Nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chi trả kinh phí mua vaccine Covid-19 cho người lao động, cũng như tự chủ động tìm nguồn cung, nhưng cần hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 31/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo không để bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào có nguồn mua được vaccine Covid-19 ngay mà lại không mua về.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận nguồn vaccine thông qua các đối tác, bạn hàng. Tuy vậy, từ việc tiếp cận đến việc mua về và tiêm cho người lao động cần sự hướng dẫn rất cụ thể của ngành y tế.
Trao đổi với Zing, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho biết doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để chi trả toàn bộ kinh phí mua vaccine, tiêm cho toàn bộ cán bộ nhân viên của tập đoàn này, cùng người thân trong gia đình. Hiện tại, theo ông tính toán thì số lượng nhân viên, người lao động của doanh nghiệp vào khoảng 5.000 người, chưa kể người thân.
Doanh nghiệp sẵn sàng mua vaccine
Ngoài ra, ông Đặng Hồng Anh còn là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông cho biết nhiều hội viên đã chủ động liên lạc với ông, mong muốn có thể chung tay mua vaccine cùng Chính phủ, chủ động tiêm vaccine cho người lao động của doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp đều mong muốn có thể tự chi trả kinh phí mua vaccine để an tâm sản xuất.
“Chúng tôi đã tiếp cận một số nguồn cung và sẵn sàng bỏ tiền ra mua vài triệu liều vaccine, đủ phục vụ cho một nhóm lớn doanh nghiệp”, ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm cho biết doanh nghiệp này cũng đã có văn bản gửi Chính phủ xin cơ chế làm sao cho doanh nghiệp có thể tự chủ về vaccine. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên, người lao động.
Ngoài ra, Kinh Bắc đang là chủ đầu tư của nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Doanh nghiệp này cho biết nhiều nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp cũng đã đề nghị tự chi trả chi phí mua vaccine.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết doanh nghiệp đang có 150.000 lao động và đã đăng ký với Chính phủ về việc sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm vaccine cho người lao động. Tuy nhiên, về nguồn cung vaccine thì Vinatex cần Chính phủ trợ giúp.
Đối với đợt đầu tiên, Vinatex mong muốn tất cả người lao động trực tiếp được tiêm vaccine và sau đó, nếu lượng vaccine đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình.
“Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả chi phí tiêm vaccine cho toàn thể cán bộ nhân viên và người lao động của mình”, ông Trường nói.
Hàng trăm doanh nghiệp dệt may khác cũng sẵn sàng bỏ tiền và mong muốn được ưu tiên tiêm vaccine sớm cho người lao động, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ. Vị này cho biết nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra 100-200 tỷ đồng dự phòng sẵn cho việc chi trả tiêm vaccine.
Làm sao để doanh nghiệp mua được vaccine?
Ông Đặng Hồng Anh đánh giá cao quan điểm chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, theo đó doanh nghiệp có nguồn mua vaccine cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn. Tuy vậy, hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho biết ông thông qua đối tác của mình đã tiếp cận được một số nhà cung cấp vaccine trên thế giới. Tuy nhiên, từ việc tiếp cận đến mua thành công về Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm.
“Vaccine đang là mặt hàng hiếm trên thế giới, khi tiếp cận được nguồn thì phải quyết định mua rất nhanh. Nếu không tự tin đặt cọc, lô đó sẽ bị bán mất. Mà chúng tôi chưa thể tự tin đặt cọc vì còn quá nhiều vướng mắc để nhập khẩu về”, ông Đặng Hồng Anh nói.
Ông chia sẻ bản thân phải tính đến việc giấy phép nhập khẩu về Việt Nam như thế nào, bảo quản ở đâu, vận chuyển ra sao, cơ quan nào sẽ tiêm lô vaccine đó cho doanh nghiệp… Ngoài ra, trong trường hợp tiêm vaccine có rủi ro như người tiêm bị sốc phản vệ thì ai sẽ xử lý.
Doanh nghiệp mong muốn Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể khi tự mua vaccine Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
“Có nhiều câu hỏi mà doanh nghiệp rất băn khoăn. Chúng tôi mong muốn có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất”, ông chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Đặng Thành Tâm cho biết doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế đã có mối quan hệ làm ăn với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân Pfizer cũng là một doanh nghiệp dược phẩm, đã có quan hệ mua bán dược phẩm khá lâu với Việt Nam. Do đó, ông Tâm tin rằng việc để doanh nghiệp hỗ trợ Chính phủ tiếp cận nguồn vaccine là điều cần thiết và nên làm sớm.
Tuy nhiên, ông Tâm đề xuất cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và một số doanh nghiệp y tế, vốn đã có kinh nghiệm nhập khẩu, lo thủ tục về nhập khẩu vaccine, để sớm đưa vaccine Covid-19 về Việt Nam. Các doanh nghiệp y tế cũng từng đầu tư kho chứa, vận chuyển, bảo quản… và có thể giúp doanh nghiệp tiêm vaccine.
Không để bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào có nguồn mua được vaccine Covid-19 ngay mà lại không mua về được
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu vaccine. Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 27 đơn vị có chức năng này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số 27 đơn vị này.
Tuy vậy, ông Đặng Thành Tâm cho rằng cần phải mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, không nhất thiết chỉ có 27 doanh nghiệp mà Bộ Y tế đã cấp phép. Bởi hiện có tới 27 doanh nghiệp đủ điều kiện, cùng Bộ Y tế đứng ra đàm phán nhưng lượng vaccine về Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất cho nền kinh tế
Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết ngành dệt may đang phục hồi, quay lại mức tăng trưởng 10%. Có doanh nghiệp đã nhận hợp đồng đến quý III, thậm chí quý IV. Do vậy, đảm bảo an toàn sản xuất là ưu tiên số một.
Ông Trường nhấn mạnh tiếp cận vaccine sớm nhất vẫn là giải pháp căn cơ giúp các doanh nghiệp dệt may an toàn, tập trung lo phục hồi sản xuất. Đồng tình, ông Đặng Thành Tâm nói rằng nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp là ngừng hoạt động, gây ra tổn thất rất lớn.
Cùng với đó, công nhân bị ngừng việc, thu nhập cũng giảm theo, ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân và gia đình, có nguy cơ gây ra những vấn đề về an sinh, xã hội.
Ông Đặng Thành Tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Hôm nay Bắc Ninh, Bắc Giang là tâm dịch, ngày mai có thể là một tỉnh khác. Để không đình trệ sản xuất thì giải pháp căn cơ vẫn là chiến lược vaccine”, ông Tâm đánh giá.
Chủ tịch Kinh Bắc dẫn nghiên cứu của WHO cho thấy phải tiêm chủng cho khoảng 70-80% dân số thì mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng việc ưu tiên vaccine khi nguồn cung hạn chế cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp là điều rất cần thiết.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đánh giá cao việc Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Ông mong muốn người lao động tại các khu công nghiệp khác cũng sẽ được ưu tiên tiêm sớm.
“Có thể nói người lao động giống như chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Do đó cần có một giải pháp căn cơ, nhanh chóng cho đối tượng này. Nếu doanh nghiệp phải ngưng trệ sản xuất là một thiệt hại rất lớn”, ông Đặng Hồng Anh nói.
Hàng nghìn tỷ ủng hộ quỹ vaccine Covid-19Sau hơn một tuần, quỹ vaccine phòng Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. |
Theo: Zing News
Comments are closed.