Các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đặt nhiều kỳ vọng phục hồi trong năm 2024 với kế hoạch sản xuất kinh doanh bài bản, chiến lược.
Trong thông điệp gửi tới cán bộ nhân viên mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trần Bá Dương đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2024 của tập đoàn công nghiệp đa ngành này. Bên cạnh các mảng kinh doanh Ôtô (Thaco Auto), Nông nghiệp (Thaco Agri), Đầu tư xây dựng (Thadico), Thương mại dịch vụ (Thiso), Logistics (Thilogi) thì mảng Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries) cũng đặt ra chiến lược cụ thể, với các mục tiêu rõ ràng, đảm bảo phát triển bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu.
Mục tiêu doanh thu nghìn tỷ của Thaco Industries
Theo Thông điệp số 19, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh: năm nay Thaco Industries đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy mới tại khu công nghiệp Thaco Chu Lai, bao gồm Nhà máy Kính xe ôtô du lịch cao cấp; Nhà máy linh kiện khung và thân vỏ ôtô; Tổ hợp Nội thất ôtô du lịch. Trung tâm R&D mới chuyên biệt với Thaco Auto có quy mô lớn hơn cùng trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao về chủng loại và chất lượng cũng được đặt mục tiêu đưa vào hoạt động trong năm 2024. Các nhà máy hiện hữu được nâng cấp nhằm nâng cao năng suất, hiệu suất và chất lượng trong sản xuất.
Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư các nhà máy sản xuất Linh kiện phụ tùng tại miền Bắc và Trung tâm Cơ khí chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam.
Thaco Industries đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay là 13.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, tập đoàn này sẽ thành lập và vận hành Công ty bán hàng tại Mỹ cho thị trường Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico), thành lập và quản trị 2 Văn phòng Đại diện tại châu Âu và Australia để hỗ trợ khách hàng hiện hữu, phát triển thị trường.
Với các kế hoạch mở rộng và đầu tư mới kể trên, Thaco Industries đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay là 13.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 250 triệu USD. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.100 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tập đoàn này dự kiến tuyển dụng bổ sung 980 nhân sự, trong đó có 321 kỹ sư cho Trung tâm R&D.
Mở rộng đầu tư trong năm 2024
Dù năm 2024 được đánh giá vẫn còn nhiều thách thức, dự báo chỉ tăng trưởng nhẹ vào nửa cuối năm, song Thaco Industries cùng nhiều doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đặt mục tiêu mở rộng và đầu tư mới để đón đầu làn sóng phục hồi của ngành.
Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Amecc với gần 1.300 nhân sự cũng đặt mục tiêu mở rộng đầu tư và mục tiêu “tăng tốc” trong năm 2024. Lãnh đạo Amecc cho biết công tác phát triển thị trường và ký kết hợp đồng những tháng cuối năm ngoái đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Riêng tháng 12/2023, công ty đã ký thêm 9 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 6,34 triệu USD.
Dự kiến năm 2024, công ty có khối lượng đơn hàng hơn 27.000 tấn được chuyển sang từ năm 2023, chưa kể các hợp đồng sẽ ký mới trong năm. Bên cạnh đó, khoảng giữa năm 2024, đối tác chiến lược của Amecc – Tập đoàn SECL (Hàn Quốc) dự kiến giao cho công ty đơn hàng tối thiểu 20.000 tấn.
Khoảng giữa năm 2024, đối tác chiến lược của Amecc – Tập đoàn SECL (Hàn Quốc) dự kiến giao cho công ty đơn hàng tối thiểu 20.000 tấn. Ảnh: Amecc. |
Tương tự, lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cũng nhận định năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng công ty mẹ VEAM và các công ty thành viên vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dương.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp của tổng công ty dự kiến tăng 7% so với năm 2023; tổng doanh thu dự kiến tăng 6%; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt 5.375 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cũng cho biết về cuối năm 2023, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực hơn. Dự báo năm 2024, cầu thị trường sẽ hồi phục rõ nét, công ty kỳ vọng hoạt động sẽ khả quan hơn.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ phục hồi và mở rộng sản xuất. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí…
Đồng thời, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Theo: Zing News
Comments are closed.