Nguyên nhân được HoSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 bị âm 49,3 tỷ đồng dựa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 (niên độ tài chính 1/10/2015 – 30/9/2016).
Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1.1 Điều 22 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại HoSE ban hành kèm theo Quyết định số 346/QĐ-SGDHCM, lợi nhuận sau thuế của năm tài chính trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm. HVG sẽ bị đưa vào diện cảnh báo.
Sau những biến cố tài chính của doanh nghiệp, cổ phiếu Hùng Vương đã bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh: Vietnamnet. |
Sau khi kiểm toán, HVG đã gây sốc bởi khoản lợi nhuận âm 49,3 tỷ đồng, giảm gần 358 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng, giảm gần 90% so với báo cáo trước kiểm toán và giảm 93% so với năm trước.
Cụ thể, lợi nhuận gộp giảm gần 222 tỷ đồng, giảm do điều chỉnh loại trừ doanh thu – giá vốn trên báo cáo riêng của công ty mẹ là hơn 221,7 tỷ đồng.
Các khoản nợ mà doanh nghiệp này cần cân đối là điều mà cổ đông quan tâm hơn cả. Các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, đặc biệt là phải thu và vay nợ đang thực sự gây khó.
Tại thời điểm cuối năm, khoản phải thu của HVG là 7.429 tỷ đồng, chiếm gần 60% tài sản ngắn hạn và gần 45% tổng tài sản, tăng 32% so với đầu năm. Thông tin chi tiết các khoản phải thu đến hạn không được công bố, chỉ thấy lũy kế dự phòng phải thu tăng từ 347 tỷ đồng lên 409 tỷ đồng.
Tổng vay nợ của HVG là hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn (7.650 tỷ đồng). Các khoản vay được thế chấp bởi một số hàng tồn kho. Và con số vay nợ cao đã đẩy chi phí tài chính tiếp tục tăng từ 440 tỷ lên 577 tỷ đồng.
Những biến cố tài chính khiến cho cổ phiếu của Hùng Vương – “vua” thuỷ sản một thời – rơi vào diện cảnh báo và chung số phận với những “ông vua” khác như Hoàng Anh Gia Lai, gỗ Trường Thành…
Comments are closed.