Chuyên gia: Áp thuế là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế đồ uống ngọt

Bên cạnh định nghĩa đồ uống có đường, các chuyên gia cho rằng cần xác định rõ tính hiệu quả, khả năng tác động của sắc thuế mới tới người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất.

Tương tự năm 2014, khi lần đầu tiên có đề xuất áp thuế tiêu thụ đối với đồ uống có đường tại Việt Nam, lại có nhiều ý kiến tranh cãi sau khi Bộ Tài chính quyết đánh loại thuế này một lần nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định của Việt Nam hiện nay không có định nghĩa về đồ uống có đường. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm nhiều loại thực phẩm thiết yếu, tốt cho sức khỏe.

Trên thực tế, khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gợi ý Việt Nam tham khảo phân định đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống chứa đường tự do, trong đó bao gồm đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

Cần làm rõ nhiều vấn đề, bao gồm định nghĩa

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – cho rằng khi khái niệm còn đang mơ hồ, có thể gây nhầm lẫn, mục đích tác động không được đánh giá rõ ràng thì chưa thể đưa vào luật.

VEPR cho rằng cần đánh giá kỹ về mục tiêu, đối tượng nằm trong sắc thuế cũng như khả năng tác động đến các ngành kinh tế trực tiếp và gián tiếp liên quan đến ngành đồ uống (dịch vụ bán buôn, bán lẻ, ăn uống, giải trí ngoài trời, du lịch).

Có khá nhiều ý kiến trái chiều về thế nào là đồ uống có đường và trong hệ thống văn bản quy chuẩn cũng như phân ngành kinh tế – kỹ thuật của Việt Nam không có khái niệm này

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

“Mở rộng chính sách thuế không chỉ ảnh hưởng đến ngành đồ uống giải khát mà còn lây sang nhiều ngành sản xuất và kinh doanh khác. Những ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi cung ứng của ngành đồ uống cũng không phải ngoại lệ”, ông lưu ý.

Ngoài ra, cơ quan đề xuất cũng cần có trách nhiệm trả lời thỏa đáng những vấn đề liên quan như tính hiệu quả về mặt sức khỏe khi áp dụng chính sách thuế, việc tiêu thụ không hợp lý các thực phẩm có đường, giàu chất béo, chất đạm khác có dẫn tới thừa cân béo phì hay ngoài chế độ ăn uống còn nguyên nhân nào khác dẫn đến tình trạng này hay không.

MỨC TIÊU THỤ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI Ở VIỆT NAM
Nhãn Năm 2002 Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021
Mức tiêu thụ đầu người lít 6.04 6.58 7.01 7.5 8.34 9.44 11.45 13.94 16.47 21.18 25.62 30.12 36.77 40.86 44.01 46.56 48.89 51.26 53.57 55.78

Ông cũng cho rằng cần phân tích cả yếu tố điều kiện thực tế và các nhóm đối tượng chịu tác động sẽ thích ứng, thay đổi hành vi ra sao khi có chính sách mới.

Ngoài ra, các bằng chứng phản ứng trong điều kiện Việt Nam cụ thể với từng vùng miền, nhóm đối tượng khác nhau, tránh “đánh bùn sang ao” và chủ yếu lấy các nghiên cứu dẫn chứng từ nước ngoài, vốn chủ yếu là các nghiên cứu liên quan lạm dụng đồ uống cũng như các thực phẩm chế biến sẵn khác.

Với môi trường thể chế, thực thi chưa hoàn thiện như hiện nay, việc chính sách thiếu hợp lý có thể đẩy đối tượng thu nhập thấp chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm phi chính thức, các dạng kinh doanh không được kiểm soát và công khai. Thậm chí hàng nhập có thể đi tiểu ngạch, luồn lách để trốn thuế và gia tăng nạn hàng giả, hàng nhái.

Xu hướng đánh thuế tất yếu

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tin rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống là xu hướng tất yếu.

Ông cho rằng cần tiến hành nghiên cứu ngay trong năm 2023 để có thể trình Quốc hội thông qua, sớm nhất có thể vào nửa đầu năm sau. Trước hết nên bàn về đồ uống có đường, còn việc xem xét áp dụng thêm với các mặt hàng thực phẩm có đường như bánh kẹo là vấn đề khác.

