Bắc Kinh bóp nghẹt tham vọng lên sàn Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách bịt lỗ hổng pháp lý từng cho phép các doanh nghiệp nước này huy động hàng chục tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các cơ quan quản lý Bắc Kinh đang lên kế hoạch thay đổi quy định nhằm ngăn doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài, bịt lỗ hổng mà những gã khổng lồ công nghệ nước này đã sử dụng từ lâu.

Theo đó, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đang lên kế hoạch sửa đổi các quy tắc về niêm yết ở nước ngoài, có hiệu lực từ năm 1994. Thay đổi trên cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách bịt lỗ hổng đã được những tập đoàn lớn như Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. sử dụng để gọi vốn nước ngoài.

Các quy định cũng cản trở tham vọng của những công ty có ý định niêm yết trên sàn nước ngoài, đe dọa ngành kinh doanh béo bở của các ngân hàng Phố Wall và làm gia tăng thêm mối lo ngại về sự phân ly giữa Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ.

Doanh nghiep Trung Quoc anh 1

Các nhà đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều biến động trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Thắt chặt kiểm soát

Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ.

Mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) chưa bao giờ được Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.

Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.

Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.

Doanh nghiep Trung Quoc anh 2

Các tập đoàn lớn như Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã tận dụng lỗ hổng pháp lý để huy động vốn trên thị trường nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Đến nay, các nhà chức trách không có nhiều quyền hạn để ngăn chặn việc doanh nghiệp niêm yết ở sàn nước ngoài. Gần đây, Didi Global Inc. đã IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn Mỹ, bất chấp yêu cầu hoãn từ phía cơ quan quản lý.

Trên thực tế, giới chức Mỹ cũng đã yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ phải tuân thủ đầy đủ quy định kiểm toán của nước này.

Từ lâu, Bắc Kinh đã phản đối việc Ủy ban Giám sát Hoạt động Kiểm toán Công ty đại chúng Mỹ thanh tra các cuộc kiểm toán của những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ. Lý do được đưa ra là lợi ích an ninh quốc gia.

Hôm 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ sửa đổi các quy tắc về niêm yết ở nước ngoài. Ngoài ra, những công ty đại chúng cũng phải chịu trách nhiệm giữ an toàn dữ liệu. “Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát đối với các công ty giao dịch trên thị trường nước ngoài”, cơ quan này nhấn mạnh.

Tương lai bất ổn

Theo các quy tắc sửa đổi, những VIE như Alibaba có thể cần được phê duyệt để chào bán thêm cổ phiếu trên thị trường nước ngoài.

“Trung Quốc có thể không khuyến khích các công ty có triển vọng niêm yết ở nước ngoài. Điều đó sẽ thúc đẩy tham vọng phát triển thị trường tài chính tại Trung Quốc đại lục”, chuyên gia Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận.

Theo nguồn tin của Bloomberg, sau thông tin về việc sửa đổi quy tắc, một công ty đã dừng hỗ trợ hai doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng cấu trúc VIE để niêm yết ở nước ngoài.

Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi – gã khổng lồ thống trị thị trường gọi xe tại Trung Quốc, sau khi phát hiện công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Trung Quốc có thể không khuyến khích các công ty có triển vọng niêm yết ở nước ngoài. Điều đó sẽ thúc đẩy tham vọng phát triển thị trường tài chính ở Trung Quốc đại lục

Chuyên gia Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson

Theo Nasdaq, mức giá đóng cửa của cổ phiếu Didi trong phiên giao dịch ngày 6/7 là 12,49 USD/cổ phiếu, giảm đến 19,58% so với một ngày trước đó và thấp hơn ngưỡng giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 14,14 USD/cổ phiếu.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá cổ phiếu có thời điểm lao dốc 30% xuống 10,9 USD/cổ phiếu. Đà giảm thổi bay 22 tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc.

Đợt sụt giảm mạnh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Didi IPO thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD. Công ty bán được 317 triệu cổ phiếu, nhiều hơn khoảng 10% kế hoạch ban đầu.

Từ đầu năm đến nay, 37 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ và huy động thành công 12,9 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Giá cổ phiếu của 1/3 công ty trong số đó sụt giảm hôm 6/7.

Bloomberg nhận định các nhà đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc có thể đối mặt nhiều bất ổn hơn trong tương lai.

Bắc Kinh đưa ra các quy định chống độc quyền hồi tháng 11/2020, ngay sau khi hoãn đợt IPO của gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group. Theo đó, cơ quan quản lý chống độc quyền đã được trao quyền phê duyệt những thương vụ mở rộng, sáp nhập của VIE. Alibaba và Tencent đã phải nộp phạt vì các thương vụ sáp nhập trước đó.

Bắc Kinh giáng đòn, bộ đôi sáng lập ‘Uber Trung Quốc’ mất 1,5 tỷ USD

Giá cổ phiếu gã khổng lồ gọi xe Didi lao dốc mạnh sau khi vướng vào rắc rối pháp lý với Bắc Kinh. Đợt sụt giảm thổi bay 1,5 tỷ USD khỏi tổng tài sản của hai nhà sáng lập.

Bitcoin, Ether sẽ hưởng lợi từ cuộc trấn áp của Trung Quốc?

Đối với nhiều nhà đầu tư, việc thắt chặt quy định sẽ giúp loại bỏ những hành vi xấu ở thị trường tiền mã hóa, đồng thời giúp đưa Bitcoin và Ether thành tài sản tài chính chủ đạo. 

Theo: Zing News

Posted on Tháng Bảy 8, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top