Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thời gian tới Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần tái cấu trúc mạnh hơn đối với thị trường tài chính.
Tất cả các quốc gia trên thế giới đều tăng lãi suất, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong phiên họp tổ sáng 22/10 về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, tình hình lạm phát về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu của thế giới đều biến động bất thường. Đặc biệt, vấn đề tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến hệ thống tiền tệ của thế giới, cũng như biến động tỷ giá với các đồng ngoại tệ.
Đại biểu cho rằng khi cơn sóng lạm phát toàn cầu nổi lên cao nhất trong vòng 40 năm qua, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái.
“Theo báo cáo mới nhất, dự báo nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và năm 2023 còn 2,7%; lạm phát toàn cầu cũng được dự báo khoảng 8,8% và giảm xuống 6,5% trong năm 2023”, ông nói.
Cần tăng cường xử lý tổ chức tín dụng yếu kém
Ông Ngân cho rằng xung đột Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài cũng như khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên vật liệu; tình hình bất ổn chính trị xảy ra ở một số nơi cũng gây cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu và dòng vốn đầu tư quốc tế.
Thu ngân sách 9 tháng đầu năm của Việt Nam đã đạt 94%, ước cả năm sẽ tăng tới 14,3% so với dự toán. Trong đó, TP.HCM ước thu ngân sách cả năm khoảng hơn 426.000 tỷ đồng, là con số cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với dự toán.
“Tuy nhiên, với tình hình như bên ngoài hiện nay, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ, vì vậy cần quyết liệt hơn trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới”, đại biểu nói.
Đại biểu cho rằng thị trường trái phiếu rất quan trọng trong việc huy động nguồn vốn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu nhắc lại bài học về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 và cho rằng chính sách điều hành phải xem lại với yêu cầu tái cấu trúc mạnh hơn đối với thị trường tài chính và bất động sản.
Theo ông, thị trường trái phiếu rất quan trọng trong việc huy động nguồn vốn nhưng phải đảm bảo được thể chế minh bạch, hiệu quả để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trong việc giao dịch mua bán trên thị trường và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát.
“Chúng ta cũng phải tăng cường xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém để tạo ra hệ thống an ninh tiền tệ chặt chẽ và hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để thiếu xăng dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Thời gian tới, thị trường xăng dầu còn nhiều biến động, do đó Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định liên quan vấn đề thuế xăng dầu, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Đây là bài toán mà Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc”, ông Ngân nêu ý kiến.
Đầu tư công ngành y tế mới giải ngân được 12%
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), báo cáo của Chính phủ cần bổ sung một số tình hình an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Hiện có 2 tình trạng là nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế.
Do đó, đại biểu đề nghị báo cáo cần sâu hơn, phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm bảo hiểm y tế, về xã hội hóa y tế…
“Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để người dân được khám, chữa bệnh”, đại biểu giải thích.
Theo đại biểu, ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Nếu trước chỉ y tế cơ sở yếu, thì hiện nay cả 3 chân kiềng đều yếu.
Theo đại biểu vấn đề thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhân viên y tế nghỉ việc và những việc xảy ra với ngành y tế hiện nay là nghiêm trọng. Ảnh: Chí Hùng. |
Đại biểu Phong Lan cho rằng chi phí y tế của nước ta không phải ít, dù chưa bằng những nước phát triển nhưng cũng vượt qua được nhiều nước. Nguyên nhân dẫn đến bất cập là do cơ chế và quản lý chưa tốt.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay việc triển khai gói hỗ trợ rất chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không nhận được sự tiếp sức dẫn đến đóng cửa.
“Điều này có thể thấy qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng là khá lớn với 112.700 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân hơn 400 doanh nghiệp ra khỏi thị trường mỗi ngày)”, ông dẫn chứng.
Đặc biệt trong ngành y tế, ông cho biết đầu tư công ngành này mới giải ngân được 12%, còn 88% chưa chi được trong khi ngành rất cần.
“Năm nay chỉ tiêu thu ngân sách 1.412.000 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách năm 2021 là 1.500.000 tỷ đồng, tức là cao hơn nhiều so với chỉ tiêu năm 2022. Câu hỏi đặt ra, chúng ta đặt chỉ tiêu chỉ bằng 90% thôi trong khi đó tăng trưởng năm nay cao hơn năm ngoái”, ông nói.
Bộ trưởng Công Thương: DN xăng vơi nguồn tiền khi đầu tư chứng khoánTheo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số doanh nghiệp xăng dầu đi đầu tư chứng khoán, bất động sản, làm vơi đi nguồn tiền để nhập hàng, gây ra những tác động đến chuỗi cung ứng. |
Phát hiện 6 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ, nhập khẩu xăng dầuBộ Công Thương cho biết có một doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo quy định, 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được giao. |
thị trường tài chính
Tp. Hồ Chí Minh
Chính phủ
tài chính
ngân hàng
lãi suất
lãi suất cho vay
lãi suất tiền gửi
bất động sản
Theo: Zing News
Comments are closed.