Tuy vậy, không phải giải pháp nào cũng phát huy hiệu quả nếu nhà đầu tư chưa thấy được triển vọng sáng sủa của doanh nghiệp (DN) trong tương lai.
Nhà đầu tư thất vọng
Cuối tháng 6, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017, với sự chủ trì của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), thay cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT ITA.
Đáng chú ý, tại ĐHCĐ, ông Tâm đưa ra nhận định cho rằng giá cổ phiếu của ITA trong thời gian tới chỉ lên không thể xuống.
Thậm chí, ITA có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại bằng đúng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) ngay trong năm 2017.
Ông Tâm còn hùng hồn tuyên bố sẽ mua vào cổ phiếu ITA trong thời gian tới. Thực tế, ngay sau đó, ITA đã có chuỗi tăng giá ấn tượng, từ 3.440 đồng/cổ phiếu lên mức 4.940 đồng/cổ phiếu (tương đương gần 15%).
Sau đợt tăng nóng này, ITA lại quay đầu giảm khi nhà đầu tư nhận ra tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn chưa đủ lực để kéo cổ phiếu về mệnh giá.
Nhà đầu tư thất vọng khi ông Tâm không hề mua vào cổ phiếu như tuyên bố trước đó. |
Cụ thể, theo BCTC quý III, doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 94,5 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ITA đạt 354 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 39,2 tỷ đồng.
Cải thiện lớn nhất trong 9 tháng qua của ITA là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 158 tỷ đồng, thay vì âm 888 tỷ đồng như năm 2016 (chủ yếu nhờ người mua trả tiền trước ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn tăng vọt).
Thế nhưng, những yếu tố này chưa thể thay thế chỉ số quan trọng để có thể vực dậy cổ phiếu là EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) vẫn ở mức rất thấp (chỉ đạt gần 41 đồng/cổ phiếu).
Ngoài kết quả kinh doanh không như ý, nhà đầu tư càng thêm thất vọng khi ông Tâm không hề mua vào cổ phiếu như tuyên bố trước đó. Đến cuối phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, ITA quay lại đúng bằng mức giá thời điểm cuối tháng 6, là 3.400 đồng/cổ phiếu.
Trường hợp ITA đã không còn là chuyện cá biệt trên thị trường chứng khoán. Đơn cử là CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB). Tháng 6 vừa qua, nhằm vực dậy cổ phiếu KHB, 2 thành viên HĐQT là ông Trương Danh Hùng và ông Đỗ Thái Anh đã đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cổ phiếu HKB (tương đương 11,6% vốn điều lệ).
Thông tin này lập tức giúp HKB có vài phiên tăng điểm lên sát vùng 5.700 đồng/cổ phiếu.
Tuy vậy, hết thời hạn đăng ký giao dịch, cả 2 thành viên HĐQT vẫn không hề có động thái mua cổ phiếu như thông báo trước đó, với “lý do cá nhân”? Trước sự bội tín của ban lãnh đạo, nhà đầu tư quyết định bán ra khiến cổ phiếu, HKB lao dốc về vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ 2 thành viên HĐQT thất hứa, mà ngay cả Chủ tịch HĐQT là ông Dương Quang Lư cũng có hành động tương tự, khi đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu cuối tháng 8 nhưng sau đó lờ luôn.
Lý do ông Lư đưa ra là “ưu tiên nguồn vốn cá nhân hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.
Hiệu quả nhất vẫn là cổ phiếu quỹ
Liên tục những tháng gần đây, nhiều DN niêm yết công bố mua lại cổ phiếu quỹ với số lượng rất lớn.
Đơn cử, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) công bố phương án mua lại 83,5 triệu cổ phiếu (tương đương 15% cổ phần đang lưu hành) làm cổ phiếu quỹ. Phương thức giao dịch là đăng ký mua lại cổ phiếu tại các phiên giao dịch hàng ngày của HOSE, và nguồn tiền lấy từ thặng dư vốn cổ phần.
Với mức giá hiện tại của SBT khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu, DN dự chi khoảng 1.778 tỷ đồng để mua đủ số cổ phiếu này.
Tương tự, CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) mua 6 triệu cổ phiếu, CTCP Everpia (EVE) mua 3 triệu cổ phiếu, CTCP Tư vấn – Thương mại dịch vụ – Địa ốc Hoàng Quân (HQC) mua tối đa 10 triệu cổ phiếu, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mua 3,5 triệu cổ phiếu, CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) mua tối đa 18 triệu cổ phiếu, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mua 57 triệu cổ phiếu.
Chi mạnh nhất cho cổ phiếu quỹ ở thời điểm hiện tại là CTCP Tập đoàn Masan (MSN).
Tập đoàn này vừa công bố hoàn tất mua vào hơn 100 triệu cổ phiếu quỹ, nâng số lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ lên xấp xỉ 109,9 triệu cổ phiếu (tương đương 9,5% vốn điều lệ). Với mức giá bình quân 58.352 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra để sở hữu số cổ phiếu này lên đến 5.874 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong các DN trên, duy nhất MSN công bố mục đích mua lại cổ phiếu nhằm tạo sự linh hoạt cho kế hoạch huy động vốn và hạn chế tối đa việc pha loãng cổ phiếu. Còn mục tiêu chung của các DN là cứu giá cổ phiếu đang đi xuống.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, động thái mua cổ phiếu quỹ là giải pháp không mới, nhưng hiện tại vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc giải cứu cổ phiếu.
Thông thường, việc tổ chức phát hành mua cổ phiếu của chính công ty có thể tác động tới thị trường, giúp giao dịch sôi động hơn và hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu, thậm chí giúp cổ phiếu tăng giá trở lại sau chuỗi giảm giá trước đó.
Thực tế, giải pháp này thỏa mãn được kỳ vọng của nhà đầu tư hơn so với lời hứa suông của lãnh đạo DN. Ngoài giải pháp chính là cứu giá, nếu DN đang sở hữu lượng tiền mặt lớn, động thái mua cổ phiếu quỹ từ nguồn vốn đầu tư phát triển được ví như “của để dành”.
Đây có thể là khoản đầu tư sinh lợi đáng kể nếu DN có đủ niềm tin về hiệu quả kinh doanh và sự hồi phục của giá cổ phiếu trong tương lai.
Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý những vấn đề khi đón sóng cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, do thực hiện mua cổ phiếu quỹ từ nguồn vốn hợp pháp, việc DN mua cổ phiếu đang lưu hành sẽ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu hay giá trị sổ sách một lượng bằng giá trị cổ phiếu công ty đã mua vào.
Khi DN bán ra số cổ phiếu quỹ đó, giá trị sổ sách của DN sẽ tăng lên một lượng bằng giá trị cổ phiếu bán ra. Chênh lệch giữa 2 khoản đó được ghi vào thặng dư vốn cổ phần của DN.
Cổ phiếu quỹ có một số đặc điểm khác với cổ phiếu phổ thông, như không được trả cổ tức, không có quyền biểu quyết và quyền mua cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu quỹ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa luật pháp quy định.
Comments are closed.