Đám cưới xa hoa của đại gia Ấn Độ và tiếng thở dài từ xã hội

Dam cuoi xa hoa cua dai gia An Do va tieng tho dai tu xa hoi hinh anh 1

Trái với hình ảnh những đám cưới ngập tràn sắc màu và được lãng mạn hóa trên màn ảnh, chuyện cưới xin ở Ấn Độ có khi là gánh nặng – thậm chí bi kịch – đối với nhiều gia đình.

Dam cuoi xa hoa cua dai gia An Do va tieng tho dai tu xa hoi hinh anh 3

Hari Chathrattil

Nhà báo

Hari Chathrattil là nhà báo, biên tập viên người Ấn Độ, sinh sống và làm việc tại Việt Nam được hơn 20 năm. Ông đã cộng tác và làm việc với nhiều ấn phẩm bằng tiếng Anh tại Việt Nam. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.

Nhiều năm về trước, tại một bữa tiệc mừng năm mới của cộng đồng người Ấn ở Hà Nội, tôi và vợ cùng tham gia một trò chơi nhằm tìm ra cặp đôi ăn ý, có câu trả lời trùng khớp nhất.

Các ông chồng và bà vợ lần lượt ngồi cách nhau hai hàng, viết ra giấy câu trả lời và chờ kết quả. Câu hỏi tôi nhận được là: “Bạn đã tặng món đồ gì cho vợ/chồng mình vào dịp kỷ niệm ngày cưới lần đầu tiên?”.

Tôi và vợ có cùng câu trả lời; thế nhưng, chúng tôi không được trao giải thưởng nào. Hơn thế nữa, câu trả lời của chúng tôi vượt ngoài sức tưởng tượng của người chủ trì trò chơi hôm ấy: “Tôi chẳng tặng gì cho cô ấy cả. Chúng tôi không tổ chức một đám cưới nào”.

Thực vậy, chúng tôi chỉ tổ chức một buổi tiệc với trà bánh đơn giản; số lượng người tham dự đếm trên đầu ngón tay.

Khi chúng tôi đưa ra quyết định không tổ chức đám cưới, phía nhà vợ tỏ vẻ không hài lòng. Tôi buộc phải giải thích rằng dù xuất thân từ một gia đình truyền thống ở Ấn Độ nhưng đã từ lâu, tôi không còn tham gia bất cứ đám cưới nào.

Còn cha mẹ ruột, sau nhiều nỗ lực khuyên nhủ tôi “kết hôn và ổn định cuộc sống”, lúc đó họ đã cảm thấy nhẹ nhõm khi con trai chí ít đã cưới được vợ. Họ không còn làm mọi cách thuyết phục tôi tổ chức đám cưới nữa.

Sự khó hiểu lẫn kinh ngạc trên gương mặt của những vị khách khi tham gia trò chơi năm đó thực ra hoàn toàn có thể giải thích được, vì một lẽ đơn giản: Tôi đến từ Ấn Độ, một đất nước mà việc tổ chức đám cưới đình đám, xa hoa không chỉ là truyền thống, mà còn đang trở thành một trào lưu thời thượng.

Xa hoa để khẳng định địa vị, quyền lực

Xã hội Ấn Độ đề cao hôn nhân, coi đó không chỉ là câu chuyện của cô dâu và chú rể mà còn là sự kiện đánh dấu mối gắn kết hai gia đình, dòng họ, thậm chí là hai thôn làng hay các nhóm cộng đồng lớn hơn.

Mặt khác, hôn nhân là nghi thức quan trọng, là dấu mốc đưa cô dâu bước sang trang khác của cuộc đời, với địa vị xã hội, tiềm lực kinh tế và chính trị mới.

Trong bối cảnh đó, giới siêu giàu Ấn Độ đang tiếp tục vung tiền vào các đám cưới nhiều hơn bất kỳ dịp nào khác.

Và thật ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi giới lắm tiền nhiều của ngày càng thích sử dụng những dịp như đám cưới để phô trương mức độ giàu có. Đối với tầng lớp này, số tiền “khủng” họ bỏ ra trong đám cưới là một cách khẳng định quyền lực và địa vị xã hội.

Tháng 12/2018, đám cưới của Hoa hậu Thế giới Priyanka Chopra người Ấn Độ với ca sĩ người Mỹ nổi tiếng Nick Jonas được tổ chức tại một cung điện nguy nga, nằm bên bờ hồ Pichola thơ mộng, với nhiều màn bắn pháo hoa rực sáng, chúc mừng cặp đôi.

Cùng tháng đó, người đàn ông giàu nhất châu Á, tỷ phú Mukesh Ambani, chi 100 triệu USD cho ngày con gái lên xe hoa.

Đối với tầng lớp nhà giàu Ấn Độ, số tiền “khủng” họ bỏ ra trong đám cưới là một cách khẳng định quyền lực và địa vị xã hội.

Đám cưới của ái nữ nhà Ambani nhanh chóng trở thành tâm điểm của cả truyền thông trong nước và quốc tế,  đặt ra chuẩn mực mới cho sự xa hoa, phô trương. Từng chi tiết về đám cưới xa hoa, đắt đỏ đều có thể khiến người ngoài choáng ngợp.

