Đa số sản phẩm được các nghệ sĩ quảng cáo trên mạng xã hội không hề có công dụng “thần kỳ” như những gì họ mô tả.
Theo dõi các quảng cáo trên những nền tảng mảng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok, có thể thấy hàng loạt nghệ sĩ Việt “cùng mắc” một loại bệnh. NSDN Hồng Vân, NSƯT Vân Dung, NSND Minh Hằng, Kim Xuyến, Thanh Hương, Khánh Linh… cho biết họ bị u xơ, u nang khi quảng cáo cho viên sủi Shioka.
Các nghệ sĩ, diễn viên này khẳng định sau khi sử dụng viên sủi có tác dụng “thần kỳ”, khối u trong cơ thể họ nhỏ đi, bệnh tình thuyên giảm.
“Làm tiêu tan toàn bộ u xơ trong tử cung mà không cần phẫu thuật”, “Triệt tiêu tất cả các loại u xơ, u nang tận gốc”, “Sạch u xơ tử cung, u tuyến tụy u nang, u vú nhanh gấp 50 lần không mổ”… là lời khẳng định của các nghệ sĩ nổi tiếng về công dụng của viên sủi Shioka.
Diễn viên Phương Oanh quảng cáo sản phẩm Hona “đặc trị hôi nách”, nhưng đây chỉ là thực phẩm “hỗ trợ cải thiện tình trạng ra nhiều mồ hôi”… Ảnh: Chụp màn hình. |
Nghe vậy mà không phải vậy
Tuy nhiên trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) số 2475/2020/XNQC-ATTP (ngày 10/8/2020), sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng hỗ trợ hạn chế sự phát triển của u xơ tử cung, u xơ vú lành tính của phụ nữ và u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới.
Trên thực, các công dụng mà những nghệ sĩ trên nói trong video quảng cáo hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo.
Hiện tượng nhiều nghệ sĩ Việt đột nhiên mắc chung một loại bệnh để quảng cáo sản phẩm không phải hiếm. Khảo sát trên các trang mạng xã hội cho thấy một nghệ sĩ khi quảng cáo loại thuốc “chữa” bệnh gì thì sẽ mắc bệnh đó. Và họ luôn thổi phồng công dụng của loại thuốc, thực phẩm chức năng mà họ quảng cáo.
“Đặc trị hôi nách”, “sản phẩm chữa trị hôi nách số 1 Việt Nam”, “sản phẩm đầu tiên giúp điều trị dứt điểm bệnh viêm cánh”… là những mô tả của ca sĩ Đan Trường về bộ sản phẩm Hona. Video quảng cáo của Đan Trường xuất hiện dày đặc trên Facebook và YouTube.
Không chỉ Đan Trường, MC Tuấn Tú, diễn viên Phương Oanh cũng tham gia quảng cáo cho sản phẩm này. Tuy nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hona được Cục An toàn Thực phẩm cấp xác nhận nội dung quảng cáo số 2301/2020/XNQC-ATTP (ngày 23/7/2020) với công dụng: “Hỗ trợ cải thiện tình trạng ra nhiều mồ hôi”.
Minh Tiệp quảng cáo sản phẩm SANGU. Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo các quảng cáo SANGU lừa dối người tiêu dùng. Ảnh: Chụp màn hình. |
MC Quyền Linh cũng là gương mặt quen thuộc trong các quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong video quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy, Quyền Linh nói: “Hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường”.
Tuy nhiên, trong giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma fizzy chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.
Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo một số website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma Fizzy vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cục cũng cảnh báo quảng thực phẩm bảo vệ sức khỏe SANGU lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này được các nghệ sĩ như Minh Tiệp và Quốc Khánh quảng cáo.
Xử lý thế nào?
Ông Quốc (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết từng rất thích MC Quyền Linh vì phong cách dẫn truyền hình chân chất. Khi MC này quảng cáo thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm An Cốt Nam, ông liền tin tưởng mua 4 liệu trình.
“Nhưng kết quả lòng tin của tôi đã bị lừa. Tiền mất, mà bệnh vẫn đâu vào đấy”, ông nói. Chị Trần Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mất hơn 2 triệu đồng mua sản phẩm dưỡng da Detox BlanC được diễn viên Thanh Hương quảng cáo. Cuối cùng, chị phải đến bệnh viện da liễu để điều trị vì da nổi mẩn đỏ, sưng mủ.
Trao đổi với Zing, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM – xác nhận tình trạng người nổi tiếng – chủ yếu là các nghệ sĩ – tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang rộ lên, đặc biệt trên mạng xã hội. Đa phần các nghệ sĩ chỉ khen, nói quá lên những công dụng của sản phẩm.
“Luật pháp không cấm nghệ sĩ quảng cáo, nhưng cấm những quảng cáo làm người dân hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh”, bà Lan nhấn mạnh. Bà cho biết hiện nay vẫn còn nhiều quản lý nghệ sĩ chỉ quan tâm đến hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn chứ không cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm để đóng quảng cáo.
Quảng cáo viên sủi trị viêm họng của diễn viên hài Chí Trung trên YouTube. Ảnh: Thanh Thương. |
Bà Lan khẳng định khi nhận quảng cáo cho một nhãn hàng, người nghệ sĩ phải biết tôn trọng uy tín của bản thân mình trước công chúng. “Đề nghị các nghệ sĩ khi quảng cáo phải xem xét giấy xác nhận quảng cáo của cơ quan chức năng để từ đó không nói quá công dụng sản phẩm mà mình quảng cáo”, bà Lan nói.
“Còn nếu nói quá, nói sai công dụng sản phẩm thì người nghệ sĩ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý”, bà cảnh báo. Về vấn đề quảng cáo sai sự thật, bà Lan cho rằng đối tượng chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là công ty, chủ nhãn hàng, còn nghệ sĩ chỉ là phương tiện.
“Ban quản lý ATTP sẽ phối hợp với sở thông tin truyền thông để truyền thông cho các nghệ sĩ biết cách làm sao để không vi phạm pháp luật trong quảng cáo. Các quảng cáo phải được duyệt từng chữ, đặc biệt tránh sử dụng các từ ngữ gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh tốt nhất, điều trị dứt điểm”, bà Lan nói.
Nếu nói quá, nói sai công dụng sản phẩm thì người nghệ sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM
Bà khẳng định những nghệ sĩ vì đồng tiền tiếp tay quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không chất lượng sẽ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, người hâm mộ.
Trả lời Zing, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Một trong những nguyên tắc mà pháp luật quy định đó là quảng cáo phải đúng sự thật mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ cung cấp”. Ông cho biết Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Do đó, nghệ sĩ quảng cáo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, khi ký các hợp đồng quảng cáo, các nghệ sĩ cần xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. “Nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn, do đó phải có trách nhiệm tuyên truyền đúng sự thật. Điều này cũng sẽ giúp họ tránh được những bất lợi không đáng có nếu như sản phẩm quảng cáo có vi phạm”, ông nhấn mạnh.
Nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượngNgười nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, nhiều người vì thù lao, dễ dàng nhận quảng cáo mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm. |
‘Nghệ sĩ nhận tiền quảng cáo thì phải cân nhắc thương hiệu bản thân’Chuyên gia cho rằng khi nhận tiền để quảng cáo, nghệ sĩ cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm và tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến chính danh tiếng của bản thân. |
nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm
YouTube
YouTube
quảng cáo
thực phẩm chức năng
nghệ sĩ
sao Việt
quảng cáo sai sự thật
Theo: Zing News
Comments are closed.