Sau hơn một tháng triển khai Nghị định 52, đến hết tháng 5, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Cụ thể, số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được gia hạn là 10.600 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng. Còn số tiền thuế GTGT và thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh đã được gia hạn là 300 tỷ đồng.
Như vậy, sau hơn một tháng triển khai Nghị định 52, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới đạt hơn 18% tổng số tiền dự kiến (115.000 tỷ đồng).
Số tiền thuế và tiền thuê đất đã gia hạn mới đạt hơn 18% tổng số tiền dự kiến. Ảnh: VGP. |
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), Nghị định 52 đã quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng và điều kiện để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm nay, trong đó người nộp thuế tự xác định và tự chịu trách nhiệm về việc xác định điều kiện gia hạn.
“Dù vậy, thực tế triển khai vẫn có những trường hợp người nộp thuế đã nộp đề nghị gia hạn nhưng sau đó tự xác định lại không thuộc đối tượng áp dụng và xin hủy đề nghị. Hoặc qua rà soát, cơ quan thuế xác định người nộp không thuộc đối tượng áp dụng và có thông báo gửi người nộp đơn”, bà Hải cho biết.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa tìm hiểu, nắm bắt chưa đầy đủ thông tin về các điều kiện được gia hạn. Ông Vũ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân tích thêm, một phần nguyên nhân là các doanh nghiệp vừa thực hiện quyết toán thuế trong năm trước vào thời điểm cuối quý I.
Đồng thời, do thời gian nộp giấy đề nghị gia hạn theo quy định là 31/7, tức là còn khá nhiều thời gian, nên nhiều doanh nghiệp chưa nộp tờ khai và giấy đề nghị gia hạn. Tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc thực hiện thủ tục gia hạn.
Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để chính sách thật sự đi vào cuộc sống thì vẫn cần có sự chủ động, tích cực hơn từ các cơ quan thực thi.
“Ngoài việc tuyên truyền chung, nên chăng cơ quan thuế có hình thức chủ động liên hệ, tương tác nhiều hơn với doanh nghiệp, thậm chí gọi điện thông báo, các doanh nghiệp sẽ cảm nhận được sự quan tâm từ cơ quan quản lý gần họ nhất, như vậy chính sách dễ đi vào cuộc sống hơn”, ông Tô Hoài Nam gợi ý.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 52, ngành thuế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền chính sách.
Tổng cục đang tích cực chỉ đạo cục thuế các địa phương nâng cấp hệ thống thông tin để người nộp thuế có thể gửi giấy đề nghị gia hạn theo nhiều hình thức như qua cổng thông tin điện tử, đường bưu điện và nộp trực tiếp…
Hệ thống thông tin quản lý thuế để theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn và dừng tính tiền chậm nộp, theo dõi và đôn đốc người nộp thuế nộp các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời gian gia hạn cũng đang được nâng cấp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ chú trọng triển khai tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách, bảo đảm có nguồn lực cho khôi phục, phát triển kinh tế và chống dịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra.
Ngày 19/4, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm nay. Đây là nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
gia hạn hơn 21.000 tỷ đồng tiền thuế
thuê đất
nghị định 52
gia hạn tiền thuế
gia hạn tiền thuê đất
tổng cục thuế
Theo: Zing News
Comments are closed.