“Thay vì mất chi phí thuê cửa hàng, mua trang thiết bị nhưng chưa chắc đã hiệu quả, các công ty tài chính sử dụng một chiêu rất hay, là cài người vào các điểm bán hàng để có thể tiếp cận nhanh nhất với người có nhu cầu tài chính. Đây là điều mà các ngân hàng không làm được”, một lãnh đạo ngân hàng từng nói với Zing.vn về hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay.
Khách gặp nhân viên trả góp trước cả nhân viên bán hàng
Anh Nguyễn Văn Tài (30 tuổi, Thanh Xuân) cho biết anh vừa sắm một loạt trang thiết bị hiện đại cho ngôi nhà mới của mình từ tivi, tủ lạnh, máy giặt cho tới điều hòa nhiệt độ… Vợ chồng anh chỉ đủ tiền mua tivi và tủ lạnh, nhưng khi tới trung tâm điện máy anh đã được thuyết phục mua thêm điều hòa và máy giặt theo chương trình trả góp với lãi suất 0%. Anh chỉ phải trả trước khoảng 30% số tiền sản phẩm, phần còn lại trạ góp trong ít nhất 6 tháng theo khả năng tài chính.
“Ban đầu hai vợ chồng cũng không chủ định mua trả góp, nhưng vừa mới bước chân vào cửa hàng đã có nhân viên ra tư vấn cách vay mua, giới thiệu sản phẩm rất nhiệt tình”, anh Tài cho hay.
Bản hợp đồng vay mua điện máy của vợ chồng anh Tài với công ty tài chính. Ảnh: Q.T. |
Theo khách hàng này, bản thân anh từng vay ngân hàng để kinh doanh và phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục mới được giải ngân, nên anh khá bất ngờ với thủ tục đơn giản của công ty tài chính khi cho vay.
“Họ cử nhân viên trực tại cửa hàng, khách có nhu cầu vay là làm hồ sơ, giải ngân luôn. Điều này không bao giờ có ở ngân hàng”, anh Tài nói.
Trên thực tế, thay vì mở các chi nhánh và phòng giao dịch như ngân hàng, các công ty tài chính ngay từ khi thành lập đã sử dụng cách để nhân viên tới trực từng điểm bán hàng của đối tác nhằm tiếp cận với khách. Một lãnh đạo công ty tài chính từng cho biết phương pháp kinh doanh này giúp các họ có lợi thế trước các đơn vị khác, khi người dân không phải ra vay tiền rồi mới đi mua hàng.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng khiến số lượng nhân viên của các công ty tài chính tăng chóng mặt so với ngân hàng, kéo theo chi phí vốn lớn.
Tính đến tháng 4/2017, chỉ riêng 16 công ty cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã có số lượng nhân sự lên tới 40.000 người. Đáng nói, số lượng nhân viên lớn bằng nhân sự của nhiều ngân hàng cộng lại nhưng dư nợ cho vay của các công ty này mới chỉ đạt trên 90.000 tỷ đồng, tương đương với một ngân hàng tầm trung có số nhân viên 5.000-7.000 người.
Quản lý không giống ai
Để vận hành phương pháp kinh doanh không chi nhánh, phòng giao dịch, các công ty tài chính cũng sử dụng phương pháp quản lý không giống mô hình tài chính nào, đó là chia nhân viên theo khu vực.
Chị Thanh Dung (27 tuổi, quê Bắc Ninh), nhân viên tín dụng một công ty tài chính có thị phần khá lớn hiện nay, cho biết nhân viên tư vấn như chị chỉ có một người quản lý và chia theo từng vùng. Đối với các tỉnh lẻ, mỗi tỉnh sẽ chỉ có một người quản lý còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì mỗi quận sẽ do một người đảm trách.
“Đó là lý do mà công ty tài chính đông nhân viên nhưng chủ yếu là sales, tín dụng chứ cán bộ quản lý thì rất ít”, chị Dung nói.
Chị này cũng cho biết công ty của chị chỉ có một văn phòng tại Thái Hà (Hà Nội). Khi có quy chế mới hoặc chương trình đào tạo thì nhân viên mới lên văn phòng, còn thông thường các nhóm sẽ họp riêng, tự tổ chức bên ngoài. Các nhân viên được chỉ định trực tại điểm bán hàng không nhân phúc lợi gì từ đối tác bán hàng.
“Thậm chí, nếu các siêu thị hỗ trợ được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ vay vốn từ công ty tài chính thì công ty còn trích hoa hồng trên mỗi hợp đồng vay”, chị Dung chia sẻ.
Các nhân viên tư vấn của công ty tài chính được quản lý theo từng khu vực. Ảnh minh họa: TGDĐ. |
Từng chia sẻ trong một cuộc hội thảo về tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho biết việc đưa nhân viên vào từng điểm bán hàng là cách để các công ty tài chính tiếp cận nhanh nhất với người vay, nhưng lại khiến chi phí quản lý tăng cao.
“Không có loại hình cho vay nào mà giải ngân chỉ trong vài chục phút. Chúng ta đi vay ngân hàng nhanh nhất cũng phải 1-2 ngày mới cầm được tiền, trong khi các với công ty tài chính, khách đến cửa hàng mua điện thoại là được giải ngân mua hàng tại chỗ”, ông Lực nói.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn về mô hình kinh doanh này, lãnh đạo một công ty tài chính cho hay “thay vì người dân phải đến gặp chúng tôi để làm thủ tục vay, sau đó mang tiền ra cửa hàng mua đồ, thì người dân chỉ cần ra trực tiếp điểm bán và chúng tôi có nhân viên ở đó tư vấn cho vay, giải ngân như thông thường”.
Trả góp TV mùa World Cup, khách e dè, lo bị quấy rối đòi nợCác công ty tài chính bắt tay với siêu thị điện máy hỗ trợ trả góp không lãi, tặng tiền khi mua sắm TV đón World Cup nhưng khách hàng lại e dè với hình thức kích cầu mua sắm này. |
Khách hàng của FE Credit: ‘Vay một lần và tởn tới già’Gọi điện đòi nợ trước hạn nộp, truy đòi nợ kiểu quấy rối, gọi điện chào mời khách vay bằng nhiều cách… là những phản ứng của rất nhiều khách hàng về FE Credit. |
Comments are closed.