Cuộc chiến tranh giành thị phần “miếng bánh” bán lẻ đang “nóng” hơn khi ngày càng nhiều đại siêu thị được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng.
Chỉ vài năm trước, các nhà đầu tư ngoại như Central Retail, Aeon, Lotte… gần như chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ đại siêu thị Việt Nam, thì đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu “phản công” để giành lại vị thế sân nhà.
Tại Việt Nam, Central Retail (Thái Lan) với thương hiệu GO! (BigC cũ) đã đã quá quen mặt với người tiêu dùng. Đầu năm nay, Central Retail cho biết sẽ rót thêm 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam cho giai đoạn 2023-2027 để tăng tốc mở rộng chuỗi bán lẻ của mình.
Theo Giám đốc điều hành Yol Phokasub, Central Retail coi Việt Nam là thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Trước đó, tập đoàn Thái Lan này cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ baht (khoảng 290 triệu USD) để mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2022.
Nhà đầu tư ngoại tham vọng mở rộng
Một tập đoàn Thái khác cũng đang hiện diện trên thị trường bán lẻ Việt là Berli Jucker Pcl (BJC) – thành viên của TCC Group – với thương hiệu MM Mega Market. Tập đoàn này mới đây cũng công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh đại siêu thị với việc phát triển dự án đại siêu thị xanh tại TP Đà Nẵng.
Dự kiến, dự án sẽ nằm tại khu đất 4 mặt tiền trên đường Nguyễn Sinh Sắc, Lê Doãn Nhạ và Trần Văn Kỷ với tổng diện tích 19.197 m2.
Với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, các tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc cũng không giấu tham vọng đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Tháng 9 vừa qua, Lotte đã khai trương Lotte Mall West Lake Hanoi ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Đây được đánh giá là tổ hợp thương mại hoành tráng nhất của Lotte ở Việt Nam từ trước đến nay với tổng diện tích sàn lên đến 354.000 m2, vốn đầu tư 600 triệu USD.
Lotte Mall West Lake Hanoi là tổ hợp trung tâm thương mại hoành tráng nhất của Lotte ở Việt Nam. Ảnh: Lotte. |
Với Aeon (Nhật Bản), tập đoàn này cho biết Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, chỉ sau nước sở tại Nhật Bản, để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh bán lẻ. Theo đó, Aeon cũng vừa khai trương siêu thị 5.000 m2 tại Trung tâm mua sắm SORA Gardens SC (TP mới Bình Dương).
Tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, một nhà bán lẻ khác của Nhật Bản là Takashimaya cũng đã mua lại 1 lô đất từ chủ đầu tư và có kế hoạch phát triển trung tâm mua sắm trong giai đoạn 2025-2027.
Với cam kết đầu tư và mở rộng từ các đại gia ngoại, thị trường đại siêu thị Việt Nam đang “nóng” lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh trở lại.
Doanh nghiệp nội “phản công”
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, vài năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước như Kido Group, Thaco… cũng từng bước đầu tư vào thị trường bán lẻ với hàng loạt dự án đại siêu thị gây chú ý.
Cụ thể, sau thành công của Vạn Hạnh Mall, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, đã khai trương một trung tâm thương mại tương tự tại TP. HCM là Hùng Vương Plaza với 30.000 m2 diện tích sàn thương mại, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Thậm chí, ông Nguyên còn cho biết sắp tới có thể phát triển một trung tâm thương mại tương tự tại vị trí Pandora Trường Chinh.
Trở lại với Tây Hồ Tây, Tập đoàn Thaco cũng đang rục rịch chuẩn bị xây dựng đại siêu thị Emart thứ 4 tại khu vực này. Trong đó, Công ty Đại Quang Minh (công ty con của Thaco) đã được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm tại ô đất B1-CC1-2.
Hùng Vương Plaza có diện tích sàn thương mại 30.000 m2 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Ảnh: Hùng Vương Plaza. |
Đây là ô đất rộng 2,4 ha thuộc khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây mà Đại Quang Minh mua lại từ chủ đầu tư – Công ty TNHH Phát triển THT.
Tại TP.HCM, tập đoàn này cũng vừa đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích với diện tích hơn 10.500 m2.
Đến nay, Thaco đã triển khai 3 đại siêu thị nhượng quyền gồm Emart Phan Văn Trị; Emart Sala và Emart Phan Huy Ích. Đại siêu thị Emart Tây Hồ Tây sẽ là mục tiêu tiếp theo của Thaco, tiến tới mở rộng hệ thống lên 10 đại siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025 và doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2026.
Còn với Vincom Retail – chủ chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam – dù đã phải hoãn khai trương 2 trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Grand Park (TP Thủ Đức) và Vincom Plaza Hà Giang, công ty cho biết sẽ tiến hành khai trương trở lại vào quý I năm sau.
Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch mở thêm 160.000 m2 diện tích sàn bán lẻ trong năm 2024 và duy trì chiến lược phát triển thêm 800.000 m2 diện tích sàn bán lẻ trong các năm tới, tương đương kế hoạch bổ sung 250.000-300.000 m2/năm.
Thị trường mở, sức hấp dẫn lớn
Có thể thấy, bất chấp những ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang là ‘miếng mồi ngon’ đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Bộ Công Thương, bán lẻ được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiềm năng, duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 2 chữ số trong cả thập niên qua.
Trong một báo cáo được công bố vào giữa năm nay, công ty dự báo xu hướng tiêu dùng WGSN gọi Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ năm 2023.
Việc trở lại của khách du lịch quốc tế và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ.
Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học.
Với xấp xỉ 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng Việt Nam. Do đó, dư địa phát triển của ngành bán lẻ về dài hạn sẽ ngày càng rộng lớn.
Từ những lý do trên, Vietnam Report đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường có sức hấp dẫn lớn với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Hiện quy mô thị trường bán lẻ trong nước lên tới 142 tỷ USD và được dự báo tăng lên mức 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị… tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk…
Thêm nguyên nhân khiến doanh thu Thế Giới Di Động tụt dốcBên cạnh sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao, kênh tài chính tiêu dùng yếu đi cũng khiến doanh thu bán lẻ của Thế Giới Di Động đi xuống. |
Vé máy bay Tết đắt đỏ, Cục Hàng không giải thích lý doTheo Cục Hàng không, giá vé máy bay nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. |
Theo: Zing News
Comments are closed.