Cổ phiếu bất động sản và phân bón bứt phá trong tuần

Cổ phiếu bất động sản nhỏ và phân bón tăng mạnh nhất sàn HoSE, trong khi một cổ phiếu ngành nước tăng ngoạn mục 110% trên sàn UPCoM.

Thị trường chứng khoán tuần giao dịch 11-15/10 tiếp tục ghi nhận đà đi lên khi VN-Index chốt ở mức gần 1.393 điểm, tương ứng tăng gần 20 điểm (1,45%) so với tuần trước. Chỉ số ghi nhận những nỗ lực nhưng chưa thể chinh phục thành công ngưỡng cản 1.400 điểm.

Đây cũng là tuần giao dịch khởi đầu cho mùa báo cáo kinh doanh quý III khi các thông tin dần xuất hiện, tâm lý thị trường cũng dần sôi động hơn nhưng vẫn có phần chờ đợi những thông tin từ các doanh nghiệp. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tăng 9% lên mức 26.591 tỷ đồng.

Co phieu nganh nuoc,  co phieu bat dong san,  Cap nuoc Son La anh 1

Diễn biến VN-Index trong tuần vừa qua. Đồ thị: TradingView.

Diễn biến tương tự trên sàn niêm yết tại Hà Nội khi chỉ số đại diện HNX cũng tăng 3,47% lên mức gần 385 điểm và chỉ số đại diện sàn giao dịch UPCoM cũng tăng 1,2% lên hơn 99,4 điểm.

Dù vậy điểm trừ là khối ngoại vẫn tiếp tục xu thế bán ròng và chiếm tỷ trọng khoảng 7,4% toàn thị trường. Nhóm này đã bán ròng ở mức 34,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.384 tỷ đồng. Trong đó nổi bật là thỏa thuận bán hơn 2.500 tỷ đồng tại mã cổ phiếu MML.

Tâm điểm bất động sản và phân bón

Sàn niêm yết sôi động nhất thị trường HoSE ghi nhận đà bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản nhỏ và cổ phiếu phân bón dậy sóng trong tuần qua.

Vị trí dẫn đầu thuộc về công ty Bất động sản và Đầu tư VRC (mã VRC) với mức tăng gần 26% trong tuần qua. VRC có 4 phiên tăng trần và 1 phiên giảm để đóng cửa ở mức 13.850 đồng/cổ phiếu, giúp giá trị vốn hóa của công ty ở Bà Rịa Vũng Tàu đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Xếp sau là HAR của công ty Bất động sản An Dương Thảo Điền với mức tăng gần 25%. Thị giá HAR đã lên mức cao nhất 3 năm tại 7.280 đồng/cổ phiếu và cũng có vốn hóa xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có VPH của Vạn Phát Hưng tăng gần 23% sau khi giải trình về việc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh. Hay như L10 của công ty Lilama 10 tăng giá gần 16% và MCG của công ty Năng lượng và Bất động sản MCG tăng hơn 14%.

Bên cạnh 5 cái tên thuộc nhóm bất động sản thì cổ phiếu ngành phân bón cũng có 3 đại diện trong top 10 tại sàn HoSE. Trong đó SFG của Phân bón Miền Nam tăng gần 23% lên vùng đỉnh 3 năm tại 16.750 đồng/cổ phiếu.

Nhóm phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng khởi sắc. Đạm Cà Mau (DCM) tăng gần 16% và Đạm Phú Mỹ (DPM) tăng hơn 14% trong tuần.

Đà bứt phá của cổ phiếu phân bón khi những thông tin về lợi nhuận khá tích cực. Thông tin từ Vinachem cho thấy lợi nhuận của Phân bón Miền Nam ước tăng 320%. Trong khi Tập đoàn Dầu khí ước tính Đạm Cà Mau có thể tăng trưởng 57%.

