Tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương chiều 30/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác năm 2019.
Tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm nhờ cải cách thủ tục hành chính
Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định đã có chuyển biến vượt bậc, đi vào thực chất hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
Chính phủ đã ban hành 9 nghị định cắt giảm 309 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện đã cắt giảm lên 3.654 trong tổng 6.191 điều kiện của hầu hết bộ, ngành; cắt giảm 6.776 trên 9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30 trong số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
“Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm”, ông cho hay.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã thay đổi mạnh mẽ, toàn diện. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay nhiều bộ đã phân định tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Với 1.501 mặt hàng chồng chéo đang được tích cực xử lý theo hướng tập trung đầu mối kiểm tra.
“Năm 2019, vị trí của Việt Nam cải thiện mạnh mẽ trên bảng xếp hạng uy tín của các tổ chức quốc tế”, ông Dũng nói và dẫn chứng Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
Về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến việc Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia và chính thức đưa Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp của Chính phủ (e-cabinet) và Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành.
Đến nay, 95/95 cơ quan Nhà nước đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, trong đó, 64/94 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền. Sau gần 9 tháng vận hành, đã có hơn 1 triệu văn bản được gửi nhận trên Trục liên thông quốc gia. Tính toán sơ bộ, tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng theo người phát ngôn Chính phủ, vẫn còn địa phương chưa quan tâm xử lý hồ sơ từ cổng; có địa phương không chấp nhận văn bản ký số điện tử vẫn yêu cầu bản giấy; xảy ra một số lỗi kỹ thuật do quá trình kết nối, tích hợp. Đây là những vấn đề phải chấn chỉnh, khắc phục ngay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020-2025.
“Từ năm 2020, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành mới 1 văn bản thì phải bãi bỏ tối thiểu 1 văn bản và cắt giảm gánh nặng chi phí hành chính”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết người dân, doanh nghiệp còn kêu ca đến tai Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu. |
Thực hiện thủ tục không giấy tờ năm 2020
Sau khi nghe báo cáo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục, tích cực thực hiện dịch vụ công.
“Trang đầu trong sổ tay điều hành của các địa phương, các cấp, các ngành phải có cái này để làm sao thực hiện hiệu quả. Nếu cơ cấu mà như cũ thì không thể khác được khi bộ máy rình rang, sản phẩm lan man với rất nhiều vấn đề, công việc cũng cần sắp xếp lại”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhấn mạnh còn tình trạng giấy tờ gây khó cho doanh nghiệp, cho tập đoàn, tổng công ty rất nhiều.
“Tôi thấy hiện nay Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu rất rõ nhưng không phải địa phương nào cũng tái cơ cấu. Thủ tục hiện nay có cải tiến nhưng vẫn chậm trễ, nhũng nhiễu, một số thủ tục liên quan người dân, doanh nghiệp còn bị gây khó khăn nên còn ý kiến kêu ca đến tai Chính phủ và Thủ tướng”, Thủ tướng phản ánh thực tế.
Ông đề nghị hạn chế người làm thủ tục để chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt và yêu cầu trong năm 2020 phải thực hiện thủ tục không giấy tờ.
Theo: Zing News
Comments are closed.