“Khoảng một tuần trở lại đây, nhu cầu xe từ Hà Nội về các tỉnh rất nhiều, nhưng không phải ai cũng dám chạy”, anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế Grab ở Hà Nội, chia sẻ.
Anh Hùng kể, chiều 28 Tết, anh nhận được một cuốc từ Hà Nội về Ninh Bình, cước hơn 900.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó anh phải yêu cầu khách huỷ bỏ và xin lỗi khách, vì không muốn chạy các cuốc đi tỉnh. Tài xế này cho hay với mức giá vậy, tính ra giá mỗi km khoảng 9.000-10.000 đồng. Tuy nhiên, lái xe phải đóng trả hãng trên 28% chiết khấu thì thu nhập còn không đáng kể.
“Chưa kể vòng về thì xác định là trống khách, trừ tiền xăng xe, rồi chi phí đi đường, chạy cuốc dài ngoại tỉnh như vậy không bằng chạy nhiều cuốc ngắn trong Hà Nội”, anh Hùng bày tỏ.
Nhu cầu đi tỉnh xa những ngày cuối cùng vẫn còn tuy nhiên không phải tài xế Grab nào cũng nhận. Ảnh minh hoạ. |
Không ít tài xế cũng cho biết những ngày này, họ sẵn sàng từ chối các chuyến đi ngoại tỉnh bằng dịch vụ GrabCar. Lý do được hầu hết người lái xe đưa ra là tiền bỏ túi từ những cuốc như vậy không tương xứng.
Một nhóm dành cho người lái Uber, Grab trên mạng xã hội với hàng chục nghìn thành viên cũng đang chia sẻ nhiều cuốc xe Hà Nội đi ngoại tỉnh và các tranh luận của tài xế. Đa phần người lái Uber, Grab đều tỏ ra “ngán ngẩm” những cuốc xe này.
“Có ai đi được thì đi, chứ em chịu” là chia sẻ của một tài xế tên T.A với cuốc xe từ Hà Nội đi Thanh Hoá có giá cước gần 1,5 triệu đồng cho dịch vụ GrabShare. Đa số các tài xế cho rằng không nên “tham” những cuốc xe như vậy ngay cả khi giá đã nhân lên so với bình thường.
“Ai tiện đường về quê thì chở thôi”, “Tôi cũng là nạn nhân của cuốc này”, “Về Thanh Hoá có 160 km mà 9.000 đồng/km còn không muốn chạy”… là ý kiến của không ít người lái đối với những chuyến đi ngoại tỉnh. Hầu hết những người này đều cho rằng với mức chiết khấu cao của Grab, cộng thêm nhiều chi phí, thì mức giá đi ngoại tỉnh dù có hệ số tốt cũng không đủ hấp dẫn như chạy nội thành. Tuy nhiên, cũng có một số tài xế tỏ ra hào hứng với chuyến xe trên vì cùng cung đường về quê.
Một số người lái Uber, Grab cho hay dịp này, chạy các cuốc trong nội thành có lợi hơn cuốc ngoại tỉnh. “Đường vắng vẻ, giá cũng có thời điểm nhân hệ số nên chạy 5-7 cuốc nội thành còn hơn chạy một cuốc ngoại tỉnh”, anh Hùng, tài xế Grab nói trên cho biết.
Khách tự thoả thuận với tài xế: 15.000-20.000 đồng/km
Bên cạnh nhiều khách hàng vẫn kiên nhẫn đặt các dịch vụ taxi truyền thống, Grab hay Uber trên ứng dụng điện thoại, không ít người chủ động tìm xe cho mình. Anh Hoàng Tuấn, nhà ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ ngày mùng 2 Tết, cả nhà có nhu cầu đi từ Hà Nội về Nam Định và cần tìm xe. Nhiều tài xế Grab vào chào anh giá 10.000 đến 20.000 đồng/km. Câu chuyện phát giá này của tài xế cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Anh Ánh, một tài xế Grab, cho biết những người rao giá 9.000 hay 10.000 đồng/km là quá rẻ. Sau khi trừ chi phí thì khả năng tiền thu về không được là bao.
Tuy nhiên, theo anh Sơn, một tài xế nhận giá 10.000 đồng/km, thì ngày mùng 2 Tết đi từ Hà Nội về Nam Định với giá này là hợp lý. Vì mùng 2 Tết trùng với dịp lễ hội chợ Viềng tại Nam Định nên vòng về khả năng tài xế cũng không bị trống chuyến. “10.000 đồng/km, khách chịu phí cầu đường thì cũng là mức giá chấp nhận được, không quá rẻ”, anh Sơn nói.
Những chuyến xe đi ngoại tỉnh có giá đắt hơn thông thường. Ảnh chụp màn hình. |
Anh Bình, một tài xế Grab quê ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ thêm dịp Tết này, hầu hết khách đi xe đều không quá câu nệ chuyện giá. “Miễn là hợp lý, không chặt chém, thì khách cũng không thắc mắc nhiều”, anh nói. Tài xế này thông tin gần đây, anh thường tự thoả thuận giá với khách. Khách có thể kiểm tra, đối chiếu giá trên ứng dụng gọi xe, gọi tài xế, nhưng sau đó sẽ thoả thuận để khách huỷ chuyến.
“Nếu khách đồng ý, thì khoảng 15-20 phút sau sẽ qua đón, chở khách với giá như giá trên ứng dụng, nhưng là thoả thuận, không chạy theo app”, anh Bình nói. Tuy nhiên, anh chia sẻ làm như vậy sẽ có nguy cơ bị hãng khoá tài khoản, do đó giới tài xế chỉ thỉnh thoảng “lách luật”, không dám thường xuyên.
Uber, Grab: Ngày thường 80.000 đồng, cận Tết 180.000 đồngGần Tết, khách đi Grab, Uber phải trả giá gấp 2-3 lần ngày thường. Trong khi đó, Grab tuyên bố tăng phụ phí, Uber tăng giá cước tối thiểu mỗi cuốc xe để thu hút tài xế. |
-
Grab
Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber. Mặc dù ban đầu hoạt động với xe ôtô giống Uber tại Malaysia và Singapore, để phù hợp với tình trạng kẹt xe ở nhiều thành phố, Grab đã triển khai thêm dịch vụ GrabBike với phương tiện là xe gắn máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Bạn có biết: TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên Grab triển khai thử nghiệm dịch vụ GrabBike vào tháng 11/2014
- Thành lập: 2012
- Người sáng lập: Anthony Tan, Tan Hooi Ling
- Trụ sở chính: Singapore
Comments are closed.