Trong khi phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác đều tăng giá chóng mặt, giá nông sản lại xuống thấp, thậm chí không bán được đẩy người nông dân vào cảnh khó khăn chồng chất.
Buổi sáng ra đại lý hỏi mua phân bón ure cho cây lúa, vì giá quá cao nên chị Đỗ Quyên (Bến Cầu, Tây Ninh) cân nhắc chưa mua, đến chiều ra hỏi lại thì giá đã tăng 10.000 đồng/bao.
“Người nông dân làm cực khổ mà giá lúa thì giảm còn phân bón, thuốc trừ sâu thì tăng giá cao quá. Hiện tại, lúa 504 giá bán thấp, chỉ 5.000 đồng/kg mà phân bón thì bình quân khoảng 650.000 đồng/bao, như thế làm gì có lãi”, chị thở dài.
Thực tế hiện nay không chỉ nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng, giá thép và nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng mà ngành chăn nuôi, trồng trọt gắn liền với người nông dân cũng đối mặt với làn sóng tăng giá.
Từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, bao bì, túi nylon, nguyên liệu sản xuất đều tăng lên mức kỷ lục, gây áp lực không nhỏ cho người nông dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
10 ngày tăng 3 giá
Hiện nay, các loại phân bón như: phân DAP, ure và kali tăng 20.000-50.000 đồng/bao (50 kg). Cụ thể, theo khảo sát của Zing ngày 25/6, phân NPK 20-20-15 Bình Điền đang có giá 720.000-750.000 đồng/bao, phân bón Kali (Cà Mau, Phú Mỹ) có giá từ 470.000-510.000 đồng/bao, phân DAP từ 630.000-850.000 đồng/bao…
Giá phân bón tăng cao đúng thời điểm chuẩn bị vào vụ mùa. Ảnh: Phạm Trường. |
Đặc biệt, giá phân bón ure tăng rất cao, ure Cà Mau lên mức 590.000-620.000 đồng/bao, ure Phú Mỹ 580.000-600.000 đồng/bao. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá loại phân này đã tăng khoảng 3 triệu đồng/tấn, mức tăng hiếm thấy từ trước đến nay với thị trường phân bón.
Mọi năm, chị Xoan (Hà Tĩnh) và gia đình đang tất bật chuẩn bị làm đất, chuẩn bị gieo cấy vào vụ mùa mới nhưng năm nay không khí tại làng quê chị trầm lắng hẳn. “Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn giảm, người dân đã rất khó khăn vì thua lỗ. Nay sắp vào vụ lúa mới, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, giá phân bón, giá thuốc cho cây trồng cũng tăng khủng khiếp như vậy chắc phải bỏ vụ”, chị nói.
Ông Đại Phát, chủ đại lý phân bón ở TP.HCM cũng cho biết chưa bao giờ giá phân bón thay đổi liên tục như thời điểm này. Bảng báo giá cũ niêm yết chưa bao lâu thì đại lý đã phải thay giá mới.
Như ở Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, trong 10 ngày trong nửa đầu tháng 6 đã thay đổi giá đến 3 lần. “Vì giá bán cao nên người mua đều lưỡng lự, mua với số lượng ít. Đại lý chúng tôi nhập giá cao nên cũng khó bán còn người dân không có tiền đầu tư tái sản xuất”, ông nói.
Nghịch lý giá phân bón tăng trong nước
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức An Sơn, Tổng giám đốc Công ty SSG International, đơn vị kinh doanh phân bón tại TP.HCM cho biết hiện nay giá tất cả các loại phân bón đều tăng theo thị trường thế giới.
“Sắp tới tăng giá kinh khủng nhất là phân kali bởi lượng phân bón toàn cầu sẽ bị thiếu hụt khoảng 20% do Belarus bị liên minh châu Âu trừng phạt sau khi nước này buộc chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh xuống Minsk hồi tháng 5 vừa qua”, ông phân tích.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá phân trong nước cũng tăng theo giá thế giới, gây khó cho nông dân, là bất hợp lý. Ảnh: Thạch Thảo. |
Đặc biệt, ông Sơn cho rằng phân DAP hay MAP tăng giá do nguyên liệu nhập khẩu tăng là điều có thể hiểu, nhưng loại phân ure của Việt Nam tăng giá bán theo thị trường thế giới lại là điều bất hợp lý.
“Các nhà máy sản xuất phân ure trong nước đang sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa và được hỗ trợ bởi Nhà nước. Thậm chí sản lượng ure sản xuất trong nước đã có thời điểm dư thừa phải tăng cường xuất khẩu nhưng khi bán ra các doanh nghiệp này vẫn tăng giá bán theo giá thị trường thế giới”, ông lý giải.
Các nhà máy sản xuất phân ure trong nước đang sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa và được hỗ trợ bởi Nhà nước nhưng khi bán ra các doanh nghiệp này vẫn tăng giá bán theo giá thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Đức An Sơn, Tổng giám đốc Công ty SSG International.
Hơn nữa, theo Tổng giám đốc Công ty SSG International, trong những tháng đầu năm Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) xuất khẩu rất nhiều dẫn đến tình trạng lượng phân bón thiếu hụt, tăng giá trong thời điểm sắp vào vụ mùa.
“Việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tăng giá thời điểm này rất không tương xứng. Doanh nghiệp kinh doanh thu mua giá cao, buộc phải bán giá cao, còn phần thiệt thòi nhất thuộc về người nông dân”, ông nói.
Để giá bán phân bón trong nước hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, ông Sơn cho rằng cần sớm sửa đổi những bất cập trong luật thuế khi phân bón hiện là mặt hàng chưa chịu thuế giá trị gia tăng. Khi đó, việc đầu tư, cải tiến kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, qua đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường trong nước.
Ông Phùng Hà, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cũng cho biết giá nguyên liệu tăng rất nhiều như giá lưu huỳnh, amoniac… đều tăng mạnh dẫn đến giá phân bón bán ra tăng liên tục thời gian qua.
Để ổn định giá phân bón trong nước trước thềm vụ hè thu, ông Hà cho biết Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và FAV đã đề xuất các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất trong nước, ưu tiên cho thị trường trong nước tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đẩy giá.
“Nếu thiếu mặt hàng phân bón nào thì có thể sử dụng mặt hàng tương tự để thay thế. Hiện, các nhà máy lớn đang hoạt động tăng tối đa công suất sản xuất phân bón Ure, DAP, MAP… để cung ứng ra thị trường”, ông Hà nói với Zing.
Giá phân bón tiếp tục tăng đến hết năm?
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương giữa tháng 6, đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng, Cục Hóa chất cho rằng hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Nông sản xuống giá thấp trong khi giá phân bón và các vật tư nông nghiệp tăng cao càng đẩy nông dân vào cảnh khó khăn. Ảnh: Việt Linh. |
Thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo, đại diện Cục Hóa chất cho hay.
“Hiện nay, theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón vô cơ, hữu cơ được giao Bộ NNPTNT, nhưng dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT để đảm bảo nguồn cung với thị trường”, đại diện Cục Hóa chất cho biết.
Trong quá trình phối hợp với Bộ NNPTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh chủ yếu bắt đầu từ đầu năm 2021.
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với Bộ NNPTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, với phân bón DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn).
Đây cũng là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn.” Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp”, ông Lê Triệu Dũng cho hay.
giá phân bón tăng mạnh
Tp. Hồ Chí Minh
Cà Mau
Đạm Cà Mau
phân bón
giá phân bón
giá phân ure
giá phân DAP
Đạm Phú Mỹ
Đạm Cà Mau
phân bón ure
Theo: Zing News
Comments are closed.