Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận đã có lúc khách hàng cảm thấy rất thích khi đi vào Bách Hoá Xanh, nhưng 2 năm rồi thì không còn được như vậy nữa.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG – đã nói về kế hoạch tái cấu trúc và đưa Bách Hoá Xanh (BHX) lên sàn cũng như chính sách mới thay thế ESOP. Vị này cho hay MWG đang có nhiều công ty con, kinh doanh nhiều ngành nghề nên khi các công ty con đủ phát triển, doanh nghiệp sẽ đưa từng công ty lên sàn để phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm nhà đầu tư.
“Vì quá nhiều công ty con thì chỉ số chung của Tập đoàn sẽ có nhiều hạn chế. Như các bạn biết, mỗi nhà đầu tư có mỗi khẩu vị khác nhau, có người thích điện máy của bạn nhưng không thích mảng bách hoá”, ông Tài chia sẻ. Theo kế hoạch, sắp tới MWG sẽ tiến hành tái cấu trúc tiến tới niêm yết BHX trên sàn chứng khoán.
Nâng cấp Bách Hoá Xanh để lên sàn
Để thực hiện tham vọng trên, MWG dự kiến chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu trong Bách Hoá Xanh cho công ty mới thành lập nói trên, giá trị chuyển nhượng là 12.795 tỷ đồng. Pháp nhân mang tên Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ và niêm yết trong tương lai. Công ty này có thể đầu tư vào các công ty khác hoạt động trong những ngành nghề có liên quan trong khi Bách Hoá Xanh tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh bán lẻ và thực phẩm hàng tiêu dùng.
Lãnh đạo MWG thừa nhận chất lượng dịch vụ tại Bách Hóa Xanh chưa bằng với các chuỗi thành viên như Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo kế hoạch công bố trước đó, MWG dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa là 20% vốn cổ phần của Bách Hoá Xanh dự kiến trong giai đoạn 2022-2023 cho các đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới với định giá cao nhất. Mục đích sử dụng vốn nhằm đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách Hoá Xanh ra toàn quốc. Ông Tài cũng chia sẻ tại sự kiện rằng đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới việc mua lượng lớn cổ phần của Bách Hoá Xanh.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về chất lượng dịch vụ của Bách Hoá Xanh không cao như các chuỗi bán lẻ thành viên của MWG như Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh, lãnh đạo MWG thừa nhận đây là điểm còn tồn tại và đang cải thiện dịch vụ.
“Thực tế cũng cần nhấn mạnh, mô hình của các loại hình bán lẻ này khác nhau. Và dự kiến tháng 7-8 tới thì khách hàng sẽ thấy được sự thay đổi của Bách Hoá Xanh, cụ thể là tăng chất lượng phục vụ cũng như trải nghiệm khách hàng”, chủ tịch MWG khẳng định.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, các cửa hàng Bách Hoá Xanh sẽ có sự cải thiện cả về không gian, sắp xếp hàng hoá và khu vực kho hàng phía sau. Những cải thiện này kỳ vọng sẽ giúp nhân viên có không gian làm việc thoải mái hơn, qua đó cải thiện thái độ lao động cũng như năng suất.
MWG cũng cho biết đang thay đổi để tăng trải nghiệm khách hàng khi đi vào cửa hàng. Lãnh doanh nghiệp cho hay với mô hình “mini market” mà Bách Hoá Xanh đang theo đuổi, doanh nghiệp xác định rõ chỉ có 15 phút để thu hút khách hàng.
“Và bài toán là làm sao để 15 phút đó khách hàng cảm thấy thoả mái nhất khi đã đi vào. Thực tế, đã có lúc khách hàng của chúng tôi cảm thấy rất thích khi đi vào Bách Hoá Xanh, nhưng 2 năm rồi thì không còn được như vậy nữa. Vấn đề này chúng tôi đã đề cập, do tình hình dịch bệnh nên công ty chú trọng việc có hàng dẫn đến nhiều bất tiện, làm sự thoả mãn của khách hàng giảm đi và kéo lùi lợi nhuận”, ông Nguyễn Đức Tài cho hay.
