Chính phủ cho phép thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ cho bất động sản

Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn, để phát triển nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy thị trường bất động sản, tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung – cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Với những mục tiêu trên, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Gói tín dụng này tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ NOXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.

Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân trung và dài hạn của các ngân hàng quốc doanh trên thị trường. Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng và tiêu chí được thụ hưởng chương trình.

Chính phủ cũng xác định việc đầu tư phát triển NOXH cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung – dài hạn của các địa phương.

Ngoài ra, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NOXH để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển NOXH trong thời gian tới.

“Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những vướng mắc như giao đất; quy hoạch, bố trí quỹ đất; lựa chọn chủ đầu tư; quyền lợi và ưu đãi của chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NOXH; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách NOXH…”, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản

Bên cạnh việc ưu tiên phát triển NOXH, Chính phủ còn yêu cầu NHNN xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… theo đúng quy định, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu đơn vị này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

goi tin dung 120.000 ty anh 1

Chính phủ yêu cầu NHNN có các biện pháp xử lý phù hợp như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Đề nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro”, Nghị quyết chỉ rõ.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.

Trong Nghị định này, Chính phủ còn yêu cầu Bộ xây dựng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng gấp rút hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Đồng thời, khẩn trương rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, đảm bảo hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, lành mạnh, thông thoáng; kiểm soát, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và phấn đấu thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Gói tín dụng 120.000 tỷ không dành cho nhà ở thương mại

Mỗi ngân hàng thương mại sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay 2 phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, với lãi suất thấp hơn mặt bằng 1,5-2%.

Bộ Xây dựng hoãn đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

gói tín dụng 120.000 tỷ

Chính phủ

120.000 tỷ đồng

tín dụng

bộ xây dựng

chính phủ

NHNN

Theo: Zing News

Posted on Tháng Ba 14, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top