BIDV dự kiến lãi vượt 1 tỷ USD, tăng vốn lên 61.500 tỷ đồng

Các cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 10-15% so với năm ngoái, tương đương mức lãi dự kiến dao động trong khoảng 25.300-26.460 tỷ đồng.

BIDV dự kiến kết quả lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% năm nay, chính thức vượt mốc tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sáng 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) – đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để trình cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay.

Tại phiên họp này, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% so với năm 2022, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự kiến lãi vượt 1 tỷ USD

Với các chỉ tiêu tài chính, nhà băng này không đưa ra con số tăng trưởng tín dụng cụ thể, nhưng cho biết mức tăng sẽ tuân thủ theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao. Tăng trưởng huy động sẽ phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì không quá 1,4% tổng dư nợ.

Trong năm liền trước, BIDV đã thu về 23.009 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Nếu đạt mức tăng trưởng 10-15% theo kế hoạch đề ra, lãi trước thuế năm nay của nhà băng này sẽ dao động trong khoảng 25.300-26.460 tỷ đồng, chính thức vượt mức tỷ USD.

HĐQT BIDV cũng đề xuất phương án chi trả cổ tức cho phần lợi nhuận năm 2022 sau trích quỹ với tỷ lệ 23% bằng cổ phiếu.

Bên cạnh kế hoạch kể trên, các cổ đông BIDV cũng đã thông qua phương án phát hành 1,097 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên 61.557 tỷ đồng.

BIDV KỲ VỌNG LÃI VƯỢT 1 TỶ USD NĂM NAY
Nhãn 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 Kế hoạch
Lợi nhuận trước thuế tỷ đồng 7665 8665 9473 10732 9026 13548 23009 26460

Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 641,9 triệu cổ phiếu BID để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69% và phát hành 455,2 triệu cổ phiếu thông qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua.

Thời gian dự kiến thực hiện kế hoạch này là trong năm 2023, thời điểm cụ thể sẽ do HĐQT quyết định.

Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 với ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (NHNN), thay thế bà Nguyễn Thị Thu Hương, thành viên HĐQT, đã nghỉ hưu từ ngày 1/11/2022. Như vậy, ông Tuyên sẽ thay thế bà Hương đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV.

Tiếp tục cho vay bất động sản đủ điều kiện

Năm nay, một trong những nội dung được cổ đông BIDV quan tâm là tác động của Thông tư 02/NHNN quy định về việc ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.

Chia sẻ về nội dung này, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết Thông tư 02 có vai trò rất quan trọng với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Theo đó, thông tư này vừa giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, tiếp tục được tiếp cận vốn tín dụng mới để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa giúp ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro. Những tác động này kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Với BIDV, ông Tú cho biết ban lãnh đạo sẽ theo dõi chặt chẽ, phân loại các khoản nợ để có phương án xử lý phù hợp.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng, trước những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế, xu hướng nợ xấu của ngành ngân hàng 2023 sẽ tăng so với năm ngoái. Do đó, để đảm bảo kế hoạch kinh doanh với việc duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%, BIDV dự kiến dành 20.000-21.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho năm nay. Đây là mức dự phòng rủi ro tín dụng thấp hơn so với năm 2022.

Liên quan kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Tú cho biết BIDV vẫn đang có kế hoạch này và đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi nên nhu cầu của các nhà đầu tư cũng sụt giảm.

“Năm nay, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này. Hiện đã có một số nhà đầu tư tiềm năng, BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất”, ông Phan Đức Tú chia sẻ.

Liên quan hoạt động cho vay bất động sản, lãnh đạo BIDV cho rằng những khó khăn với thị trường này thời gian qua chủ yếu nằm ở vấn đề pháp lý.

Hơn 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản là khó khăn về pháp lý, các điều kiện để mở bán, còn lại khoảng 30% là khó khăn về vấn đề vốn

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV

“BIDV đã tổ chức gặp mặt 15 nhà phát triển bất động sản hàng đầu, xác nhận hơn 70% là khó khăn về pháp lý, các điều kiện để mở bán, còn lại khoảng 30% là khó khăn về vấn đề vốn. Ngay cả vướng mắc về vốn tại ngân hàng thì cũng ảnh hưởng từ vấn đề pháp lý”, ông Tú nói.

Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 2% tổng dư nợ BIDV và cho vay người mua nhà chiếm khoảng 15%, tương đương 240.000 tỷ đồng.

Ông Tú cũng nhấn mạnh quan điểm BIDV không thắt chặt tín dụng bất động sản mà vẫn tiếp tục bơm vốn cho các dự án tốt, khả thi, trong quý I đã giải ngân khoảng 13.463 tỷ đồng. Đồng thời ngân hàng vẫn đang triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng cho cả người mua nhà và chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

“Chúng tôi lựa chọn theo phân khúc, doanh nghiệp bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng ra thành phẩm, có thanh khoản trên thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để ngân hàng cấp vốn”, ông Tú nhấn mạnh.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý đầu năm nay, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, cho biết đến hết quý I, ngân hàng đã thu về 6.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 58% so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt 2,06 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng ở mức 1,57 triệu tỷ, tăng 5% so với đầu năm và huy động vốn ở mức 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 2,3%.

Trong đợt giao chỉ tiêu đầu năm nay, BIDV được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 8,36% và ngân hàng đang báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

Bốn ngân hàng quốc doanh cùng giảm lãi suất tiết kiệm về 7,2%/năm

Từ ngày 15/3, lãi suất huy động tại quầy ở kỳ hạn 12 tháng của VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank sẽ giảm về mức 7,2%/năm thay vì 7,4%/năm như trước.

Thêm ngân hàng báo lãi tỷ USD

Sau Vietcombank và BIDV, Techcombank là ngân hàng tiếp theo ghi nhận mức lợi nhuận tỷ USD năm 2022. Trong khi lợi nhuận MBBank, VPBank, VietinBank cũng đã tiệm cận mức này.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

bidv

ngân hàng đầu tư

BIDV

bid

cổ phiếu

lợi nhuận ngân hàng

lãi suất cho vay

tăng trưởng tín dụng

đhđcđ thường niên

cho vay bđs

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 28, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top