Đại biểu đề nghị có tiêu chí rõ khi trao cơ chế đặc thù cho địa phương

Đại biểu Quốc hội mong muốn phải có tiêu chí cụ thể trong việc trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương để tránh sự cảm tính. Về lâu dài, có thể nhân rộng nếu thí điểm thành công.

Sự cần thiết để trao cơ chế đặc thù cho 4 địa phương là Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế là nội dung mà nhiều đại biểu băn khoăn khi Quốc hội thảo luận về chủ đề này trong sáng 27/10.

Tại sao phải trao cơ chế đặc thù cho 4 nơi này mà không phải là các địa phương khác, vấn đề thu ngân sách, an ninh quốc phòng, thể chế… sẽ ra sao là chủ đề mà các đại biểu yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ.

Băn khoăn xin nâng mức dư nợ vay

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đồng tình và cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, bà nhắc quy định trong Luật Ngân sách, mức dư nợ vay ngân sách địa phương được cho phép không vượt quá 20%.

Tuy nhiên, một số tỉnh chưa dùng hết cơ chế này mà lại xin nâng lên mức 40%. Điển hình như dư nợ vay của Thanh Hóa mới đạt 27% mức dư nợ được phép là gần 8.000 tỷ đồng.

Đồng tình, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), cũng băn khoăn vấn đề này. Ông cho biết TP.HCM đã được trao cơ chế đặc thù, nhưng mức dư nợ vay thực thế vẫn rất thấp so với mức được phép.

Năm 2019, TP.HCM mới dùng hết 26,3% mức cho phép, còn năm 2020 là 34,9%. Hiện tại, Hải Phòng cũng mới chỉ dùng hết 28% dư nợ vay được cho phép.

co che dac thu cho 4 dia phuong anh 1

Các đại biểu thảo luận ở hội trường sáng 27/10. Ảnh: Hồng Phong.

Ông Thống cũng đề nghị cần làm rõ việc trao cơ chế cho phép tăng dư nợ vay ở địa phương thì có làm giảm nguồn thu trung ương hay không, nếu giảm thì bù bằng nguồn nào. “Nâng mức dư nợ vay có làm tăng nợ công quốc gia không, tại sao các địa phương chưa thực hiện hết dư nợ”, ông Thống phát biểu.

Cũng liên quan đến chủ đề này, ông Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng cần nghiên cứu kỹ với việc thành lập quỹ bảo tồn di sản Huế, bảo đảm quỹ chỉ đầu tư cho những hạng mục trùng tu mà chưa được ngân sách đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ, không trùng lắp với các dự án khác.

Ông Sơn cũng nói về đề xuất của Hải Phòng xây dựng khu thương mại tự do. Ông cho rằng đây là mô hình mới, chưa có nhiều quy định trong pháp luật hiện hành, còn liên quan đến an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội.

“Cần nghiên cứu về mô hình quản lý áp dụng cho mô hình trung tâm thương mại tự do, không chỉ Hải Phòng mà còn các địa phương khác”, ông Sơn đề xuất.

Cần có tiêu chí cụ thể, tránh cảm tính

Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi tại sao chỉ 4 địa phương được trao cơ chế đặc thù trong thời điểm này. Đại biểu Cầm Hà Trung (Phú Thọ) cho biết thực tế hiện nay nhiều địa phương có cơ chế đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều địa phương đã có nghị quyết của trung ương, nhiều địa phương nằm trong vùng đặc thù an ninh quốc phòng như Tây nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ.

Do đó, ông cho rằng việc giải quyết các đề xuất trao cơ chế đặc thù cho địa phương nếu không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu quốc hội, lãnh đạo địa phương mà chưa được hoặc không được trao cơ chế đặc thù.

“Khi mà cử tri và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ và cho rằng đại biểu Quốc hội và lãnh đạo địa phương có yếu kém không khi không xin được cơ chế đặc thù cho địa phương, điều đó dễ gây hiểu lầm trong cử tri và nhân dân”, ông này nói.

Do đó, ông cho rằng phải có tiêu chí, giải thích thỏa đáng vì sao chọn 4 địa phương nêu trên, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính. Cần xác định mục tiêu và thứ tự ưu tiên để quyết định lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền, kết hợp các địa phương được phê duyệt lần này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng hiện có Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã có cơ chế đặc thù. Ông đặt câu hỏi sao không trao thêm cơ chế cho các địa phương sẵn có mà lại thêm các tỉnh thành mới. Việc áp dụng ban đầu sẽ có nhiều khó khăn. Việc thu hút chuyên gia, xây dựng quy trình cũng mất thời gian…

Phân cấp đặc quyền cho địa phương

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi.

Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

co che dac thu cho 4 dia phuong anh 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Ngoài ra, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Cơ chế cũng phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.

Thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất 2 vấn đề lớn là phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu QH: Có tình trạng run rẩy, sợ trách nhiệm khi chống dịch

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng một số vấn đề trong công tác chống dịch vừa qua, Bộ Y tế đã không làm tốt trách nhiệm.

cơ chế đặc thù cho 4 địa phương

cơ chế đặc thù

quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù

cơ chế đặc thù cho địa phương

cơ chế đặc thù cho hải phòng thanh hóa nghệ an huế

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười 27, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top