Trong số các thương hiệu vang bóng một thời niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay, 2 cái tên đang ở tình trạng kém khả quan nhất là Diêm Thống Nhất và Giày Thượng Đình.
Nhà đầu tư ngó lơ thương hiệu vang bóng một thời
Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN) niêm yết từ giữa năm 2014 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nhanh chóng sau đó, cổ phiếu này rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Hàng chục phiên giao dịch liên tiếp không một cổ phiếu DTN nào khớp lệnh, những phiên xuất hiện giao dịch thì giá của DTN bị giảm mạnh.
Sau gần 4 năm “vật lộn” trên sàn chứng khoán, dù vẫn báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng thị giá DTN đã giảm 4 lần, về mức “trà đá” 3.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Từ đầu năm 2018, DTN mới khớp lệnh 2 phiên giao dịch, một trong số đó với khối lượng 71.800 đơn vị, nhưng thị giá lại giảm tới 40%.
Không chỉ mất thanh khoản, thị giá của cổ phiếu Diêm Thống Nhất hiện chỉ ngang cốc trà đá. Nguồn: VNDirect. |
Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (mã chứng khoán GTD) lên sàn cuối năm 2016, với giá tham chiếu lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu. Đường đi của cổ phiếu Giày Thượng Đình cũng không khác với Diêm Thống Nhất. Hàng chục phiên liên tiếp không có thanh khoản, chỉ một vài phiên GTD được giao dịch với khối lượng rất nhỏ, và thị giá ngày càng sụt giảm.
2 năm sau ngày lên sàn, thị giá GTD đã mất hơn 4 lần giá trị, hiện còn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Giày Thượng Đình thậm chí còn bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của công ty.
Cổ phiếu lao đao, kết quả kinh doanh của Giày Thượng Đình cũng không mấy khả quan. Năm 2017, công ty này báo lỗ 14 tỷ đồng, chủ yếu do phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu.
Cứu cánh hiếm hoi của thương hiệu giày này là danh mục bất động sản có giá trị, với nhiều nhà xưởng nằm trên các khu đất “vàng”. Trong đó, đáng kể là khu đất rộng hơn 36.000 m2 trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đường đi của giá cổ phiếu Giày Thượng Đình không khác nhiều so với Diêm Thống Nhất. Nguồn: VNDirect. |
Cũng trong tình trạng thanh khoản kém (trung bình 10 phiên chỉ 160 đơn vị) nhưng cổ phiếu Công ty cổ phần Kem Thủy Tạ (mã chứng khoán TTJ) vẫn giữ được thị giá 33.000 đồng/cổ phiếu.
Niêm yết vào tháng 6/2017 với giá tham chiếu 31.000 đồng, đã có lúc TTJ tăng lên tới 79.000 đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sụt giảm, thị phần bị cạnh tranh đã khiến giá cổ phiếu TTJ nhanh chóng tụt dốc.
Theo thống kê của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ từ mức 2,2% năm 2013 đã liên tục giảm trong các năm gần đây, và chỉ còn 1,5% trong năm 2017. Mảng kem của Thủy Tạ đang bị các ông lớn Kido, Vinamilk, Unilever… bỏ rất xa.
Lợi nhuận của Thủy Tạ gần đây đang dựa vào kinh doanh nhà hàng. Năm 2017, với tổng doanh thu của doanh nghiệp là 102 tỷ đồng thì kem mang về 47 tỷ, còn nhà hàng đóng góp 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp từ mảng nhà hàng lại mang về lại đạt 21,5 tỷ, trong khi kem chỉ là hơn 17 tỷ. Tương đương, tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh nhà hàng lên tới 63%, còn mảng kem chỉ là 37%.
Tuy vẫn báo lãi đều đặn nhưng mảng kinh doanh kem của Thủy Tạ đang ngày càng sụt giảm. Ảnh: ABT. |
Thương hiệu xưa: Vốn nhỏ lãi lớn
Với số vốn điều lệ chỉ 48 tỷ đồng, thương hiệu mì 2 tôm của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (mã chứng khoán CMN) vẫn đều đặn mang về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Năm 2017, Miliket thu về 553 tỷ đồng doanh thu và báo lãi ròng 23 tỷ đồng, tương đương EPS (lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu) của CMN đạt tới 4.100 đồng/cổ phiếu. Chính động lực này đã giúp CMN hiện có giá lên tới 45.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên vào tháng 7/2017.
Tuy nhiên, mì 2 tôm Miliket cũng thuộc nhóm cổ phiếu có giao dịch “nhỏ giọt”, với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ khoảng 150 cổ phiếu.
Mỳ 2 tôm Miliket là một trong số ít thương hiệu vang bóng một thời vẫn sống khỏe trước áp lực cạnh tranh. Ảnh: QT. |
Trong khi đó, cổ phiếu RAL của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đônglại đang được giao dịch với giá 126.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong số các thương hiệu xưa niêm yết trên sàn.
Động lực giúp RAL hấp dẫn với nhà đầu tư chính là kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận ròng năm gần nhất đạt trên 214 tỷ đồng, dù vốn điều lệ chỉ là 115 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận tăng hơn 40% so với năm 2016, RAL thuộc nhóm công ty có EPS cao nhất, đạt tới 18.630 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, RAL cũng là một doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt
Những năm trước đó, các sản phẩm bóng đèn, phích nước với thương hiệu Rạng Đông mang về cho doanh nghiệp đều đạt trên 2.000 tỷ đồng doanh thu thuần, và hàng trăm tỷ đồng lãi sau thuế.
Cùng trong lĩnh vực cung cấp thiết bị chiếu sáng là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán DQC). Mỗi cổ phiếu DQC hiện giao dịch với giá 34.300 đồng. Tuy đã giảm rất mạnh từ giá đỉnh gần 80.000 đồng từ giữa năm 2016, DQC vẫn được giới đầu tư đánh giá là một cổ phiếu tốt với thương hiệu mạnh.
Một số thương hiệu vang bóng một thời khác hiện cũng niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng không tạo được tiếng vang, như Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán SCD) đang giao dịch giá 25.000 đồng/cổ phiếu; SRC của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng có giá 13.200 đồng/cổ phiếu.
Xà bông Cô Ba vang bóng một thời sắp trở lại thị trườngCông ty An Dương Thảo Điền đang khôi phục dây chuyền sản xuất, kênh phân phối… của thương hiệu Xà bông Cô Ba để đưa sản phẩm này trở lại thị trường trong quý II năm nay. |
Những thương hiệu vang bóng một thời nay làm ăn ra sao?Nhiều thương hiệu xưa từng được xem là “ông lớn” trong các lĩnh vực kinh doanh nay lại phải vật lộn với những khó khăn về công nghệ và đối mặt cạnh tranh trên thị trường. |
Comments are closed.