Hãng thời trang đến từ Nhật Bản đang đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng mới, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam khác để cùng vượt qua đại dịch.
Năm 1997, khi mới tốt nghiệp đại học, ông Osamu Ikezoe đã làm việc cho Uniqlo. Hơn 20 năm trôi qua, luân chuyển qua nhiều thị trường và chức danh, ông đến Việt Nam đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc.
Trong cuộc gặp Zing sau buổi ra mắt bộ sưu tập LifeWear Thu/Đông 2021, ông Osamu Ikezoe đã chia sẻ về cuộc sống của bản thân và những dự định cho Uniqlo Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam. |
Cửa hàng mới ưu tiên đặt tại TP.HCM và Hà Nội
Mở đầu cuộc trò chuyện, vị tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam vui mừng cho biết đã mở lại toàn bộ 8 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM với lượng khách đông đảo mỗi ngày.
Mặc dù khách hàng dần thắt chặt chi tiêu, ông cho rằng xu hướng này phù hợp với triết lý Lifewear mà Uniqlo vẫn theo đuổi về sự đơn giản, phải chăng mà chất lượng. Do đó, ông tin tưởng vào tương lai của thương hiệu tại thị trường Việt Nam.
Ngày 29/10 sắp tới, cửa hàng Uniqlo Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là cửa hàng thứ 9 tại Việt Nam và thứ 4 tại Hà Nội của hãng. Ông Osamu Ikezoe gọi đây là một phần trong kế hoạch phát triển và cam kết lâu dài của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thực tế, gần 2 năm Uniqlo hiện diện ở Việt Nam là gần 2 năm Covid-19 hoành hành. Dù vậy, thương hiệu vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động với những cửa hàng rộng trên dưới 1.000 m2.
Điều này xuất phát từ nhận định của tỷ phú Tadashi Yanai, nhà sáng lập Uniqlo, về một thị trường năng động, dân số trẻ và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc ở Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam trước nay vẫn là quốc gia mang lại giá trị sản xuất lớn cho thương hiệu. Nhà máy sản xuất tại đây giúp việc cung ứng sản phẩm diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Ông Osamu Ikezoe tin tưởng vào tương lai của Uniqlo tại Việt Nam. |
“Chúng tôi đang đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng để phủ sóng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Nói thật, chúng tôi muốn mở rất nhiều cửa hàng, ở càng nhiều nơi càng tốt, nhưng vẫn cần ưu tiên các thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội. Các tỉnh, thành khác chúng tôi vẫn đang xem xét”, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam chia sẻ với Zing.
Trong lúc này, với các cửa hàng hiện có nhắm vào từng tệp khách hàng khác nhau, doanh nghiệp cố gắng đáp ứng nhu cầu của những tệp khách hàng này. Đặc biệt, kênh phân phối thương mại điện tử đang được xây dựng, tuy nhiên ông Osamu Ikezoe từ chối tiết lộ về lộ trình cụ thể.
Đóng góp lâu dài cho Việt Nam
Gần 2 năm điều hành Uniqlo Việt Nam, ông Osamu Ikezoe dần coi mình là người Việt. Đồng nghiệp tại đây cho ông cảm giác năng động, tràn đầy sức sống. Sở thích lớn nhất của ông cũng là đi ăn cùng nhân viên.
“Tôi muốn gắn bó với Việt Nam”, ông từng nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Zing năm ngoái. Và đến nay, sự gắn bó này được mở rộng ra với “gia đình” Uniqlo của ông.
Theo ghi nhận của Zing, những ngày này, khách hàng đến mua sắm tại Uniqlo Đồng Khởi và Uniqlo Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) khá bất ngờ và thích thú với không gian trưng bày các sản phẩm nông sản như trái cây sấy khô, nước cốt hoa quả… Cuối tuần vừa qua, phiên chợ Xanh Tử Tế của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng đã xuất hiện tại Uniqlo Vạn Hạnh Mall (TP.HCM).
Khách hàng tìm hiểu về nông sản Việt Nam tại Uniqlo Đồng Khởi. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội HVNCLC, một số phiên chợ Xanh Tử Tế “truyền thống” gần đây luôn có một nhóm khách hàng đặc biệt ghé thăm. Một thời gian sau, bà mới biết đó là đội ngũ của Uniqlo Việt Nam, mong muốn tìm hiểu và đồng hành.
“Chúng tôi rất thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp và nông dân địa phương trong bối cảnh Covid-19, do đó chúng tôi muốn trở thành cầu nối giữa họ và người tiêu dùng, tận dụng không gian rộng rãi ở các cửa hàng để giới thiệu nông sản Việt Nam đến đông đảo khách hàng của Uniqlo”, ông Osamu Ikezoe tâm sự.
Còn với bà Vũ Kim Hạnh, đây là khởi đầu cho ước mơ đưa sản phẩm của nông dân Việt Nam xuất hiện tại nhiều cửa hàng khác của Uniqlo và Fast Retailing ở các quốc gia khác.
Kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của chúng tôi đều là xây dựng uy tín và thương hiệu tại Việt Nam
Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam
“Từ ngày khai trương cửa hàng đầu tiên cho đến nay, mọi hoạt động của chúng tôi đều hướng đến cam kết cống hiến tích cực và lâu dài cho con người và xã hội Việt Nam. Kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của chúng tôi đều là xây dựng uy tín và thương hiệu tại thị trường này”, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam khẳng định.
Giờ đây, khi Việt Nam bắt đầu sống chung với Covid-19, ước muốn lớn nhất của ông là một môi trường làm việc an toàn cho đội ngũ, để từ đó đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn với bản thân, ông cảm thấy hài lòng vì đã được trải qua những ngày yên bình giữa đại dịch, với nhiều thời gian hơn cho gia đình yêu quý.
Khách xếp hàng dài trong ngày Uniqlo TP.HCM mở bán trở lạiNhiều bạn trẻ chi hàng triệu đồng để mua sắm tại Uniqlo Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) trong ngày 11/10. Dù là ngày đầu tuần, nơi này vẫn đón lượng lớn khách mua sắm. |
Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản: ‘Uniqlo không phải hãng thời trang nhanh’Đến Việt Nam khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên, tỷ phú Tadashi Yanai dành cho Zing.vn cuộc trò chuyện 30 phút về triết lý kinh doanh, chọn người kế nhiệm và về Việt Nam. |
Nhà sáng lập Uniqlo: ‘TP.HCM sẽ là thị trường tiêu thụ lớn nhất ĐNA’Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo), khẳng định Uniqlo Đồng Khởi là cửa hàng mẫu để các điểm bán khác trên thế giới của hãng học hỏi. |
CEO Uniqlo nói về kế hoạch mở rộng tại Việt Nam
uniqlo
ceo uniqlo việt nam
osamu ikezoe
phiên chợ xanh tử tế
hội hàng việt nam chất lượng cao
Theo: Zing News
Comments are closed.