“Không nên móc nối vấn đề vì bất kỳ loại thuế nào cũng đều liên quan đến nhiều ngành khác nhau”, chuyên gia này trao đổi với Zing.

Thông thường áp thuế là biện pháp hiệu quả nhất do bản chất là đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Đừng nghĩ rằng chỉ dán nhãn mác và giáo dục thì không phải đánh thuế

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Thịnh cho rằng có rất nhiều biện pháp để định hướng hành vi người tiêu dùng. Riêng đồ uống có đường được WHO khuyến nghị 3 nhóm giải pháp chính là ghi nhãn mác, tuyên truyền giáo dục cho người dân và cuối cùng là áp thuế.

Trước quan điểm chỉ có 1/4 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, vị chuyên gia khẳng định đây đều là các quốc gia phát triển, tiên tiến nhưng điểm chung là có tốc độ gia tăng bệnh lý do đường gây nên cao.

Đặc biệt, các nước này chiếm tỷ trọng dân số lớn trên thế giới, ví dụ Trung Quốc (1,4 tỷ người), Ấn Độ (1,4 tỷ người), Mỹ (336 triệu người). Vì vậy, không nên tính thế giới có bao nhiêu nước áp thuế mà nên xem xét số dân trên thế giới chịu sắc thuế này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thực tế nhiều năm qua, sản lượng sản xuất và sức tiêu thụ đồ uống có đường liên tục tăng trưởng 4-5%. Gần nhất năm 2022 sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tỷ lít, tăng 5% so với năm 2021.

thue do uong co duong,  thue tieu thu anh 1

Khoảng 1/4 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế dành cho đồ uống có đường. Ảnh: Independent.

Số liệu này chứng minh ngành đồ uống không chịu ảnh hưởng đáng kể sau Covid-19. Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng.

“Các doanh nghiệp cần xác định vị trí, vai trò của mình trước vấn nạn béo phì. Ngành sản xuất đồ uống có đường có thể bị ảnh hưởng phần nào nếu áp thuế nhưng những tác động mang tính xã hội mà đồ uống có đường gây ra như bệnh tật, chi phí khám chữa bệnh và an sinh xã hội rất lớn”, ông nhận định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thinh, các chuyên gia của WHO đã đưa ra bốn phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

– Phương án 1: Áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường. Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn). Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lít, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỷ đồng. Phương án này làm giảm số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc đồ uống có đường chứa trong bao bì nhỏ hơn.

– Phương án 2: Áp thuế 35 đồng mỗi gram đường trong 100 ml. Khi đó giá sẽ tăng từ 10% (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực). Sức tiêu thụ ước giảm khoảng 880 triệu lít, thuế thu được khoảng 12.400 tỷ đồng. Phương án thứ hai nhằm tác động trực tiếp làm giảm hàm lượng đường trong đồ uống, từ đó tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc thay thế đồ uống có hàm lượng đường cao bằng đồ uống có hàm lượng đường thấp hoặc không chứa hàm lượng đường.

– Phương án 3: Áp thuế 40% giá xuất xưởng. Khi đó giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%, lượng tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít, thuế thu được là 12.400 tỷ đồng.

– Phương án 4: Áp thuế 10% giá xuất xưởng. Giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%, lượng tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỷ đồng.

Ngoài các phương án trên, WHO khuyến nghị Việt Nam có thể xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai.

Doanh nghiệp: Giá nước giải khát sẽ tăng vì phải gánh thêm thuế

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước giải khát lo ngại buộc phải điều chỉnh giá thành sản phẩm nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Ý kiến trái chiều về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Một số chuyên gia, cơ quan quản lý cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng béo phì, trong khi doanh nghiệp lại lo ngại về đề xuất này.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

thuế đồ uống có đường

thuế tiêu thụ

thuế

tiêu thụ đặc biệt

đồ uống có đường

sản xuất

nước giải khát

nước ngọt

trà sữa

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 9, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top