Vốn hóa của Novaland đã tăng hơn 3.200 tỷ đồng trong 4 phiên gần nhất để trở lại nhóm doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Những thông tin tích cực liên tiếp đang giúp cổ phiếu NVL của Novaland trở thành tâm điểm hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Trong hai phiên giao dịch gần nhất, việc nhà đầu tư liên tục đổ tiền tranh mua giúp mã chứng khoán này tăng kịch biên độ và lấy lại mốc vốn hóa tỷ USD.
Trong phiên đầu tuần hôm nay (27/3), cổ phiếu NVL đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 12.700 đồng/đơn vị, tăng kịch biên độ so với phiên liền trước cùng với lượng dư mua vẫn còn xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu. Phiên giao dịch hôm nay cũng đánh dấu chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp của mã này, trong đó có 2 phiên tăng trần gần nhất.
Giá trị vốn hóa của nhà phát triển bất động sản lớn nhất khu vực TP.HCM theo đó cũng tăng hơn 3.200 tỷ đồng trong các phiên vừa qua, hiện đã đạt xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Đi kèm với đó là thanh khoản tăng vọt, nằm trong nhóm giao dịch nhiều nhất thị trường.
Nhà đầu tư rót tiền trở lại vào NVL khi Novaland có những dấu hiệu tích cực ban đầu sau giai đoạn tái cấu trúc. Trong đó, công ty này đã được cổ đông chấp thuận việc phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư để huy động vốn không dưới 9.750 tỷ đồng. Tập đoàn bất động sản này còn dự kiến chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để thu về 19.500 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu ESOP tối đa 1,5% lượng cổ phần đang lưu hành với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần vừa qua, Novaland còn gia hạn thành công 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.750 tỷ đồng. Đại diện trái chủ đã đồng ý không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu của tập đoàn.
Cổ phiếu tài chính giúp VN-Index giữ được sắc xanh trong ngày đầu tuần 27/3. Nguồn: FireAnt. |
Bên cạnh NVL, nhiều cổ phiếu ngành tài chính khác cũng có sức bật tốt trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay, điển hình là sắc xanh tại nhóm ngân hàng lớn và sắc tím của tại nhóm doanh nghiệp chứng khoán.
Trong đó, mã VCB của Vietcombank hôm nay tăng 2,2%, lên 91.000 đồng/cổ phiếu và với vốn hóa lớn nhất thị trường, đà tăng cổ phiếu này đã tác động tích cực nhất với chỉ số VN-Index. Ngoài ra, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng còn có mã BID của BIDV tăng 1%; CTG của VietinBank đi lên 0,9%; HDB của HDBank tăng thêm 0,8%; MBB của MBBank tăng 1,13%…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán còn giao dịch tích cực hơn trong phiên hôm nay khi một số mã đã chạm đến giá trần, như FTS của Chứng khoán FPT; BSI của Chứng khoán BSC. Trong khi đó, các mã AGR và VIX đều tăng mạnh 4,5%; mã VCI, APS, CTS tăng trên 3% và mã đầu ngành SSI có thêm 2,7% giá trị.
Trong phiên hôm nay, đà suy giảm 1,2% của cổ phiếu VHM (Vinhomes), hiện cố định ở 48.400 đồng/cổ phiếu, là lực đè lớn nhất tác động lên thị trường chung. Ngoài ra, thị trường còn bị kéo lùi bởi nhiều mã vốn hóa lớn giảm điểm hôm nay như MSN của Masan (-1,67%); SAB của Sabeco (-0,96%); VNM của Vinamilk (-0,53%) và PLX của Petrolimex (-1,79%).
Lực giằng co lớn của các nhóm cổ phiếu khiến thị trường giao dịch trong biên độ hẹp. Kết phiên đầu tuần, VN-Index đóng cửa tăng 5,46 điểm (+0,52%), cố định ở 1.052,25 điểm. Tương tự, trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,46%), đóng cửa ở 206,67 điểm, trong khi UPCoM-Index giảm 0,64%, về 75,68 điểm.
Trong bối cảnh thị trường đi ngang, dòng tiền nhà đầu tư đổ vào chứng khoán không ghi nhận biến động mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 10.870 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản tại sàn HoSE chiếm 9.716 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cuối tuần trước.
Giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên ảm đạm hôm nay, nhưng vẫn theo chiều hướng tích cực khi mua ròng 171 tỷ đồng trên HoSE. Các mã được mua nhiều là HPG (Hòa Phát) và VHM (Vinhomes), trong khi VNM (Vinamilk) và MSN (Masan) bị bán ròng lớn nhất.
Trước phiên giao dịch hôm nay, khối phân tích nhiều công ty chứng khoán đã dự báo thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp để chờ đón những thông tin vĩ mô và các kết quả kinh doanh ban đầu.
Chuyên gia VNDirect cho rằng với các thông tin tốt xấu đan xen, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn với biên độ hẹp quanh vùng 1.030-1.070 điểm, bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng rõ nét.
Với biên độ hẹp đó, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đề xuất chiến lược swingtrade – tức mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 và bán trong các phiên hưng phấn với thanh khoản không cải thiện.
Chứng khoán vẫn dao động trong biên độ hẹpThị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến khó lường với xu hướng đi ngang, chuyên gia khuyến nghị thận trọng trong các giao dịch ngắn hạn. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Theo: Zing News
Comments are closed.