Theo giới chuyên gia, chính sách của Fed trong thập kỷ qua và việc hạ lãi suất mới chính là nguồn gốc của loạt vấn đề trong hệ thống ngân hàng khu vực tại Mỹ.
Market Watch mới đây đã đưa tin theo ông Jim Grant – tác giả của ấn phẩm nổi tiếng Grant’s Interest Rate Observer (Tạm dịch: Người quan sát lãi suất) – tình thế tiến thoái lưỡng nan về trần nợ, cuộc khủng hoảng hiện tại của các ngân hàng khu vực và xu hướng thiên lệch của thị trường do lãi suất cực thấp ở Mỹ đều bắt nguồn từ một nhân tố chung. Đó là Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trên thực tế, ông Grant từ lâu đã có quan điểm chỉ trích gay gắt đối với ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này. Ông cho rằng những năm qua, Fed đã gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là khi những thiệt hại đó đều “có thể lường trước được”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Anna Moneymaker. |
Lãi suất gần 0% là nguyên nhân
Theo vị tác giả nổi tiếng và cũng là một chuyên gia về thị trường tài chính, thời kỳ lãi suất thấp “một cách miễn cưỡng” trước đó – dao động ở mức bằng hoặc gần 0% – là nguồn cơn cho môi trường tài chính đầy thách thức ở thời điểm hiện tại.
“Chính sách của Fed trong 10-12 năm qua và việc hạ lãi suất nhìn chung đã gieo mầm cho một loạt vấn đề của các ngân hàng khu vực, cũng như rắc rối liên quan tới các khoản nợ hay trần nợ Mỹ”, ông Grant nhận xét.
Và đối với vị chuyên gia, Fed thậm chí mới là “vấn đề lớn nhất của nền tài chính”.
“Tôi cho rằng việc giảm lãi suất đã gây ra đủ loại biến tướng trong nền kinh tế”, ông Grant nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Việc này bóp méo hoạt động gửi tiết kiệm, khiến người người nhà nhà “phải quỳ gối soi đèn pin dưới đống đồ đạc” để kiếm lời từ khoản tiết kiệm của mình”.
Theo ông, những năm gần đây, cuộc đua lợi nhuận khiến nhiều nhà đầu tư bình thường rơi vào thế bị động, đồng thời cũng khiến các tổ chức tài chính mắc sai lầm, kể cả những ngân hàng như First Republic – đơn vị sở hữu một danh mục lớn gồm các khoản thế chấp khổng lồ của giới siêu giàu – cũng không nằm ngoài xu hướng.
Những tài sản đó đã liên tục giảm giá trị khi Fed tăng lãi suất trong suốt cả năm qua để chống lạm phát. Và điều nguy hiểm hơn là chính sách tiền tệ siết chặt của cơ quan này chưa đủ thành công khi lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao dai dẳng với 4,9% trong tháng 5 – dù đã giảm từ mức kỷ lục 9,1% của tháng 6/2022.
Hiện tại, sau khi đã chịu đựng từ mức lãi suất 0% lên 5-5,25%, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 6 tới.
Chính sách kém hiệu quả
Ngoài những ý kiến trên, ông Grant còn cho rằng sự căng thẳng trên thị trường dưới tác động của các đợt tăng lãi suất sẽ khiến Fed phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Sự sụp đổ liên tiếp của các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic đang đè nặng lên toàn hệ thống ngân hàng Mỹ.
Và những căng thẳng này chính là một trong những “hậu quả ngoài ý muốn” mà ông nhắc đến trước đó. Những lo lắng bên trong hệ thống ngân hàng có thể khiến các tổ chức tài chính nước này trở nên ngần ngại trong việc cho vay, gây thêm áp lực đối với nền kinh tế đang suy giảm tăng trưởng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về tình hình tài chính của Chính phủ – với việc tìm cách nâng trần nợ công trong bối cảnh Quốc hội chia rẽ – cũng làm dấy lên nhiều quan ngại.
Ông Grant cho rằng rắc rối trong hệ thống SVB, First Republic Bank hay Signature Bank đều đến từ Fed. Ảnh: Mike Segar. |
Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều dự báo cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Một chỉ báo của Ngân hàng Dự trữ New York mới đây thậm chí cho thấy khả năng nền kinh tế lớn nhất suy thoái trong 12 tháng tới là gần 70%.
Và khi mà Fed dừng tăng lãi suất vào tháng 6 tới, khả năng cao lạm phát sẽ quay đầu tăng trở lại.
Hơn cả thế, ông Grant còn cho rằng thị trường đã quen với lãi suất quá thấp trong thời gian dài. “Fed đã phạm phải một loạt sai lầm trong cả thập kỷ trước, và bảng cân đối kế toán của họ chẳng khác gì First Republic Bank”, ông cho biết.
“Tất nhiên Fed không phải First Republic Bank hay SVB nhưng bảng cân đối kế toán của họ thì y hệt, đặc biệt là việc kiếm được 2% từ tài sản nhưng mất tới 4-5% để trả nợ”, vị chuyên gia giải thích. “Đây là minh chứng cho các vấn đề gây ra bởi lãi suất thấp trong thời gian dài”.
Nghịch lý trong ván cược vào kinh tế Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome PowellChủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể vượt qua suy thoái, tuy nhiên, những gì đang diễn ra đều đi ngược lại mong muốn của ông. |
Lạm phát Mỹ khó giảm vì người tiêu dùng đã quen với giá caoTheo Wall Street Journal, dù đã từng ám ảnh vì lạm phát, sự quan tâm của công chúng Mỹ giờ đây không còn tập trung vào vấn đề này. |
Tỷ phú Buffett nói về nguy cơ vỡ nợ của MỹHuyền thoại đầu tư Warren Buffett cho rằng “mọi thứ sẽ trở thành thảm họa” nếu chính phủ Mỹ không điều chỉnh hạn mức nợ công. |
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Theo: Zing News
Comments are closed.