Chính phủ Indonesia nhìn chung chào đón các công ty cho vay trực tuyến ngang hàng P2P (peer-to-peer). Giới chức tại đây xem vay trực tuyến là một kênh hiệu quả để cấp tín dụng cho nhóm dân số không thể tiếp cận với hệ thống ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên làn sóng xuất hiện của một loạt công ty cho vay P2P Trung Quốc không đăng kí hoạt động với chính quyền và sử dụng những biện pháp đòi nợ có tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần đã làm dấy lên tình trạng đáng báo động.
Đe dọa thân nhân của người vay tiền
4 người ở Indonesia không thể trả nợ sau khi vay trực tuyến kể với Reuters rằng các ứng dụng cho vay của Trung Quốc đã kiểm soát danh bạ điện thoại và bắt đầu tìm tới đồng nghiệp và bạn bè của họ. Việc cho phép truy cập danh bạ là mặc định khi họ cài đặt các ứng dụng này.
Một trong số đó là Nesika Yustines, 26 tuổi, đang làm việc tại Tangerang, gần thủ đô Jakarta. Yustines cảm thấy choáng váng khi những người đòi nợ liên tục gọi điện thoại cho sếp của cô và thông báo cô chỉ có một tuần để trả khoản nợ với lãi suất 20%.
“Những người đòi nợ yêu cầu sếp và bạn trai tôi trả nợ. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi họ bị đối xử như thể là vật thế chấp”, Yustine nói.
Nhiều công ty cho vay trực tuyến Trung Quốc hoạt động ở Indonesia với cách thức đòi nợ mang tính đe dọa, khủng bố tinh thần. Ảnh: Reuters. |
Hendrikus Passagi, người chịu trách nhiệm giám sát các công ty công nghệ – tài chính (fintech) làm việc tại Cơ quan Quản lý Tài chính (OJK) nói rằng một số người vay tiền đã mất việc sau những cuộc gọi như vậy.
“Chúng tôi là một quốc gia tôn giáo. Ở Indonesia, nếu ai đó mượn tiền của tôi và không trả, tôi sẽ không đến nhà và làm nhục người đó.”, Passagi nói.
Tại Trung Quốc, các cơ quan chức năng bắt đầu ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt để quản lý thị trường cho vay trực tuyến từ tháng 12/2017 sau khi nhận nhiều chỉ trích vì sự quản lý kém cỏi của mình.
Tìm kiếm các thị trường mới, các công ty cho vay P2P Trung Quốc bắt đầu tiếp cận thị trường Indonesia từ năm 2017 theo nhóm và có những cuộc tiếp xúc với các quan chức, ngân hàng và giám đốc điều hành để thiết lập hoạt động, theo lời của những người tổ chức các chuyến đi này.
Các công ty cho vay P2P từ Trung Quốc thường thành lập công ty vỏ bọc tại Hong Kong hay Singapore để qua mặt sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh với dòng tiền đổ ra nước ngoài và thuê các đại lý ủy quyền làm đối tác ở từng địa phương, Jin Xiang, người đang điều hành một công ty ở Bắc Kinh giúp các công ty fintech tìm kiếm những thị trường mới thuật lại. Jin Xiang đã tổ chức nhiều chuyến đi đến Indonesia từ cuối năm 2017.
OJK đã đưa ra danh sách 407 nền tảng cho vay trực tuyến hoạt động trái phép tại Indonesia tới tháng 9/2018. Cơ quan này tiết lộ hơn một nửa trong số đó là các công ty Trung Quốc, nhưng cũng có một số ít đến từ Tây Âu hoặc Mỹ.
Trụ sở công ty cho vay là một nhà kho đã đóng cửa
Chính phủ Indonesia xem các công ty fintech vận hành nền tảng cho vay trực tuyến P2P là một phần giải pháp với bài toàn thiếu hụt 73 tỷ USD mỗi năm giữa nhu cầu tín dụng của người dân với khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng.
Ngành kinh doanh này vẫn đang tăng trưởng rất nhanh tại đây. 64 công ty cho vay P2P đã đăng ký với OJK ghi nhận tổng số tiền cho vay đạt khoảng 534 triệu USD từ tháng 1 đến hết tháng 7 năm nay. Mới đây, Go-Jek, ứng dụng lớn nhất của Indonesia đã thiết lập quan hệ đối tác với ba công ty địa phương hoạt động trong lĩnh vực cho vay trực tuyến như một phần trong kế hoạch tiến sâu hơn vào thị trường fintech.
Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực của giới chức Indonesia cùng sự giúp đỡ của Google trong việc chặn truy cập các ứng dụng và website của các công ty cho vay trực tuyến trái phép, nhiều người vay tiền nói rằng các nền tảng đã bị cấm vẫn hoạt động và yêu cầu họ trả tiền.
Một nhân viên văn phòng 42 tuổi giấu tên kể rằng ông ta đã tuyệt vọng khi thương lượng việc trả nợ sau khi những kẻ đòi nợ của công ty Uang Express bắt đầu gọi cho người thân và đồng nghiệp của ông để yêu cầu họ trả 2 triệu rupiah (133 USD).
Uang Express là một trong số 200 nền tảng cho vay trực tuyến bị cấm hoạt động tại Indonesia vì không đăng kí và tuân thủ luật pháp. Ứng dụng của nó có hơn 100.000 lượt tải trên Google Play trước khi bị xóa.
Khi người đàn ông này thử tới trụ sở của công ty này ở Jakarta, ông ấy chỉ thấy một nhà kho đã đóng cửa.
Một người đàn ông ngủ bên ngoài một nhà kho đã đóng cửa tại Jakarta. Ảnh: Reuters. |
Reuters sau đó tìm ra văn phòng của Sencond Installment, được giới thiệu là công ty mẹ của Uang Express và chưa bị cấm hoạt động.
“Làm thế nào anh tìm được đến đây? Anh không thể tìm ra chúng tôi được, đấy mới là điểm quan trọng của fintech” – người phát ngôn của công ty này xác nhận đó là văn phòng chính thức nhưng không chịu nói gì thêm.
Second Installment quảng cáo trên cùng địa chỉ website và server email giống với Miao Miao Technology – một nền tảng cho vay trực tuyến có trụ sở ở Thượng Hải với nền tảng và logo giống hệt Uang Express.
Reuters không thể tiếp cận Miao Miao Technology để xác nhận liệu nó có mối quan hệ nào với Second Installment hay không. Uang Express cũng từ chối trả lời.
Việt Nam có thể là thị trường tiếp theo sau Indonesia
Các nhà chức trách Indonesia cho rằng không phải công ty fintech nào đến từ Trung Quốc cũng hoạt động trái phép. Vẫn có những công ty minh bạch, đặc biệt nếu nó có mặt trên sàn chứng khoán.
Hexindai, một công ty fintech có trụ sở ở Bắc Kinh vừa niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng 11/2017, đã mua lại 20% cổ phần của công ty cho vay trực tuyến Musketeer mới đây với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Indonesia trong tham vọng mở rộng ra thế giới.
Người phát ngôn của Hexindai nói rằng họ không đồng tình với cách đòi nợ mang tính khủng bố của một số công ty đồng hương. Hexindai cam kết sẽ chỉ liên hệ với những số điện thoại được khách hàng liệt kê là địa chỉ liên lạc khẩn cấp khi quá hạn trả nợ và đưa vào danh sách đen những người vay tiền không trả nợ sau 90 ngày.
Tuy nhiên không phải tất cả đều tuân thủ các quy định bao gồm yêu cầu các công ty ngoại cho vay P2P phải có một đối tác Indonesia nắm giữ ít nhất 15% tại chi nhánh địa phương cũng như ban giám đốc là người bản xứ.
Hơn một nửa các công ty cho vay trực tuyến hoạt động trái phép ở Indonesia đến từ Trung Quốc, theo số liệu của OJK. Ảnh: The Jakarta Post. |
Một số nhà tổ chức các chuyến đi kết nối nhiều công ty cho vay trực tuyến Trung Quốc nói rằng các đơn vị này sẵn sàng trả từ 500.000 đến 1 triệu Nhân dân tệ (73.000 – 146.000 USD) cho một công ty trung gian làm hết mọi dịch vụ từ đăng kí hoạt động đến tuyển dụng nhân sự người địa phương.
Những người bản xứ có lẽ không biết đứng sau các công ty cho vay trực tuyến này là những người Trung Quốc, Wang Lu, giám đốc marketing của một đơn vị tổ chức các chuyến đi kể lại.
Với sự giám sát gắt gao hơn từ chính phủ Indonesia, Wang Lu chia sẻ rằng những công ty cho vay P2P Trung Quốc sẽ phải tìm những thị trường mới với 3 tiêu chí: đông dân, có hệ thống tài chính chưa phát triển và hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ.
Jin Xiang đã bắt đầu tổ chức các chuyến đi đến Việt Nam, nơi anh ta xem là điểm đến hàng đầu mới cho các công ty fintech cho vay online của Trung Quốc.
Comments are closed.