Mảng dược còn dư địa lớn
Chia sẻ về chiến lược mở rộng các chuỗi bán lẻ thành viên, lãnh đạo MWG khẳng định doanh nghiệp đang tập trung vào cải thiện chất lượng của từng cửa hàng thay vì gia tăng con số cửa hàng hiện hữu.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của MWG – doanh nghiệp sẽ dành phần lớn thời gian cho hai chuỗi bán lẻ trụ cột (chiếm 75% doanh số hiện nay) là Thế Giới Di động và Điện Máy Xanh.
Với chuỗi An Khang, ông Hiểu Em cho biết sau nhiều điều chỉnh, thời gian tới nhà đầu tư sẽ thấy sự tăng tốc của chuỗi này để đạt mục tiêu top 3 doanh số mảng bán lẻ dược. Với các cửa hàng AVA, chuỗi này đã cho ra một số kết quả nhất định. “Như chuỗi AVA Kids cho kết quả tốt thì MWG sẽ mở rộng, từ con số 30 cửa hàng hiện nay lên 50 đơn vị”, ông Hiểu Em chia sẻ.
BHX tăng trưởng nhanh qua các năm, hướng tới IPO | |||||||
Số cửa hàng và tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh giai đoạn 2016-2021 | |||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Số cửa hàng | Cửa hàng | 47 | 283 | 405 | 1008 | 1717 | 2106 |
Tổng doanh thu | Tỷ đồng | 249 | 1387 | 4272 | 10769 | 21260 | 28200 |
Riêng về mảng dược, lãnh đạo MWG cho biết cuối năm 2021 chuỗi nhà thuốc An Khang có khoảng 178 cửa hàng. Từ khi mua lại 100% thì đã có tái cấu trúc toàn bộ và hiệu quả kinh doanh có tín hiệu tăng, doanh số tháng 3 tăng gấp đôi lên 650 triệu đồng/cửa hàng.
MWG nhìn nhận dư địa mảng bán lẻ dược tại Việt Nam còn rất lớn, quy mô khoảng 7-8 tỷ USD, trong khi hiện có đến 60.000 cửa hàng thuốc truyền thống, số cửa hàng theo chuỗi như An Khang còn ít. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định tới tháng 5 chuỗi An Khang sẽ hoàn thành việc rà soát, tái cấu trúc và ra mắt hình ảnh mới hoàn toàn.
Về việc trang thương mại điện tử (TMĐT) Vuivui.vn “hồi sinh”, phía MWG cho biết hiện còn hơi sớm để nói về dự án này. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định sàn TMĐT này sẽ có hướng đi riêng, không định hình là một sàn đơn thuần mua bán như các sàn TMĐT hiện nay. MWG cũng xác định các sàn TMĐT đang có nhiều bất cập như việc khách hàng không biết được chất lượng sản phẩm tới đâu và chỉ cầu may khi nhận hàng. Đây là điểm mà Vuivui.vn sẽ hướng tới để cải thiện.
Năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu bán hàng tăng 13% lên gần 124.142 tỷ đồng (gần 5,5 tỷ USD). Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 25% so với năm liền trước. Theo cơ cấu, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt tổng doanh thu 94.300 tỷ đồng, tăng trưởng dương ở cả hai chuỗi. Đây là kết quả vượt bậc bởi nhu cầu thị trường không khả quan và doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa phục vụ người tiêu dùng mặc dù tình trạng nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng.
Trong năm vừa qua, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp được mở rộng thêm 37% lên gần 63.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nằm ở hàng tồn kho hơn 29.000 tỷ đồng, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng gần 18.400 tỷ đồng.
Do việc mở rộng nên MWG cũng đẩy mạnh chính sách đòn bẩy tài chính. Dư nợ vay ngắn và dài hạn lên tổng cộng 24.647 tỷ đồng, tăng gần 7.900 tỷ đồng trong năm ngoái. Hiện tập đoàn bán lẻ này có vốn điều lệ 7.130 tỷ đồng nhưng sở hữu khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 12.675 tỷ đồng.
CEO Hiểu Em: ‘Era Blue có thể thành Điện máy Xanh thứ 2 tại Indonesia’Era Blue – liên doanh mới của Thế Giới Di Động tại Indonesia – được kỳ vọng IPO sau 5 năm và trở thành nhà bán lẻ hàng đầu quốc gia này, góp phần nối dài chuỗi tăng trưởng cho MWG. |
bách hóa xanh phục vụ kém
Thế giới Di động
mwg
thế giới đi động
bách hóa xanh
điện máy xanh
tgdđ
nguyễn đức tài
Theo: Zing News
Comments are closed.