Bài 3: Liên kết hợp tác xã trong bối cảnh mới

Xu hướng liên kết là thực tế phổ biến

Theo đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng liên kết các hợp tác xã với nhau để tận dụng ưu thế của nhau, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng rõ nét. “Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại khó đoán định, đại dịch COVID-19 tác động và thời đại công nghiệp 4.0, cơ hội và thách thức đan xen. Để biến thách thức thành cơ hội, các Hợp tác xã cần hợp tác liên kết, cùng nhau phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, ước tính đến tháng 12/2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, 26.112 hợp tác xã và 100 liên hiệp hợp tác xã thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/hợp tác xã, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Đáng chú ý, đã có một số hợp tác xã quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng như Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận, Saigon Co.op…

Thực tế, mô hình liên kết giữa các hợp tác xã có rất nhiều tầng nấc; đơn giản là tận dụng ưu thế nhà xưởng sẵn có, phức tạp hơn là chia sẻ công thức, bí quyết kỹ thuật và tập khách hàng.

Như một chia sẻ của một đại diện hợp tác xã khu vực phía Bắc, đơn vị này đang áp dụng mô hình bán chéo với khoảng 60 doanh nghiệp và hợp tác xã Nghĩa là các hợp tác xã liên kết với nhau, chào hàng theo 1 tệp khách hàng có chung xu hướng tiêu dùng. Điều này sẽ giúp hợp tác xã giảm chi phí vận chuyển và vận hành. Hay như hiện nay, mặc dù liên kết “ba nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) đã được nhắc tới rất nhiều song trên thực tế mối liên kết này khá lỏng lẻo và rất ít mô hình liên kết “3 nhà” thành công mà nguyên nhân là vì vẫn thiếu một nguồn, đó là nguồn thông tin.

Nhiều hợp tác xã cũng mong muốn sự kết nối hợp tác tạo thành hệ sinh thái với sự tham gia của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn. Trong đó, người dân là lực lượng nòng cốt tham gia vào chuỗi sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ tiên phong trong ứng dụng công nghệ chế biến, kết nối thị trường. Đặc biệt, Nhà nước sẽ tham gia trong định hướng chính sách và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi.

Về phía Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã từng cho rằng, để trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045, chúng ta phải tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò nòng cốt rất quan trọng.

Bởi thế, yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp tác xã gắn với kế hoạch phân bổ không gian đất đai, nguồn lực, nguồn nhân lực… ho phát triển hợp tác xã. Bên cạnh đó, các hợp tác xã chủ động tái cấu trúc lại chính mình gắn với tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế là hoàn toàn cần thiết, thậm chí là cấp thiết.

Nâng giá trị theo chuỗi liên kết sản xuất

Hợp tác xã Ứng Hòa (Hà Nội) góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. (Ảnh: PV)

Có thể khẳng định, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, các hợp tác xã còn phải quan tâm tới việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Có thể kể đến Hợp tác xã quế hồi Việt Nam (Yên Bái) được thành lập tháng 4/2017 với 22 thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân và hơn 200 lao động thời vụ. Với chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, hợp tác xã đã góp phần tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, hợp tác xã hướng dẫn người dân sản xuất hữu cơ; quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, giá trị cây quế, hồi tăng lên gấp hai lần, từ 40 triệu đồng lên 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện, hơn 500 ha quế, hồi hữu cơ chất lượng cao của hợp tác xã đạt chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), đang cung cấp cho các thị trường lớn là EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản…

Cũng phát triển gắn với chuỗi giá trị, hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trầm Lộng (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) nhiều năm qua đã từng bước được khẳng định. Theo chia sẻ của Giám đốc Lê Xuân Hữu, Hợp tác xã Trầm Lộng được thành lập nhằm liên kết các hộ nuôi trồng trong khu vực, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giảm chi phí sản xuất và phát triển kinh tế địa phương theo chuỗi giá trị. Với nhiều năm kinh nghiệm, các thành viên hợp tác xã luôn tự tin về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc thủy sản cho chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh thực phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.

Từ những kinh nghiệm của các hợp tác xã, có thể thấy mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững đang trở thành phương thức hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, đây sẽ vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải năng động, sáng tạo hơn nhằm nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế của nước ta.

Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, hiện cả nước có 26.040 hợp tác xã, trong đó có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 3.220 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Ðến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP); gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Các Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18 đến 32% số hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát, đồng thời thu hút hơn ba triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm.

Lê Anh

Posted on Tháng Sáu 5, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top