Nhấn mạnh năm 2019 là năm đột phá về cải cách hành chính của thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, ông Trương Văn Lắm cho rằng việc được hưởng cơ chế chi thu nhập tăng thêm đặc thù cho cán bộ, công chức TP.HCM cũng phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Tiêu chí đánh giá sẽ khó khăn, đòi hỏi cao hơn
Tại phiên họp quý I về tình hình kinh tế, xã hội của TP.HCM chiều 4/4, ông Lắm cho biết đầu quý II, Sở Nội vụ sẽ trình UBND thành phố điều chỉnh quy chế đánh giá phân loại cán bộ, công chức để hưởng thu nhập tăng thêm.
“Chúng ta phải siết lại mức đánh giá, phải khó khăn hơn, đòi hỏi cao hơn. Những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thật sự xứng đáng, những người hoàn thành tốt phải khác hẳn những người hoàn thành và không hoàn thành và kết quả đánh giá phải gắn với kết quả công việc”, ông Lắm nói.
Đặc biệt, ông Lắm lưu ý kết quả đánh giá hiệu quả công việc của thủ trưởng cơ quan đơn vị phải gắn với chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan đơn vị đó.
“Nếu chỉ số không đạt mức UBND TP.HCM đã đề ra theo nghị quyết thì anh có đạt khung điểm rất cao, trong khung điểm hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt thì cũng không được hưởng thu nhập tăng thêm”, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết.
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở nội vụ TP.HCM. Ảnh: Lê Trai. |
Theo quy định hiện hành, có 4 mức xếp loại cán bộ, công viên chức tại TP.HCM với tổng điểm tối đa là 100. Trong đó, người được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm còn hoàn thành và không hoàn thành thì không có phần thu nhập này.
Tỷ lệ số người được hưởng không bị khống chế, đồng nghĩa nếu 100% công chức, viên chức được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì đều được nhận thêm tiền.
Năm 2019, dự chi cho tăng thu nhập gấp đôi năm trước
Trao đổi với Zing.vn vào tháng 1, đại diện Sở Tài chính thành phố cho biết dự kiến kinh phí chi thu nhập tăng thêm của năm 2019 là 7.236 tỷ đồng, khối thành phố dự chi 1.954 tỷ đồng, khối quận huyện dự chi 5.382 tỷ đồng.
Trong khi đó, con số của năm 2018 là 3.243 tỷ đồng, gồm chi cho khối thành phố là 1.262 tỷ đồng, khối quận, huyện là 1.981 tỷ đồng.
Sở dĩ kinh phí dự kiến tăng hơn gấp đôi trong năm nay vì theo lộ trình, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tại từng đơn vị tối đa trong năm nay là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tăng gấp đôi so với mức 0,6 lần năm 2018.
Cụ thể, những người được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ hưởng mức tối đa 1,2 lần tiền lương này. Người được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng 80% so với hoàn thành xuất sắc.
Theo lộ trình, mức chi thu nhập tăng thêm tối đa cho cán bộ, công chức TP.HCM vào năm 2020 sẽ tăng lên 1,8 lần. Như vậy, kinh phí chi tăng thu nhập tại TP.HCM năm 2020 có thể đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Dự chi của TP.HCM cho cán bộ, công chức hiện hơn 7.000 tỷ đồng và có thể tăng lên gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa. |
Đề xuất không trả lời trong 15 ngày coi như đồng ý
Một trong những giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính được ông Lắm nêu ra tại phiên họp chiều 4/4 là đề xuất quy định thời gian cho việc trả lời ý kiến.
Cụ thể, người đứng đầu Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị trong vòng 15 ngày làm việc, nếu cơ quan được hỏi không trả lời thì coi như đồng ý với nội dung của cơ quan hỏi. Khoảng 15 ngày này loại trừ trường hợp cấp bách khi cơ quan hỏi có yêu cầu quy định về thời gian. Còn lại, nếu không có quy định nhưng đã trễ quá 15 ngày làm việc mà vẫn không trả lời thì xem như đồng ý.
“Việc chậm trả lời, thậm chí không trả lời, chúng ta ngại, không nói với nhau. Đây là một cái khó mà nhiều quận huyện, sở ngành, cũng tâm tư nhưng không dám nói vì sợ ảnh hưởng, đụng chạm”, ông Lắm nêu ý kiến.
Ông Lắm cũng đề nghị những nội dung liên quan đến UBND TP.HCM thì trong thời gian xác định văn phòng ủy ban phải có thông báo trả lời. Còn không thì coi như đồng ý với đề xuất đó.
“Cấp trên phải gương mẫu, cấp dưới phải nghiêm túc. Năm 2019 đột phá thì phải đột phá từ trên xuống dưới”, ông Lắm nhấn mạnh.
Còn về quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đã có quy định về thời gian thì không thay đổi và sẽ theo hướng rút ngắn.
Ông lấy ví dụ quá trình liên thông để giải quyết một thủ tục hành chính phải quy định rõ thời gian xử lý của từng cơ quan trong quy trình. “Ví dụ trong 30 ngày phải giải quyết thì cơ quan thụ lý có bao nhiêu ngày, hỏi các sở ngành trong bao nhiêu ngày, thậm chí nếu phải trình lên ủy ban thành phố thì có bao nhiêu ngày. Phải đảm bảo”, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu ý kiến.
Theo: Zing News
Comments are closed.