Bắc Giang tính đến kịch bản xấu nhất để tiêu thụ vải thiều

Bắc Giang cách ly nghiêm các vùng trồng vải để đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỉnh cũng tính đến kịch bản xấu nhất của dịch, không thể xuất khẩu.

Trao đổi với Zing, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết nhờ những bạn hàng lâu năm và các sáng tạo mới được áp dụng, vụ vải thiều năm nay bước đầu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Tỉnh đã tính đến trường hợp xấu nhất của dịch Covid-19 để tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là khó khăn khi xuất khẩu.

Cách ly tất cả F1 khỏi vùng trồng vải

– Dự kiến mùa vải thiều năm nay, Bắc Giang ước đạt sản lượng 180.000 tấn. Thực tế đến nay đã thu hoạch được bao nhiêu?

– Theo dự tính, Bắc Giang sẽ bắt đầu thu hoạch vải từ ngày 20/5. Tuy nhiên, từ 17/5 đến nay, chúng tôi đã thu hoạch vải sớm với sản lượng đạt 300 tấn, chủ yếu là các loại vải u trứng trắng, u hồng, u thâm. Đến ngày 10/6 dự kiến thu hoạch xong khoảng 45.000 tấn vải sớm này, còn lại khoảng 135.000 tấn vải thiều chính vụ sẽ được thu hoạch từ 10/6 đến cuối tháng 7.

Diem moi trong vu vai thieu dinh Covid-19 anh 1

Bắc Giang đã thu hoạch khoảng 300 tấn vải sớm. Ảnh: Hồng Châu.

– Quá trình tiêu thụ 300 tấn vải thiều này có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

– Để đảm bảo chất lượng, vải thiều thu hoạch ngày nào được tiêu thụ hết trong ngày đó, và có bạn hàng thì chúng tôi mới tiến hành thu hoạch. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang lại là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi đã chủ động gửi công văn đến Thủ tướng và các địa phương khác nhờ hỗ trợ thông thương và tiêu thụ.

Có thể nói, quá trình thông thương và tiêu thụ giai đoạn đầu rất thuận lợi. Một phần vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, số khác lên kệ các hệ thống siêu thị trong nước. Hiện có 21 tỉnh, thành phố đang tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

Tuy nhiên, với sản lượng thu hoạch mới vài trăm tấn như hiện nay thì chưa biết chắc, chúng tôi phải lường trước các tình huống để ứng phó.

Bắc Giang năm nay có 180.000 tấn vải thiều, giai đoạn chính vụ sản lượng thấp nhất cũng phải 3.000 tấn/ngày, còn trung bình dao động trong khoảng 5.000-10.000 tấn/ngày. Chưa kể, địa bàn còn có hàng trăm nghìn tấn nông sản các loại như rau củ quả, dứa, dưa hấu…, hàng năm cũng có khoảng 1 triệu con lợn và 18 triệu con gà.

Do đó, chúng tôi phải chủ động làm việc với các địa phương khác từ sớm để đề nghị họ tạo điều kiện thông thương, bởi quá trình vận chuyển hàng hóa buộc phải đi qua nhiều chốt, trạm, không thể không thiệt hại.

– Vậy ngoài việc đề nghị hỗ trợ từ các địa phương khác, Bắc Giang đang làm gì để ứng phó với đợt bùng phát dịch ngay vụ vải thiều năm nay?

– Năm 2020, người dân Bắc Giang thu khoảng 7.000 tỷ đồng từ vải thiều và các sản phẩm của vải thiều. Chính vì vậy, chúng tôi phải tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực nông sản này. Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Giang xây dựng và áp dụng các kế hoạch sản xuất và tiêu thụ đặc biệt.

Chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất phải đảm bảo cả yếu tố chất lượng lẫn an toàn với Covid-19. Vải thiều Bắc Giang luôn được đánh giá cao về phẩm cấp, và thực tế vụ thu hoạch năm nay cũng được ghi nhận là chất lượng cao nhất từ trước đến giờ, sản lượng đồng thời tăng 15.000 tấn so với năm ngoái.

