Ngày 2/5, tại phiên tòa xét xử vụ án Oceanbank, nhiều người bất ngờ khi luật sư của Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc (TGĐ) OceanBank, tiết lộ thông tin nhiều bạn bè đang góp tiền giúp đỡ bị cáo, trong đó có một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo này thoát án tử hình.
Doanh nhân giúp Nguyễn Xuân Sơn là ông Nguyễn Trung Hà, là bạn thân của bị cáo.
Nói với Zing.vn, ông Trung Hà từ chối chia sẻ thêm về việc này, bởi “thấy không thoải mái”.
Doanh nhân Nguyễn Trung Hà là ai?
Ông Hà là cái tên không xa lạ trong cộng đồng doanh nhân Việt. Ông là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) năm 1988, và đảm nhiệm vai trò giám đốc tài chính tại đơn vị này.
Trước đó, ông Hà được cử đi học tại Nga về toán lý thuyết và lý thuyết số tại Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow nhờ thành tích giải ba toán quốc tế tại Rumania năm 1978.
Sau khi về nước, ông tập trung nhiều vào mảng công nghệ viết phần mềm và kinh doanh phần cứng. Trước khi tham gia FPT, từ năm 1986, ông Hà là chuyên viên tại Viện cơ học.
Doanh nhân Nguyễn Trung Hà. Ảnh: ĐTCK. |
Trong sử ký 10 năm Tập đoàn FPT (1998), ông Lê Quang Tiến, nguyên Phó chủ tịch FPT, nói về ông Nguyễn Trung Hà là “bao quanh luôn có một lớp khói đầy vẻ bí hiểm bao phủ”.
Cựu Phó chủ tịch FPT cũng cho biết ông Hà có khả năng nhận xét con người khá chính xác. Óc nhận xét tinh tế và cái lưỡi rất nhọn, nên được bạn bè tôn trọng và quý mến.
Gắn bó với vị trí Giám đốc tài chính tại FPT đến năm 1993, ông Hà tiếp tục tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB). Ông giữ vai trò làm Giám đốc ACB Chi nhánh Hà Nội.
Tuy nhiên, “mối lương duyên” với mảng tài chính của doanh nhân Nguyễn Trung Hà cũng chỉ kéo dài 4 năm. Đến năm 1998, ông tách ra bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng, khởi đầu ở lĩnh vực bất động sản bằng Công ty Bất động sản Togi.
Năm 2007, ông tham gia thành lập và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (mã chứng khoán TVS).
Hiện ông Hà là lãnh đạo cao nhất tại 7 công ty, và là thành viên HĐQT, cổ đông lớn của 8 doanh nghiệp khác trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa. Ảnh: P.D. |
Trước đó, ông Hà cũng từng tham gia góp vốn và quản lý nhiều doanh nghiệp truyền thông, như Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h; Công ty Cổ phần Tìm Việc Nhanh…
Ông Nguyễn Trung Hà có bao nhiêu tiền?
Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hà chủ yếu liên quan tới công ty Chứng khoán Thiên Việt, nơi ông vừa là chủ tịch vừa là cổ đông lớn nhất.
Tại Thiên Việt, ông Hà sở hữu hơn 16,9 triệu cổ phiếu TVS, tương đương 30,8% vốn điều lệ công ty. Thị giá TVS hiện nay được giao dịch khoảng 13.400 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị cổ phiếu ông Hà nắm giữ gần 230 tỷ đồng.
Chứng khoán Thiên Việt của ông Hà không nằm trong nhóm 10 công ty chiếm thị phần môi giới lớn nhất trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên hàng năm công ty này vẫn mang về cho ông chủ của mình hàng trăm tỷ đồng lãi ròng.
Đặc biệt, đây cũng là một trong những công ty chứng khoán có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu rất cao, lên tới 40% (năm 2017). Năm 2017, công ty ghi nhận 414 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 2,5 lần so với năm 2016 và báo lãi ròng sau thuế 168 tỷ đồng, gấp 2,5 lần. Những năm trước đó, doanh thu công ty đều đạt trên dưới 200 tỷ, với khoản lợi nhuận thu về xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Hà còn đang góp vốn và tham gia vào HĐQT của rất nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy M&E); Công ty Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio); Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h; Tìm Việc Nhanh, Quảng cáo Goldsun Media; Công ty Công nghệ Tinh Vân…
Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài Togi, ông còn đang điều hành Công ty TNHH Bất động sản Hà Liên; Công ty Carbon Việt Nam…
Nguồn: VNDirect. |
Trong vụ án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án Tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Tuy nhiên, theo quy định luật hiện hành, bị cáo Sơn sẽ được giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu tự nguyện khắc phục tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, tương đương số tiền tối thiểu 37 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận giữa bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ ông Nguyễn Xuân Sơn) và ông Hà, vị doanh nhân sẽ cho bà Xuân vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên, số tiền này cùng với 5 tỷ đồng do gia đình bà Xuân lo liệu sẽ vừa đủ 37 tỷ đồng, bằng đúng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết tội tham ô.
Doanh nhân chi 32 tỷ đồng ‘cứu’ cựu TGĐ OceanBank thoát án tửNhiều người dự phiên tòa xét xử vụ án OceanBank bất ngờ khi luật sư của Nguyễn Xuân Sơn tiết lộ một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo thoát án tử hình. |
Comments are closed.