Cổ phiếu cắm đầu đi xuống, gia đình Quốc Cường mất gần 2.300 tỷ

Gần đây, thị trường chứng khoán Việt liên tục lập đỉnh trong 10 năm và vẫn đang có chiều hướng tiếp tục đi lên.

Tại phiên giao dịch ngày 22/11, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 925 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Đà tăng của VN-Index chủ yếu đến từ mức tăng của hàng loạt cổ phiếu blue-chips như VNM, VIC, VCB, SAB…

Số phận trái ngược các cổ phiếu đại gia

Diễn biến thị trường tích cực kéo theo nhiều cổ phiếu công ty của các đại gia đi lên sau chuỗi ngày ảm đạm.

Cụ thể, bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sau chuỗi dài giảm giá đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11. Cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương, công ty của đại gia Dương Ngọc Minh cũng đã bật tăng 7 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần…

Tuy nhiên, trái ngược với nhiều cổ phiếu đại gia, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai, nơi ông Nguyễn Quốc Cường là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc vẫn kéo dài chuỗi ngày giảm giá..

Co phieu cam dau di xuong, gia dinh Quoc Cuong mat gan 2.300 ty hinh anh 1

Cụ thể, 5 phiên giao dịch trong tuần qua, cổ phiếu QCG giảm tới 3 phiên, dù trong ngày giao dịch cuối cùng trong tuần QCG tăng trần 6,7% nhưng cũng không đủ để QCG quay trở về thị giá đầu tuần. Theo đó, trong tuần qua, thị giá cổ phiếu công ty Cường đôla đã giảm thêm gần 4%, hiện chỉ được giao dịch với mức 13.450 đồng/cổ phiếu.

Nếu so với giai đoạn khởi sắc hồi giữa năm, thị giá cổ phiếu QCG đã giảm hơn 55%, từ mức đỉnh gần 30.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 6 xuống như hiện nay.

Với việc sở hữu khối lượng cổ phần khổng lồ tại Quốc Cường Gia Lai, đà giảm của QCG đã kéo theo khối tài sản của Cường Đôla và những người thân tại đây “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Gia đình Cường Đôla mất hơn 2.300 tỷ đồng

Hiện tại, cổ đông lớn nhất tại Quốc Cường Gia Lai là bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ Cường đôla) với 37,05% vốn sở hữu. Bà Loan đồng thời là lãnh đạo cao nhất tại công ty khi vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là Tổng giám đốc.

Cổ đông lớn thứ 2 tại Quốc Cường Gia Lai chính là em gái ông Cường, bà Nguyễn Ngọc Huyền My với hơn 14,32% vốn công ty, tương đương 39,38 triệu cổ phiếu. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, em gái bà Loan cũng nắm giữ hơn 9,67 triệu cổ phiếu… Ngoài ra, cá nhân Cường đôla cũng đang nắm giữ 0.2% vốn tại công ty, tương đương 537,5 nghìn cổ phiếu.

Co phieu cam dau di xuong, gia dinh Quoc Cuong mat gan 2.300 ty hinh anh 2

Tổng cộng Nguyễn Quốc Cường và những người thân trong gia đình đang nắm quyền sở hữu tới gần 60% vốn tại Quốc Cường Gia Lai. Đà suy giảm thị giá của công ty bất động sản phố núi này trong thời gian qua đã khiến khối tài sản của gia đình Cường Đôla “bốc hơi” hơn 2.300 tỷ đồng.

Cụ thể, riêng cá nhân bà Loan, trong 5 tháng qua, tài sản trên sàn chứng khoán của bà đã giảm hơn 1.600 tỷ đồng. Trong khi tài sản bà Huyền My cũng đã giảm gần 650 tỷ đồng. Cá nhân Cường Đôla cũng đã mất gần 9 tỷ đồng vì đà suy giảm giá của QCG. Chưa kể tới em gái bà Loan cũng đã mất gần 160 tỷ đồng.

Còn đó hơn 400 tỷ đồng tiền nợ

QCG được xem là mã cổ phiếu có mức biến động mạnh nhất trong năm 2017. Từ mức giá chỉ 3.500 đồng/cổ phiếu vào đầu năm, QCG đã tăng một mạch gấp gần 10 lần lên chạm ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6.

Đà tăng mạnh mẽ này được nhà đầu tư lý giải do Quốc Cường Gia Lai đã chấp nhận đặt bút ký nhận tạm ứng 50 triệu USD từ đối tác trong dự án Phước Kiển nên đã tất toán được hơn 1.300 tỷ đồng nợ đến hạn, cùng kết quả kinh doanh có phần khởi sắc do thanh lý các dự án và tài sản.

Co phieu cam dau di xuong, gia dinh Quoc Cuong mat gan 2.300 ty hinh anh 3

Tuy nhiên, doanh thu tăng mạnh nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, việc phải sang tay nhiều dự án, công ty con khiến cổ đông, nhà đầu tư lo ngại về hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp. Cổ phiếu QCG bắt đầu quay đầu giảm mạnh trong vài tháng qua.

Trên thực tế, dù đã giải tỏa được áp lực nợ ngắn hạn với các chủ nợ, nhưng thực tế Quốc Cường Gia Lai vẫn đang còn đang nợ gần 420 tỷ đồng tài chính. Trong đó, có 154 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 264 tỷ nợ dài hạn. Trong khi kết quả kinh doanh chính liên tục giảm sút.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III, QCG ghi nhận 118 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5 lần so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 12 tỷ đồng. Chính nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính mà chủ yếu là hoạt động thanh lý tài sản, dự án đã giúp Quốc Cường Gia Lai báo lãi trước thuế hơn 202 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng hơn 400 tỷ đồng trong đó đến từ hoạt động chuyển nhượng, thanh lý các dự án, công ty con.

Nỗ lực tự cứu mình của 2 đại gia phố núi Gia Lai

Cả Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai đều phải tự cứu mình bằng việc bán tài sản để trả nợ. Cách này phần nào giải tỏa được áp lực trong ngắn hạn nhưng vẫn chưa hết nỗi lo.

Posted on Tháng Mười Một 25, 2017 in Tin tức

Share the Story

Back to Top