Tính đến 9h50 sáng nay (11/10), hàng loạt chỉ số thị trường chứng khoán đang chìm sâu trong sắc đỏ. Trong khi VN-Index đã mất tới 34,5 điểm (3,47%) thì VN30-Index cũng mất tương ứng 32 điểm (3,31%). Đà giảm của thị trường trong sáng nay chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu blue chip trong top 30.
Hiện tại, VN-Index đã giảm về mức 959,46 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.
Trên sàn Hà Nội, HNX cũng chịu chung số phận khi đã mất tới 4,09 điểm (3,6%), giảm xuống còn 109,67 điểm. Đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số này trong nhiều tháng qua.
Ảnh hưởng lớn nhất khiến VN-Index lao dốc trong sáng nay là việc cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bị bán tháo, giảm 4.700 đồng/cổ phiếu, tương đương 4,9% giá trị. Hiện cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở mức 91.900 đồng. Việc mất giá của cổ phiếu VIC có thể xuất phát từ đánh giá tiêu cực của Fitch về triển vọng dài hạn của tập đoàn này.
Xếp thứ 2 về mức giảm trong sáng nay là cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí với việc mất 4,1% giá trị; tiếp theo sau là VCB của Vietcombank với việc giảm 4,2%… Chỉ riêng 3 mã cổ phiếu này đã khiến VN-Index giảm hơn 1 điểm phần trăm trong tổng số 3,31 điểm phần trăm.
Toàn bộ chỉ số VN30 đang chìm trong sắc đỏ. |
Các nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dệt may, thủy sản, thép… đều giảm rất mạnh, sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ bảng điện tử giao dịch. Cả 30 mã trong nhóm VN30 đều đã giảm giá. Tính chung trên sàn HOSE, số mã giảm giá đã nhiều hơn 230, trong khi chỉ chưa tới 20 mã tăng giá. Điều tương tự cũng diễn ra tại HNX và UPCoM.
Theo giới phân tích, nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên thứ năm một cách tiêu cực có thể đến từ đà giảm rất mạnh của chứng khoán Mỹ trong đêm qua.
Theo đó, trong đêm qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường Mỹ đã ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ là trung tâm của sắc đỏ khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản có rủi ro cao.
Trong khi Dow Jones sụt 831,83 điểm (3,15%) xuống 25.598,74 điểm, thì S&P 500 cũng mất 94,66 điểm (3,29%) còn 2.785,68 điểm và Nasdaq Composite cũng giảm 315,97 điểm (4,08%) xuống 7.422,05 điểm. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số Nasdaq Composite kể từ giữa năm 2016 đến nay.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải thị trường duy nhất hứng chịu “cơn bão lửa” của chứng khoán phiên hôm nay. Tại thị trường Châu Á, hàng loạt chỉ số chứng khoán tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hong Kong đều giảm trên 2,5%.
Trong sáng nay, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã mất 821,92 điểm (3,14%). Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng sụt 68,74 điểm (2,52%), còn Shenzhen Composite rớt hơn 2,85%… Đặc biệt, chỉ số Taiex của Đài Loan mất tới 5,23% giá trị chỉ sau vài giờ giao dịch.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng mất 816,69 điểm (3,47%), còn Topix tụt 3,27%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng đã mất hơn 2,77% giá trị.
Trái ngược với chứng khoán, giá vàng trong nước sáng nay đã có phiên tăng thứ 2 liên tiếp và duy trì chênh lệch với vàng thế giới khoảng 2,8 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, giá vàng miếng SJC đang được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết ở mức 36,37 – 36,51 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Tập đoàn DOJI hay PNJ, BTCM cũng niêm yết giá vàng này tăng từ 20.000-50.000 đồng/lượng so với chiều qua.
Trong khi TTCK Mỹ phiên qua sụt giảm mạnh, vàng trở thành nơi chú ẩn của giới đầu tư khi giá vàng tại Mỹ đã tăng 5 USD/ounce. Hiện tại, giá vàng quốc tế được giao dịch quanh mức 1.192 USD/ounce. Quy đổi sang tiền Việt, giá thế giới hiện tương đương 33,6 triệu/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước gần 2,8 triệu đồng.
Cổ phiếu Vinalines chào sàn nhưng nhà đầu tư chưa được giao dịchHôm nay là ngày đầu tiên Vinalines niêm yết cổ phiếu MVN lên sàn nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể mua bán vì cổ phiếu của doanh nghiệp này đang nằm trong diện hạn chế giao dịch. |
Comments are closed.