Tesla vẫn giữ vị thế dẫn đầu trên thị trường xe điện đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, các hãng xe nội địa Trung Quốc cũng đang giành giật thị phần từ tập đoàn của Elon Musk.
Trong năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, các hãng xe điện Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ như Nio, Xpeng và Li Xiang (còn được gọi là Li Auto) vẫn chứng kiến doanh thu tăng đột biến.
Giá cổ phiếu của những hãng xe này đều tăng vọt. Ở chiều ngược lại, thị trường ôtô nói chung lao dốc.
Trong khi đó, Tesla của tỷ phú Elon Musk vẫn giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc. Vào một buổi tối ở Thượng Hải, phóng viên của CNBC có thể nhìn thấy trên đường phố 11 chiếc Tesla, hai chiếc SUV của Nio, một chiếc từ WM Motor và một chiếc seden P7 mới nhất của Xpeng.
Ban đầu, người mua xe điện ở Trung Quốc chủ yếu là nhân viên văn phòng ở các thành phố hạng nhất. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn Daxue Consulting, nhờ những dòng xe của Nio và Tesla, ngày càng nhiều người tiêu dùng chấp nhận các mô hình xe điện cao cấp. Trong năm 2018-2019, những dòng xe điện bán chạy nhất có giá 60.000-100.000 NDT (9.214-15.357 USD).
Các hãng xe điện Trung Quốc như Nio, Xpeng và Li Xiang chứng kiến doanh thu tăng đột biến trong năm 2020. Ảnh: AP. |
Xe trong nước cố giành sân chơi
Trong năm 2020, thang giá của xe điện tại Trung Quốc tiếp tục tăng. Những chiếc xe giá trên 300.000 NDT (46.073 USD) được giao chiếm tới 25%, tăng từ 22,5% so với 2019. Theo dữ liệu của GF Securities, doanh thu trong nửa đầu năm 2020 của Tesla chiếm 51% thị trường xe điện Trung Quốc. Theo sau lần lượt là Nio (16%), Li Xiang (11%) và Xpeng (6%).
Tuy nhiên, các thương hiệu trong nước đang giành giật thị phần từ Tesla. Trong tháng 1/2021, những thương hiệu xe điện hàng đầu của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Cả Li Xiang, Nio và Xpeng đều tăng trưởng doanh số hơn 350%.
Nhà sản xuất ôtô điện Li Xiang (có trụ sở tại Bắc Kinh) cho biết đã giao 5.379 chiếc SUV chạy điện Li Xiang One vào tháng 1, tăng 335,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm nay, công ty giao tổng cộng 38.976 chiếc.
Công ty cũng tuyên bố thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thượng Hải, chuyên nghiên cứu các công nghệ ôtô điện như công nghệ lái xe tự động và công nghệ buồng lái thông minh thế hệ tiếp theo.
Người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn xe điện dựa trên giá cả và quãng đường đi được sau một lần sạc pin. Ảnh: Reuters. |
Thương hiệu ôtô điện nội địa Nio cũng giao 7.225 chiếc xe mới vào tháng 1, tăng 352,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần thứ 6 liên tiếp hãng lập kỷ lục về số xe được giao trong một tháng. Trong khi đó, Xpeng đã giao 6.015 xe vào tháng 1, tăng từ 5.700 xe hồi tháng 12/2020 và leo dốc 470% so với cùng kỳ năm trước.
Theo CNBC, khi lựa chọn xe điện, người tiêu dùng ở Trung Quốc – thị trường ôtô lớn nhất thế giới – cân nhắc giữa giá cả và quãng đường đi được.
Ông Chen Yingjie, 42 tuổi, tiết lộ đã mua chiếc SUV Li Xiang One của Li Xiang hồi tháng 4.2020 với giá khoảng 300.000 NDT (46.000 USD). Trong khi đó, nếu mua dòng xe tương tự của Nio với tất cả thông số kỹ thuật như yêu cầu, ông Chen sẽ tốn gấp đôi.
“Giá khởi điểm của Nio không cao, nhưng nhiều tính năng có thêm chi phí”, ông Chen chia sẻ. Hồi năm 2019, ông đã mua chiếc G3 của Xpeng và sau đó là ôtô điện BYD tặng cha vào tháng 6/2020.
Thị phần của các hãng xe điện tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Daxueconsulting. |
Nio đang triển khai chiến lược bán các tính năng của xe thông qua mô hình đăng ký. Chẳng hạn, công ty ra mắt kế hoạch “pin như một gói dịch vụ” hồi năm ngoái, tính cho khách hàng phí một tháng sử dụng pin.
Đối với anh Wang Jingyan, 29 tuổi, các dịch vụ chăm sóc khách hàng của Nio đáng để anh trả thêm tiền. Bởi chúng giúp tiết kiệm thời gian đến cửa hàng sửa chữa.
Giá cả cũng là một yếu tố được anh cân nhắc. Anh Wang đã mua một chiếc Nio ES6 với giá khoảng 450.000 NDT (69.109 USD) vào cuối năm 2019. Anh mua chiếc xe theo lời khuyên của người quản lý tại chỗ làm, sau khi so sánh với chiếc Lexus RX đắt đỏ hơn.