Khách mời được tài trợ toàn bộ chi phí di chuyển trên những chiếc phi cơ sang trọng lẫn phòng ốc tại các khách sạn 5 sao đắt tiền bậc nhất. Quan khách của đám cưới bao gồm nhiều người nổi tiếng từ giới chính trị cho đến giải trí, với những cái tên đình đám như Hillary Clinton hay Beyonce.

Ước tính chi phí bỏ ra cho mỗi vị khách đến chung vui lên tới 2.000 USD/ngày. Cặp vợ chồng mới cưới cũng được cho rằng sẽ chuyển vào dinh thự trị giá đến 64 triệu USD.

Việt Nam cũng trở thành nơi giới siêu giàu Ấn Độ chọn làm nơi tổ chức đám cưới. Đầu tháng 3 năm nay, đám cưới của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ diễn ra tại Phú Quốc. Tháng 11 này, con gái một triệu phú Ấn Độ khác tiếp chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức tiệc cưới trong 3 ngày liên tiếp.

Ở một đất nước có tới 12 triệu đám cưới diễn ra mỗi năm, tầng lớp trung lưu đang trên đà phất lên cũng ngày càng thích tổ chức đám cưới hoành tráng như một cách nhấn mạnh địa vị.

Đổ tiền vào đám cưới không chỉ là câu chuyện của giới thượng lưu của Ấn Độ. Ở một đất nước có tới 12 triệu đám cưới diễn ra mỗi năm, tầng lớp trung lưu đang trên đà phất lên cũng ngày càng thích tổ chức đám cưới hoành tráng.

Năm 2012, ngành công nghiệp tổ chức hôn lễ của Ấn Độ ước tính thu về khoảng 25,5 tỷ USD. Hiện tại, con số đã nhảy vọt lên mức 40-50 tỷ USD.

Các đám cưới ở Ấn Độ thường kéo dài trong nhiều ngày với nhiều nghi thức phức tạp trước và trong hôn lễ. Theo ước tính, khoảng một nửa số vàng trên cả nước bán ra mỗi năm được người Ấn Độ mua để sử dụng trong các nghi lễ hôn nhân.

Cuối năm ngoái, chính quyền thành phố New Delhi từng kiến nghi Tòa án nước này sớm ban hành quy định hạn chế số khách mời và lượng thức ăn phục vụ tại các đám cưới, sau nhiều phản ánh cho thấy tàn dư của những lễ cưới này là quá nhiều đồ ăn, đồ trang trí bị lãng phí.

Áp lực lên phần còn lại của xã hội

Những khung cảnh xa hoa choáng ngợp tại đám cưới hoàn toàn trái ngược với cảnh nghèo đói và điều kiện sống tồi tàn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên khắp Ấn Độ, nơi hiện có hơn 70 triệu người sống với mức thu nhập dưới 1,9 USD mỗi ngày – theo ước tính gần đây của Viện Brookings (Mỹ).

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc giới nhà giàu tổ chức đám cưới xa hoa hoàn toàn thuộc quyền cá nhân, với luận điểm quen thuộc: Họ làm ra tiền, và có quyền chi tiền theo cách mình muốn.

Mặc dù vậy, ngày càng có mối lo ngại rằng những đám cưới xa hoa của giới siêu giàu – vốn luôn thu hút sự chú ý đặc biệt, và nhiều lúc thổi phồng, của truyền thông – đang vô hình trung gia tăng thêm áp lực cho phần còn lại của xã hội Ấn Độ.

Áp lực này buộc những tầng lớp ít có điều kiện hơn cũng phải tìm mọi cách tổ chức đám cưới như một sự kiện hoành tráng, xa hoa. Trong nhiều trường hợp, đòi hỏi đó đã vượt quá khả năng của họ. Mọi vấn đề, thậm chí bi kịch, bắt đầu từ đó..

Trái với hình ảnh những đám cưới vui tươi, ngập tràn sắc màu và được lãng mạn hóa trên màn ảnh Bollywood, chuyện cưới xin ở Ấn Độ là gánh nặng đặt lên vai nhiều gia đình, đặc biệt là với phái nữ.

Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần không hồi kết. Thậm chí, không ít người chọn cách tự sát. Của hồi môn là yêu cầu bắt buộc của nhà trai và nếu không đáp ứng đủ, các cô dâu dễ lâm vào cảnh khốn khổ.

Trái với hình ảnh những đám cưới vui tươi, ngập tràn sắc màu và được lãng mạn hóa trên màn ảnh Bollywood, chuyện cưới xin ở Ấn Độ là gánh nặng đặt lên vai nhiều gia đình, đặc biệt là với phái nữ.

Không hiếm chuyện người nông dân, những con người thấp cổ bé họng trong xã hội Ấn Độ, dành hầu hết số tiền đi vay nợ không nhằm phục vụ công việc đồng áng của mình, mà để đổ vào những khoản ma chay, hiếu hỷ và nhiều thứ vụn vặt khác.

Phê phán sự xa hoa của một đám cưới được chi tiêu từ tài sản cá nhân không phải chủ đích của tôi. Thế nhưng ở chiều ngược lại, việc ca tụng, hay thậm chí coi những đám cưới xa hoa đó là niềm tự hào hay biểu tượng thành công ở một đất nước còn phân hoá giàu nghèo sâu sắc như Ấn Độ thì liệu có hợp lý?

Và có lẽ, đó không còn là câu hỏi dành riêng cho Ấn Độ. 

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười Một 24, 2019 in Tin tức

Share the Story

Back to Top