Số thứ tự Mã CK Tăng giá Mã CK Giảm giá
1 VRC 25,91% NBB -11,38%
2 HAR 24,66% TGG -7,89%
3 SFG 22,71% TTE -6,89%
4 VPH 22,68% EMC -6,87%
5 TNC 16,96% NAF -6,75%
6 DCM 15,75% SSC -6,55%
7 L10 15,72% DAH -6,04%
8 MCG 14,42% HPX -5,54%
9 CLW 14,36% GSP -5,44%
10 DPM 14,3% HRC -5,23%

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhà phát triển bất động sản Năm Bảy Bảy (NBB) bị chốt lời mạnh sau khi lên đỉnh lịch sử. Thị giá NBB bị điều chỉnh về 37.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa gần 2.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó TGG của Louis Capital cũng biến động lớn với 3 phiên sàn và 2 phiên tăng trần. Thị giá TGG rơi về 30.350 đồng/cổ phiếu, ứng với vốn hóa hơn 800 tỷ đồng. Mã chứng khoán này còn được chú ý khi một cá nhân phải bán cắt lỗ 50% giá trị chỉ sau nửa tháng đầu tư.

Một số cổ phiếu ngành nước bứt phá

Giao dịch trên các sàn niêm yết HNX và sàn giao dịch UPCoM thường ít sôi động hơn nhưng lại có biên độ dao động lớn hơn sàn HoSE. Do đó các mã chứng khoán trên 2 sàn này thường ghi nhận mức tăng/giảm mạnh hơn.

Trên sàn HNX, nhóm 3 vị trí dẫn đầu là các doanh nghiệp ít tên tuổi và thanh khoản cũng rất hạn chế (dưới 1 cổ phiếu/phiên) là Lắp máy-Thí nghiệm Cơ điện (LCD), Cảng Rau Quả (VGP) cùng Sách và Thiết bị Bình Định (BDB).

Đứng ở vị trí thứ 4 là tân binh KSF của Tập đoàn KSFinance với mức tăng gần 30% trong tuần. Cổ phiếu này chào sàn hôm 6/10 với giá tham chiếu 36.000 đồng nhưng đến nay đã có giá 73.300 đồng trên mỗi đơn vị.

Quy mô vốn hóa của công ty bất động sản này hiện đạt gần 22.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tuấn nắm giữ hơn 54% vốn công ty, tương đương đang sở hữu lượng cổ phần giá trị hơn 11.900 tỷ đồng.

Nhóm tăng mạnh còn phải kể đến họ Louis sau chuỗi ngày nằm sàn liên tục. Một số mã hồi phục mạnh trong tuần qua như VKC của Cáp nhựa Vĩnh Khánh tăng hơn 29%, SMT của Samatel tăng hơn 26% và BII của Louis Land tăng trên 24%.

Đà hồi phục của nhóm Louis Holdings đến sau khi tập đoàn này bổ nhiệm CEO mới Nguyễn Mai Long. Vị này ngay lập tức khẳng định việc đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên là tầm nhìn dài hạn và công khai, đồng thời không có chủ trương tác động lên giá cổ phiếu.

Số thứ tự Sàn HNX (biên độ 10%) Tăng giá Sàn UPCoM (biên độ 15%) Tăng giá
1 LCD 58,27% NSL 110%
2 VGP 45,56% CI5 86,79%
3 BDB 41,41% HNT 71,79%
4 KSF 29,73% HRB 60%
5 VKC 29,37% CID 55%
6 D11 27,8% SON 55%
7 L14 27,2% RTB 51,88%
8 SMT 26,25% RCC 43,06%
9 PVL 25% BTN 40,43%
10 BII 24,24% SCJ 35,43%

Trên sàn UPCoM chứng khiến một cổ phiếu ngành nước tăng ngoạn mục 110% chỉ sau một tuần. Mã NSL của Cấp nước Sơn La bứt phá với trọn vẹn 5 phiên tăng trần lên 12.600 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa 126 tỷ đồng. Dù vậy thanh khoản rất hạn chế với chỉ 100 cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.

Đây là xí nghiệp cấp nước cho thị xã Sơn La (nhà máy nước Bó Cá). Doanh thu năm ngoái ổn định ở mức hơn 120 tỷ đồng và thu về 18 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Những cái tên tăng mạnh còn lại cũng đến từ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và thanh khoản bình quân rất hạn chế.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười 19, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top