai dự án do liên quan một số sai phạm của HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ trước.
Đến năm 2017, dự án được chấp thuận đầu tư lại. Ngân hàng sau đó được sự tư vấn của Công ty Savills đưa ra 3 phương án đầu tư dự án gồm: xây dựng tòa nhà văn phòng; phát triển tòa nhà căn hộ cao cấp – văn phòng; và phát triển một khu phức hợp gồm căn hộ cao cấp – văn phòng – officetel.
Eximbank sau đó chốt phương án xây dựng dự án thành Tòa tháp văn phòng 40 tầng với hình thức ngân hàng chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền xây dựng.
Ban lãnh đạo ngân hàng đã tìm kiếm nhà đầu tư tham gia xây dựng và ghi nhận 16 công ty trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó gồm hàng loạt ông lớn như Coteccons, Indochina Kajima, Shimizu, Taisei, Tokyu, Ben Thanh Land, Kusto, Mitsubishi Estate Asia, Nomura, Vina Capital…
Kết quả, ngân hàng đã chấp thuận chọn Mitsubishi Estate Asia là ưu tiên số 1, ưu tiên thứ 2 là Taisei Corporation và ưu tiên số 3 là Keppel Capital.
Trong kế hoạch của Mitsubishi Estate Asia, công ty này ước tính giá trị đất do Eximbank góp vào khoảng 111 triệu USD và tổng chi phí xây dựng là 114,4 triệu USD. Như vậy, diện tích sàn sử dụng phân bổ cho Eximbank là 18.647 m2, tương đương 49,2% tòa nhà sau xây dựng.
Ban điều hành Eximbank cho biết hiện đã có văn bản gửi NHNN xin ý kiến về chủ trương đầu tư trên, nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Vì vậy, ban lãnh đạo dự kiến trình cổ đông việc chấp thuận chủ trương đầu tư hợp tác cùng Mitsubishi Estate Asia. Tuy nhiên, nếu NHNN không đồng ý chủ trương này, thì Eximbank sẽ tự đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng, phần diện tích không sử dụng hết sẽ được dùng để cho thuê.
Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra saoTechcombank và Eximbank là 2 ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản xấp xỉ 30% dư nợ tại ngân hàng mẹ, trong khi hầu hết nhà băng còn lại duy trì tỷ lệ này ở mức thấp. |
Eximbank tham vọng đạt lợi nhuận cao nhất 8 nămSau năm 2020 sụt giảm cả dư nợ cho vay và huy động vốn, Eximbank đặt kế hoạch tăng trưởng cả 2 chỉ tiêu này với lợi nhuận dự kiến vượt 2.000 tỷ đồng trong năm 2021. |
Eximbank muốn chia cổ tức lần đầu sau 7 năm
Tp. Hồ Chí Minh
Eximbank
eximbank
eib
đại hội cổ đông eximbank
ngân hàng xuất nhập khẩu việt nam
dự án số 7 lê thị hồng gấm
lãnh đạo ngân hàng
lợi nhuận eximbank
eximbank chia cổ tức
Theo: Zing News
Comments are closed.