Ngày mai (6/12), cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Vì sao nhà đầu tư khát cổ phiếu Sabeco?
Vốn điều lệ Sabeco hiện đạt gần 6.413 tỷ đồng, tương ứng số lượng niêm yết là 641,28 triệu cổ phiếu. Với mức giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Sabeco ước đạt 70.540 tỷ đồng (3,15 tỷ USD). Như vậy Sabeco sẽ đứng thứ 5 về vốn hóa trên sàn HOSE, sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup.
Hiện tại, Sabeco có 1.227 cổ đông, trong đó Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 574,52 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 89,59%.
Số lượng cổ đông nước ngoài là 114, nắm giữ 60,23 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,39%. Có nhiều đồn đoán cho rằng Heineken sở hữu khoảng gần 5% trong tổng số cổ đông ngoại nắm giữ.
Như vậy, số lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước chỉ còn khoảng 6,53 triệu cổ phiếu.
Với cơ cấu cổ đông cô đặc như trên thì cổ phiếu SAB được dự báo sẽ cháy hàng trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán.
Khác với Habeco chỉ tạo thành cơn sốt khi chính thức lên sàn, cổ phiếu Sabeco ngay lập tức tăng mạnh, từ vùng giá 80.000 đồng/cổ phiếu lên tới 130.000 đồng/cổ phiếu ngay khi có thông tin doanh nghiệp sẽ sớm được giao dịch trên sàn.
Ngày 5/12, trước một ngày SAB sẽ chính thức giao dịch trên HOSE, các nhà đầu tư đang sẵn sàng mua với mức giá 168.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50% so với mức giá tham chiếu cho ngày chào sàn.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, Sabeco sẽ có cơ hội trở thành một Vinamilk thứ 2 trên sàn chứng khoán, khi đây là doanh nghiệp dẫn đầu của một ngành đang tăng trưởng mạnh.
“Với cơ cấu cổ đông nhà nước chi phối tuyệt đối nhưng Sabeco vẫn tăng trưởng mạnh thì khi có các nhà đầu tư chiến lược có thể tăng tốc mạnh hơn”, vị chuyên gia cho biết.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Vương Hùng, Giám đốc môi giới chứng khoán Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết cổ phiếu SAB của Sabeco được các nhà đầu tư rất quan tâm và có thể tăng nóng ngay trong phiên chào sàn 6/12.
Sabeco đã gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016. Đồ họa: P.Diệp |
Theo ông Hùng, ngoài cơ cấu cổ đông tập trung, lượng cổ phiếu trôi nổi ít, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh thì còn lý do khiến nhà đầu tư khát cổ phiếu bia này là một số tổ chức cũng sẽ nhắm đến Sabeco. Bởi vì SAB rất có thể sẽ được đưa vào rổ chỉ số VN30 do mức vốn hóa cao thứ 5 của Sabeco sau khi lên sàn.
Dự báo lợi nhuận tăng trưởng 34%
Theo Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), căn cứ vào kết quả kinh doanh của Sabeco thì mức P/E (hệ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự phòng hợp lý là 21,5 lần, do đó HSC định giá cổ phiếu SAB 156.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh của Sabeco tăng mạnh qua các quý. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Sabeco đạt gần 22.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 3.547 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ, chỉ còn cách mục tiêu lợi nhuận cả năm đúng 100 tỷ đồng.
Dự báo lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong năm 2016 sẽ tăng 34% so với năm 2015.
Hiện, Sabeco đang có năng lực sản xuất lớn nhất trong ngành với 24 nhà máy sản xuất, tổng công suất đạt trên 1.8 tỷ lít bia/năm, hệ thống phân phối với 11 công ty thương mại. Năm 2015, ông lớn bia này chiếm tới 44,9% tổng thị phần trong nước.
Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh quý III của Nielsen cho biết ngành bia vẫn duy trì mức tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, trong khi các đồ uống khác đều có mức suy giảm mạnh.
Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco cũng đề cập tới nhiều tên tuổi lớn quan tâm tới Sabeco như Heineken, Anheuser-Busch và SABMiller hay Tập đoàn Asahi và Kirin Holdings, Singha và Thai Beverage. Trong đó, hãng bia Thai Beverage là tham vọng nhất khi nhiều lẩn ngỏ lời mua Sabeco.
Trước đó, ngày 28/10, người anh em của Sabeco là Habeco đã lên sàn UPCoM. Cổ phiếu này gây chú ý lớn cho các nhà đầu tư khi tăng một mạch từ mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu lên 144.00 đồng/cổ phiếu, và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 110.000 đồng (tăng 2,8 lần).
Cổ phiếu Habeco tăng giá cũng do nguyên nhân chính là cơ cấu cổ đông rất tập trung, tỷ lệ chuyển nhượng tự do ít.
Lý do người Thái ‘thèm’ bia ViệtThâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ, nhưng tham vọng các đại gia Thái không phải là đưa bia nước họ vào Việt Nam, mà sẽ làm bia Việt và bán trên đất Việt. |
Comments are closed.