Masan áp dụng mô hình của Walmart để phát triển hệ sinh thái bán lẻ – tài chính hiện đại O2O (online to ofline) quy mô lớn tại Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Masan, Vincommerce (VCM) với VinMart và VinMart+ trở thành chuỗi bán lẻ có lợi nhuận, biên EBITDA dương 0,2% quý IV/2020 và 1,8% quý I năm nay. Trong khi đó, MasanConsumerHoldings có năm đầu đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
Ráp những mảnh ghép lớn
2021 là năm Masan đặt mục tiêu hệ thống bán lẻ tăng trưởng có lợi nhuận cao hơn, kỳ vọng vào mô hình Point of Life kết hợp bán lẻ trực tiếp và trực tuyến. The CrownX – công ty con của Masan – “lĩnh xướng” mô hình này và được định giá 6,9 tỷ USD, cho thấy sự kỳ vọng của giới đầu tư vào chuyển đổi mảng bán lẻ hiện đại của tập đoàn. Theo định hướng, The CrownX phát triển nền tảng Point of Life xuyên suốt, phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Masan đặt mục tiêu hệ thống bán lẻ tăng trưởng mạnh hơn. |
Masan đang áp dụng chiến lược mang lại thành công của Walmart – hệ thống 4.756 cửa hàng được sử dụng để nhận – giao – trả hàng, tiếp cận 70% dân số Mỹ theo hướng tiện lợi, tiết giảm chi phí, giá rẻ. Để duy trì lợi thế, Walmart thực hiện chiến lược phát triển bán hàng trực tuyến theo hai hướng: Thu hút người bán online và mở rộng thị trường của với người bán quốc tế.
Với hơn 2.500 điểm bán hiện đại và 300.000 điểm truyền thống rộng khắp cả nước, kết hợp định hướng theo mô hình Walmart, mắt xích Masan thiếu là nền tảng thương mại điện tử đủ lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và thế giới. Nhằm hoàn thiện mảnh ghép này, Masan bắt tay Alibaba thông qua thương vụ Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) chi 400 triệu USD mua 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX.
Tại Việt Nam, Masan có thể tận dụng kênh bán của nền tảng thương mại điện tử Lazada cho các mặt hàng thiết yếu. Trong ngắn hạn, tập đoàn xử lý đơn hàng LazMall tại 10-15 siêu thị VinMart ở TP.HCM và Hà Nội, với số lượng 1.000-2.000 sản phẩm thiết yếu theo đúng mô hình “click and collect” của Walmart: Đặt online và nhận tại cửa hàng thay vì giao về nhà.
Masan học hỏi mô hình bán lẻ của Walmart. |
Trong khi đó, Lazada tận dụng thế mạnh của Masan để phát triển mảng mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và đồ ăn. Nền tảng thanh toán cho các giao dịch có thể thực hiện trên Techcombank, tiến đến tích hợp hệ sinh thái bán lẻ – tài chính trong mô hình hiện đại. Hiện nay, VinMart có mặt trên ứng dụng VinID với 9 triệu người dùng, Techcombank có 5 triệu người dùng và nhiều ứng dụng mua sắm khác. Đây đồng thời là hướng đi quyết đoán của Walmart khi bắt tay công ty đầu tư mạo hiểm Ribbit Capital phát triển, cung cấp các giải pháp tài chính hiện đại, sáng tạo và giá cả phải chăng.
“VinCommerce có thể tận dụng cơ sở người dùng hiện có của Lazada và dùng điểm bán VinMart/VinMart+ làm trung tâm phân phối. Dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến đạt 5% tại cửa hàng riêng của VCM trong 5 năm”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định.
Tập đoàn từng bước hoàn thiện các mảnh ghép để cho ra mô hình bán lẻ hiện đại. |
“Chúng tôi có chiến lược về hàng hóa, quy mô lớn để đàm phán mua hàng từ nhà cung cấp với giá tốt hơn, sản phẩm tự sản xuất, sự tinh gọn trong mô hình bán lẻ. Đây là mô hình ‘win – win’ khi nhà bán lẻ có thể tăng doanh số, người mua hàng được trải nghiệm tốt hơn”, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết.
Cú hích cho mô hình O2O
Thị trường Việt Nam chứng kiến sự ra mắt dịch vụ đi chợ hay đặt món qua ứng dụng. Xu hướng “Go online” là tất yếu trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm. Cái bắt tay giữa Masan và Alibaba hứa hẹn thúc đẩy quá trình chuyển đổi O2O nhanh, sâu rộng hơn. Sự liên kết giữa nhà bán lẻ, trang thương mại điện tử và công nghệ phụ trợ tạo động lực cho kinh doanh trực tuyến, nhà bán hàng.
Nhà bán lẻ bắt tay sàn thương mại điện tử tạo động lực phát triển O2O. |
Từ mô hình của Walmart, Masan điều chỉnh để tận dụng các lợi thế vốn có của nhà sản xuất hàng tiêu dùng từ thực phẩm, nước giải khát, cà phê, đến hoá mỹ phẩm… Nhằm bổ sung vào chiến lược cho Point of Life, tập đoàn cần nhiều mảnh ghép nữa thông qua M&A. Gần đây, thương vụ The Sherpa – công ty thành viên của Masan – chi 15 triệu USD mua lại 20% cổ phần tại chuỗi cửa hàng trà – cà phê Phúc Long. Trong 12 tháng tiếp theo, hai tên tuổi này tự tin hướng đến mục tiêu mở 1.000 ki-ốt Phúc Long.
“Trong các dự báo dài hạn, chúng tôi giả định các ki-ốt Phúc Long có mặt tại 40% tổng cửa hàng nhỏ của VinMart+, tạo doanh thu 5 triệu đồng/ki-ốt/ngày. Theo đó, các ki-ốt Phúc Long tăng tỷ suất lợi nhuận cho toàn hệ thống VinMart + lên tương đương 200 điểm phần trăm trong dài hạn”, báo cáo của VCSC nhận định.
Masan đặt mục tiêu mở 1.000 ki-ốt Phúc Long trong 12 tháng tiếp theo. |
Theo ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce, mảnh ghép Phúc Long giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life. Trong đó, Masan kỳ vọng đến năm 2025, doanh thu từ chuỗi F&B đóng góp 500 triệu USD vào The CrownX.
“Chúng tôi tin nhu yếu phẩm là ngành hàng chủ yếu để thúc đẩy chuyển đổi sang bán lẻ tích hợp O2O. Cụ thể giai đoạn 2021-2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu kênh bán lẻ online đóng góp khoảng 15% vào tổng doanh thu”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo: Zing News
Comments are closed.