Anh Wang cho biết anh không có cơ hội dùng thử chiếc Model 3 của Tesla. Tuy nhiên, những trải nghiệm của bạn bè anh về dịch vụ tệ hại tại các cửa hàng Tesla khiến anh Wang đánh mất thiện cảm.
Trợ cấp chính phủ
Chiếc xe có thể đi bao xa với chi phí pin cố định cũng là một yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Ông Zhang Zhen, 41 tuổi, mua một chiếc Li Xiang One kèm theo thùng chứa nhiên liệu vào mùa thu năm 2020.
Thùng nhiên liệu giúp quãng đường mà chiếc Li Xiang One đi được sau một lần sạc pin tăng từ 180 km lên 800 km. Theo ông Zhang, vợ ông chủ yếu sử dụng xe để đưa đón con cái đi học. Quãng đường hàng ngày là 10 km.
Tuy nhiên, ông nhận thấy việc sửa chữa xe điện rắc rối hơn nhiều ôtô chạy xăng. Ông Zhang cũng không có ý định mua thêm xe điện, bởi khu vực ông sinh sống rất lạnh giá và khá thiếu thốn cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo CNBC, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các chương trình trợ cấp và đẩy mạnh xây dựng mạng lưới sạc pin cho xe điện. Tuy nhiên, so với Mỹ, phần lớn xe điện ở Trung Quốc không có chỗ đỗ xe cố định.
“Điều này gây khó khăn cho nhiều tài xế trong việc truy cập thường xuyên vào các trạm sạc pin”, ông Mingming Huang, nhà sáng lập quỹ Future Capital Discovery Fund, chia sẻ. Quỹ của ông là một trong những nhà đầu tư của Li Xiang.
Tesla vẫn giữ vị thế dẫn đầu trong thị trường 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters. |
Nhiều tài xế Trung Quốc cũng lựa chọn xe điện vì các chính sách ưu đãi của chính quyền. Chẳng hạn, tài xế xe điện có thể nhận giấy phép xe điện trong thời gian ngắn hơn và chi phí thấp hơn so với ôtô thông thường.
Do nỗ lực giảm tắc nghẽn và ô nhiễm ở các thành phố Trung Quốc, người dân địa phương thường cần chờ đợi nhiều năm và chi số tiền không nhỏ để mua biển cho xe chạy bằng xăng.
Một khách hàng 27 tuổi, sống tại Hàng Châu, đã chờ gần một năm để có biển số cho chiếc xe chạy bằng xăng. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy chiếc xe điện G3 của Xpeng, cô quyết định không chờ đợi thêm nữa. “Sau khi áp dụng khoản trợ cấp của chính phủ, chiếc xe phù hợp với ngân sách khoảng 180.000 NDT (27.643 USD) của tôi”, cô chia sẻ.
Để giúp đẩy mạnh doanh số bán xe điện, chính quyền Bắc Kinh đã gia hạn các chương trình trợ cấp đến hết năm 2022. Thuế đối với xe điện cũng được miễn đến năm 2022.
Sự phát triển thần tốc của Tesla cũng bóp nghẹt không gian phát triển của các thương hiệu trong nước
Nhà phân tích Feng Shiming
Sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy các chuỗi công nghiệp liên quan, chẳng hạn lĩnh vực pin của nước này. Năm 2019, công suất chế tạo pin của Trung Quốc đạt 62,2 GWh, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đặt mục tiêu doanh số bán xe điện chiếm 20% doanh số bán ôtô cả nước vào năm 2025. Để đạt được điều đó, thị trường ôtô điện phải tăng trưởng ít nhất 30%/năm trong vòng 5 năm tới.
“Thị trường ôtô điện vẫn tồn tại những mặt trái, bao gồm quảng cáo sai sự thật và hiệu suất thấp trong thời tiết lạnh giá”, nhà phân tích ô tô độc lập Feng Shiming bình luận. “Sự phát triển thần tốc của Tesla cũng bóp nghẹt không gian phát triển của các thương hiệu trong nước”, ông nói thêm.
Hãng xe điện của Elon Musk đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trung Quốc trong việc xây dựng nhà máy sản xuất gần Thượng Hải. Công ty này coi thị trường 1,4 tỷ dân là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển.
Tuy nhiên, Tesla cũng vướng phải một số rắc rối trong thời gian qua. Công ty đã bị điều tra tại Trung Quốc về các vấn đề chất lượng, an toàn của xe.
Hôm 19/3, hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin về việc quân đội Trung Quốc cho rằng các máy quay đa hướng và cảm biến siêu âm trên xe Tesla có thể làm lộ địa điểm. Do vậy, việc cấm xe của hãng này nhằm đảm bảo an toàn thông tin quân sự. Theo đó, tất cả người sử dụng xe Tesla bị yêu cầu đậu xe bên ngoài các khu phức hợp quân đội.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng của những nhà sản xuất trong nước. Chẳng hạn, Morgan Stanley mới đây dự báo các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc có thể ghi nhận lãi và tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2021.
Ngân hàng cũng dự báo Li Xiang sẽ thu khoản lợi nhuận đầu tiên trong năm nay.
Cuộc thanh trừng các tập đoàn công nghệ tại Trung QuốcTuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy chiến dịch siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ như Ant Group và Tencent mới chỉ bắt đầu. |
Theo: Zing News
Comments are closed.