Thị trường vẫn trong nhịp điều chỉnh khi VN-Index có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp dù có lực đỡ tích cực đến từ nhóm cổ phiếu bán lẻ.
Phiên giao dịch 10/4 tiếp tục chứng kiến sự thắng thế của bên bán khi sắc đỏ phủ rộng thị trường, VN-Index có thêm phiên điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp sau chuỗi phục hồi mạnh trước đó.
Tuy nhiên, áp lực giảm trên diện rộng bị ngăn cản khi nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ bứt phá mạnh phiên hôm nay, trở thành điểm tựa lớn nhất giữ chỉ số không bị trượt dài.
Trong đó, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động hôm nay tăng vọt 5,1%, lên 41.000 đồng, qua đó trở thành mã chứng khoán có tác động tích cực nhất kéo chỉ số chung đi lên. Cổ phiếu MWG tăng vọt diễn ra trong bối cảnh công ty này vừa tổ chức phiên họp cổ đông trong đó bổ nhiệm người phụ trách mới cho chuỗi Bách Hóa Xanh.
Tương tự, cổ phiếu DGW của nhà phân phối điện tử Digiworld thậm chí ghi nhận mức dư mua hàng trăm nghìn đơn vị tại giá trần 33.450 đồng/cổ phiếu hôm nay. Mã PET của Petroseetco cũng đóng cửa trong sắc tím; FRT chuỗi bán lẻ FPT Retail tăng 4,1%, đạt 66.000 đồng, cổ phiếu nhà bán lẻ vàng trang sức PNJ tăng gần 1%, lên mức 77.200 đồng…
Cổ phiếu bán lẻ bứt phá sau khi Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng hóa từ 10% xuống còn 8%. Việc giảm thuế sẽ được thực hiện theo 2 phương án, giảm chung tất cả hàng hóa và không giảm cho hàng hóa đã được giảm thuế trước đó.
Về thời gian thực hiện, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đề xuất thời gian ban hành dự kiến là 1/7 và áp dụng đến hết 31/12 năm nay.
Một chuyên gia chứng khoán nhận định đây là hành động quyết liệt của cơ quan Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế sau khi số liệu GDP thấp hơn kỳ vọng quý I. Chính sách này trước mắt sẽ giúp các doanh nghiệp ngành bán lẻ và FMCG hưởng lợi.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt. |
Ngoài nhóm bán lẻ thì thị trường còn được sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác.
Đơn cử nhóm ngân hàng có HDB của HDBank tăng 1,3%, hiện cố định ở mức 19.700 đồng/cổ phiếu; TCB của Techcombank tăng 2,2%, lên 30.200 đồng; SHB tăng 3,4%, đạt 12.000 đồng…
Đà tăng của HDB, TCB và SHB hôm nay cũng là ba trong nhóm 10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Xét trong nhóm ngân hàng, đây cũng là những mã có xu hướng phục hồi tích cực nhất từ đầu năm đến nay. Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank đã tăng một mạch gần 50% từ vùng đáy hồi cuối tháng 12/2022.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp hôm nay có KBC của Kinh Bắc City tăng vọt 5,4%, lên 26.400 đồng, sau thông tin doanh nghiệp sẽ dồn lực để tất toán hết trái phiếu. Tương tự, POW của PV Power tăng thêm 2,3% hay VGC của Viglacera đi lên 2,4% trong phiên.
Một số cổ phiếu vốn hóa tầm trung khác cũng ghi nhận trạng thái tích cực như VDS của Chứng khoán Rồng Việt tăng hết biên độ; LSS của Đường Lam Sơn, DAG của Nhựa Đông Á, PPC của Nhiệt điện Phả Lại kết phiên trong sắc tím.
Ở chiều ngược lại, các mã vốn hóa lớn nhóm ngân hàng trở thành tác nhân chính kéo lùi chỉ số. Đáng kể nhất là VCB của Vietcombank đi xuống 1,1%; BID của BIDV mất 2,1%.
Bên cạnh đó là VHM của Vinhomes giảm 1,8%, mất mốc 50.000 đồng/cổ phiếu; GAS của PV Gas đi lùi 1,7%; HPG của Hòa Phát rớt 2,4% hay VIC của Vingroup đi xuống 1,1%.
Xét ở mức độ giảm, nhóm cổ phiếu đầu tư công bị bán mạnh nhất khi hàng loạt mã ở trạng thái giảm sâu. Đơn cử KSB của Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương rơi 5,4%; LCG của Lizen mất 4,7%; HT1 của Vicem Hà Tiên lao dốc 4,6%; FCN của Fecon bị bán mạnh và giảm 3,8% trong phiên.
VN-Index chuyển sang sắc đỏ về cuối phiên 10/4. Đồ thị: TradingView. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa giảm 4,36 điểm (-0,41%) xuống 1.065,35 điểm và là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.
Độ rộng thị trường có phần nghiêng về bên bán khi sắc đỏ lấn át. Sàn HoSE ghi nhận có 215 mã giảm giá, 173 mã tăng giá và 58 mã đứng tham chiếu.
Thanh khoản thị trường bất ngờ được đẩy cao bởi áp lực bán, với tổng giá trị 17.827 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE chiếm hơn 15.000 tỷ, tăng 40% so với phiên liền trước.
Giao dịch của khối ngoại cũng là điểm trừ lớn khi có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị hơn 305 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất hôm nay là HPG của Hòa Phát (-108 tỷ), tiếp đến là STB của Sacombank (-73 tỷ) và KDH của Khang Điền (-62 tỷ). Trong khi HDB của HDBank vẫn là tâm điểm hút tiền ngoại khi được mua ròng gần 52 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng 4 đến nay là gần 137 tỷ đồng.
Gần 40.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3Với gần 40.000 tài khoản mở mới trong tháng 3, thị trường chứng khoán chỉ đón nhận thêm 140.024 tài khoản mới kể từ đầu năm, đạt khoảng 5% tổng số tài khoản mở mới trong năm ngoái. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Theo: Zing News
Comments are closed.