Báo cáo tài chính mới nhất của CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN), doanh nghiệp sở hữu và vận hành công viên Đầm Sen cho biết chỉ tính riêng năm 2017, công viên này đã thu về hơn 89 tỷ đồng lãi ròng từ hoạt động kinh doanh của mình.
Cụ thể, riêng quý IV/2017, công viên nước thu về khoản doanh thu thuần đạt 24 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 1,5 tỷ đồng cùng với việc chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 2 tỷ đồng giúp công viên ghi nhận khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 3 lần cùng kỳ đạt 14 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế, Công viên nước Đầm Sen thu về 11 tỷ đồng lãi ròng chỉ trong 3 tháng cuối năm 2017, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Tính cả năm 2017, công viên này đạt hơn 196 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so với năm 2016, giúp lợi nhuận gộp thu được năm qua đạt 128 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với khoản tiền gửi rất lớn, Công viên nước Đầm Sen đã thu về gần 12 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua, năm trước đó khoản này cũng mang về cho công viên gần 11 tỷ đồng.
Cụ thể, đến cuối năm 2017, Công viên nước Đầm Sen có tổng cộng gần 220 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng bao gồm 3,2 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn; 97 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng và dưới 3 tháng; 44 tỷ tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng với lãi suất 8%/năm và 75,5 tỷ tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng lãi suất từ 5,5-7%/năm. Khoản tiền gửi ngân hàng này chiếm tới hơn 90% tổng tài sản của công ty.
Theo báo cáo tài chính những năm trước đó, năm nào Công viên nước Đầm Sen cũng dành phần lớn tài sản của mình để đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Công viên nước Đầm Sen hiện cũng không có bất kỳ khoản vay hay nợ thuê tài chính nào giúp công viên không phải chi trả bất kỳ chi phí tài chính nào.
Kết quả, Công viên nước Đầm Sen ghi nhận khoản lãi trước thuế tăng 17% đạt gần 112 tỷ đồng năm qua, sau khi trừ thuế, công viên này thu về ròng 89 tỷ đồng, mức lãi cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Tính đến cuối năm 2017, công viên nước này đang có khoản lãi lũy kế gần 103 tỷ đồng.
Đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu năm qua vẫn là hoạt động cung cấp dịch vụ mà chủ yếu ở đây là từ bán vé (giá vé niêm yết hiện nay vào khoảng 70.000-150.000 đồng/người), chiếm 74% tổng doanh thu. Ngoài ra, hoạt động bán hàng hóa cũng giúp công viên này thu về gần 47 tỷ đồng trong năm 2017.
Công viên nước Đầm Sen có vốn điều lệ gần 121 tỷ đồng, và là công viên nước lớn nhất tại TP.HCM hiện nay. Công viên nước Đầm Sen cũng đã niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE từ cuối năm 2010.
Hiện tại, cổ phiếu DSN của Công viên nước Đầm Sen được giao dịch với giá 59.300 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh so với 6 tháng trước đó ở mức 50.000 đồng.
Trong cơ cấu cổ đông của Công viên nước Đầm Sen, CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ đang là cổ đông lớn nhất tại đây với 33,54% vốn, tương đương hơn 40,5 tỷ đồng, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Công viên nước Đầm Sen được xây dựng từ năm 1976-1978 theo lời kêu gọi của Thành ủy – UBND TP.HCM. Theo đó, hàng chục nghìn lao động từ khắp các quận, huyện trong thành phố được huy động đến để nạo vét, trồng cây ở khu vực này.
Năm 1983, công trình được đưa vào sử dụng và được cho quận 11 quản lý. UBND Quận 11 giao cho 3 đơn vị vận hành quản lý gồm Công ty Ăn uống Q.11, Công ty Văn hóa tổng hợp và Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 1989, công trình được giao cho Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ – đơn vị vừa mới tách ra từ Công ty Ăn uống Q.11 – quản lý và đầu tư cho đến nay.
Công viên Đầm Sen dùng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai thuếDo sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng làm giảm số thuế phải nộp, Công viên nước Đầm Sen bị Cục thuế TP.HCM xử phạt. |
Mở cửa miễn phí, công viên Thống Nhất vẫn thu hàng chục tỷ mỗi nămTrung bình giai đoạn 2014-2016, doanh thu của công viên Thống Nhất lên tới 55 tỷ đồng mỗi năm, hoạt động mang lại nguồn thu chính là vườn hoa. |
Comments are closed.