“Hai huyện trồng vải thiều trọng điểm là Lục Ngạn và Tân Yên phải cách ly tất cả F1 ra khỏi vùng”

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

Còn về yếu tố dịch bệnh, năm nay chúng tôi thực hiện cách ly nghiêm ngặt các vùng trồng. Cụ thể, 2 huyện trồng vải thiều trọng điểm là Lục Ngạn (sản lượng 120.000 tấn) và Tân Yên (sản lượng vải sớm rất cao, lên đến 14.000 tấn) phải cách ly tất cả F1 ra khỏi vùng.

Từ đầu tháng 5, tỉnh cũng tuyên truyền cho tất cả người trồng vải không ra khỏi vùng trồng, đồng thời kiểm soát người ra vào các địa bàn và kiểm tra y tế đối với tất cả người lao động tham gia các khâu từ chủ vườn, cơ sở đóng gói, vận chuyển… ở tất cả mã vùng trồng. Trong quá trình tiêu thụ, Bắc Giang sẽ cung cấp xác nhận an toàn Covid-19 cho từng lô sản phẩm.

Đẩy mạnh bán online

– Còn về khâu tiêu thụ, có những điểm mới nào được áp dụng không, thưa ông?

– Có thể nói, một trong những điểm mới của năm nay là Bắc Giang tập trung đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Voso và trang web Vaithieubacgiang.vn mà chúng tôi đã kích hoạt từ năm ngoái. Các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube cũng được tận dụng triệt để. Chúng tôi đang phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để thúc đẩy hơn nữa các kênh này.

Đặc biệt, năm nay Bắc Giang tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thiết kế gian hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín, gần nhất là hỗ trợ doanh nghiệp Hùng Thảo với một gian hàng trên trang Alibaba.com.

Ở kênh bán hàng trực tiếp, Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị như Aeon, Lotte, Central Retail, Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail, VinCommerce… và các chợ đầu mối ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và đạt được những thỏa ước ban đầu về thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. Đây đều là những bạn hàng lâu năm của Bắc Giang.

Diem moi trong vu vai thieu dinh Covid-19 anh 2

Vải thiều Bắc Giang năm nay có mặt tại hầu hết hệ thống bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối và sàn thương mại điện tử. Ảnh: Việt Linh.

Còn ở khâu xuất khẩu, năm nay chúng tôi áp dụng một phương thức giao nhận hàng mới qua cửa khẩu, vừa đáp ứng thông lệ thương mại vừa đảm bảo an toàn trước Covid-19. Các xe hàng được người dân Bắc Giang chở đến một bãi đậu xe đã được thỏa thuận từ trước, sau đó được người Trung Quốc đến chở về. Hình thức đổi xe và lái xe này hạn chế khả năng tiếp xúc giữa các đối tượng giao nhận.

Hiện chúng tôi cũng đang phối hợp với Tham tán các nước đã nhập khẩu vải thiều Bắc Giang năm 2020 để tiếp tục kết nối và xuất khẩu.

Với vụ vải thiều năm nay, Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản tương ứng với tình hình dịch bệnh. Đến đầu tháng 6, nếu dịch được kiểm soát tốt thì 50% sản lượng vải thiều sẽ được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước. Trường hợp dịch vẫn tiếp tục phức tạp, tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ là 70:30. Ở kịch bản xấu nhất, dịch bùng phát nghiêm trọng thì 90% sản lượng vải sẽ được tiêu thụ trong nước.

– Vậy theo ông, giá bán năm nay có bị ảnh hưởng bởi đại dịch?

– Giá bán tại vườn hiện nay vẫn tương đương năm ngoái và chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg tùy loại vải, trong đó mức giá bình quân là 25.000 đồng/kg. Đến chính vụ, giá bán có thể tăng dần.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 23, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top