Đối với Hà Giang, sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế; đảm bảo sinh kế cho phần đông dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã xác định một trong trong 3 khâu đột phá là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”. Hiện thực hóa chủ trương này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 1/12/2020 về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của Nghị quyết đề ra nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ, thay đổi tư duy nhận thức của người dân về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống và quy trình sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, phù hợp từng vùng để phát triển kinh tế vườn hộ. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, tạo thu nhập khá cho trên 6.500 hộ tương ứng với trên 6.500 vườn.
Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ra đời đã và đang giúp người dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất để mạnh dạn thay thế diện tích vườn tạp bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, biến những mảnh vườn tạp thành sinh kế để vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện với các nội dung và giải pháp phù hợp. Huyện đã chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng cán bộ phụ trách xã, thôn triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả.
Đến nay, toàn huyện có 32 hộ/20 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện cải tạo vườn với tổng diện tích là 37.380 m2. Trong đó, có 23.380 m2 được cải tạo trồng cây ăn quả; 8.560 m2 được cải tạo trồng các loại rau, củ; 2.800 m2 được cải tạo nuôi thủy sản; 2.640 m2 được cải tạo để thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tính đến ngày 26/4, toàn huyện Hoàng Su Phì có 9 hộ đã được giải ngân với tổng số tiền 270 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ 51,8 triệu đồng và gần 1.000 ngày công giúp các hộ cải tạo vườn tạp. Các xã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và triển khai nhân rộng cho các đối tượng khác (các hộ trung bình, khá và giàu) thực hiện cải tạo, chỉnh trang lại vườn hộ gia đình, đến nay toàn huyện có 19 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn đã được cải tạo là 34.305 m2.
Ngoài ra, huyện Hoàng Su Phì còn tổ chức 121 buổi tuyên truyền thực hiện Đề án với tổng số 14.927 lượt người tham gia. Tổ chức 17 lớp tập huấn cho các xã, thị trấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt như: Kỹ thuật chuyên ngành về cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả; cây rau, nấm và cây lâm nghiệp; kỹ thuật trồng cây dược liệu; chăn nuôi gia súc, thủy sản… Giúp lãnh đạo các xã và người dân nắm được các tiêu chí của Đề án cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị kinh tế vườn hộ.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn, việc đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung của Nghị quyết 05 bằng nhiều hình thức đã giúp người dân trên địa bàn có sự đổi thay tích cực trong nếp nghĩ, cách làm. Nhận thức của người dân về đổi mới mô hình kinh tế vườn đã được nâng lên đáng kể. Đây cũng là cơ sở để huyện triển khai nhân rộng Đề án trong thời gian tới, góp phần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Có thể thấy rằng Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII đã thổi luồng gió mới, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện Hoàng Su Phì. Hy vọng rằng, Nghị quyết sẽ tiếp tục tạo ra sự thay đổi rõ nét trong việc đem lại hiệu quả kinh tế từ những khu vườn cằn cỗi cho người dân của một huyện thuần nông trên vùng cao nguyên đá./.
Comments are closed.