Dư địa nào cho chứng khoán trong các quý tới?

Triển vọng quý II của khối doanh nghiệp niêm yết vẫn được dự báo tiếp tục khả quan, tuy nhiên thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh và lạm phát trở lại.

Phòng phân tích công ty chứng khoán Maybank Kim Eng dẫn số liệu từ Fiinpro cho biết tính đến 29/4, đã có 534/1.851 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn, chiếm 44,8% vốn hóa toàn thị trường công bố báo cáo tài chính hoặc kết quả kinh doanh ước tính trong quý I/2021.

Kết quả cho thấy, nhóm các ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh, tăng 87% so với cùng kỳ nhờ biên lãi ròng (NIM) mở rộng, thu nhập từ phí tăng cao phần lớn đến từ phí bảo hiểm. Các ngân hàng cũng kiểm soát tốt chi phí hoạt động và giảm chi phí dự phòng nhờ Thông tư 03 gia hạn thêm 3 năm.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp phi tài chính (không bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) báo cáo lợi nhuận tăng gần 70% so với cùng kỳ trong khi doanh thu tăng khoảng 22%. Nhóm doanh nghiệp ngành tiêu dùng ghi nhận sự hồi phục với lợi nhuận tăng trưởng 15% so với cùng kỳ.

Riêng nhóm ngành bất động sản lợi nhuận quý đầu năm tăng khiêm tốn chủ yếu do Vinhomes, doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn cho nhóm này trong quý vừa qua không ghi nhận thu nhập từ bán buôn dự án. Đáng chú ý là nhóm ngành thép với lợi nhuận tăng gần 260% so với cùng kỳ nhờ giá bán thép tăng liên tục trong thời gian qua.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, khối Phân tích công ty chứng khoán VNDirect đánh giá kết quả quý I của khối doanh nghiệp niêm yết nhìn chung phản ánh sự hồi phục như kỳ vọng, thậm chí một số ngành có mức tăng tích cực hơn dự báo như ngân hàng hay thép. Tuy nhiên mức hồi phục vẫn chưa đồng đều khi một số ngành bị ảnh hưởng nặng như hàng không, đồ uống, vận tải vẫn còn nhiều khó khăn và chưa về được mức trước dịch.

Thị trường chứng khoán Việt đang đắt hay rẻ?

Với nền tảng lợi nhuận đó, VN-Index đã liên tục lập đỉnh mới trong những tháng đầu năm. Kết phiên giao dịch ngày 5/5, VN-Index đóng cửa tại 1.256,43 điểm, tăng hơn 40 điểm trong vòng 5 phiên vừa qua (tính cả các phiên trước kỳ nghỉ 30/4- 3/5). Ở vùng giá này, thị trường chứng khoán Việt đang giao dịch ở mức P/E 18x. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, mức này tương đối hợp lý. Thị trường chứng khoán Việt không còn rẻ nhưng cũng không quá đắt.

Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối khách hàng cá nhân MBKE Việt Nam cho rằng định giá thị trường hiện cao hơn mức trung bình 5 năm của VN-Index là 16x nhưng lại rẻ hơn mức đỉnh lịch sử 2018 là 22x và rẻ hơn nếu nhìn sang định giá của thị trường chứng khoán các nước trong khu vực hiện nay như Malaysia khoảng 20x, Philippines, Indonesia là 27x, Thailand, Singapore là 38x.

Vốn ngoại vẫn rút ròng kể từ đầu năm
Giao dịch khối ngoại trên HoSE
Nhãn 2017 2018 2019 2020 3T2021
Giá trị ròng tỷ đồng 24429 41204 4244 -19720 -18465

“VN-Index có thể hướng tới mức 20x trong thời gian tới nhờ vào dòng tiền khối nội hiện tại, sự quay lại của dòng vốn ngoại cũng như sự hồi phục mạnh (25-30% YoY) của lợi nhuận doanh nghiệp trong năm nay”, theo phòng phân tích MBKE.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại VNDirect bổ sung thêm, với mặt bằng lãi suất huy động một năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5-5,7% như hiện nay, mức định giá của thị trường đang ở mức hợp lý. “Mức P/E dự phóng trên lợi nhuận năm 2021 của chỉ số VN-INDEX hiện ở mức 16,5 lần, cho thấy thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm nay”, ông Hinh từ chứng khoán VNDirect nói.

Triển vọng nào cho quý II khi làn sóng Covid-19 trở lại?

Quý II năm ngoái là thời điểm nền kinh tế chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP thấp kỷ lục trong hơn hai thập kỷ. “Với mức nền thấp như vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ tương đối tích cực trong quý II năm nay, miễn là chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh”, theo ông Hinh.

Cũng theo vị chuyên gia này, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt trên 7% trong quý II/2021 và tạo môi trường tốt để kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và bứt phá.

Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng về khả năng kiểm soát tốt dịch của chính phủ tương tự như các lần trước đây. Theo đánh giá của chứng khoán MBKE, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp trong quý II/2021 nhìn chung vẫn khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2020 do năm ngoái là giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 bùng phát nặng nhất.

Theo đó, một số nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh khả quan bao gồm ngành ngân hàng vẫn có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2021. Trong đó Vietcombank, Techcombank là các ngân hàng có dư địa để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.

Với ngành bán lẻ với đại diện như MWG, PNJ dự báo phục hồi mạnh do cùng kỳ bị ảnh hưởng quá mạnh. Tương tự, ngành dệt may cũng kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu hậu Covid-19. Trong khi đó, ngành thép vẫn kỳ vọng khả quan khi giá thép vẫn tiếp tục tăng như hiện nay.

Nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rủi ro

Dù bày tỏ tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch tốt của Chính phủ, các chuyên gia vẫn thừa nhận dịch bệnh gia tăng trở lại đang trở thành một trong những rủi ro lớn có tác động đến diễn biến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Mặt khác, sau giai đoạn đón thông tin ồ ạt từ báo cáo kinh doanh quý I của doanh nghiệp, thị trường đầu quý II sẽ bước vào giai đoạn trũng thông tin.

Chuyên gia từ chứng khoán MBKE cho rằng trong giai đoạn này, khả năng thị trường sẽ lựa chọn các biến động ở mức vừa phải hơn so với giai đoạn trước đó, mức độ phân hóa của thị trường cũng sẽ lớn hơn đáng kể.

“Nhà đầu tư sẽ cần tiết chế hơn các hoạt động giao dịch cường độ cao và tăng/giảm tỷ trọng cổ phiếu dựa theo các nhịp kỹ thuật ngắn hạn của thị trường để phù hợp với tình hình ngay tại thời điểm đó”, MBKE khuyến nghị

Trong khi đó phòng phân tích VNDirect nhận thấy ngoài yếu tố dịch bệnh, một số rủi ro khác cũng đang xuất hiện chẳng hạn như dư nợ margin toàn thị trường hiện ở mức cao, có thể sẽ là yếu tố kìm hãm đà tăng của thị trường.

Cũng theo các chuyên gia, lạm phát đang quay trở lại và được xem là rủi ro trong trung hạn, thậm chí ngay trong quý II này.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia từ MBKE khuyến nghị nhà đầu tư cần tiết chế hơn các hoạt động giao dịch cường độ cao và tăng/giảm tỷ trọng cổ phiếu dựa theo các nhịp kỹ thuật ngắn hạn của thị trường để phù hợp với tình hình ngay tại thời điểm đó.

Trong khi đó VNDirect cho rằng với xu hướng phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ở mức vừa phải trong tháng 5, tập trung vào các ngành được dự báo có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý II/2021 như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu (thép, đồ gỗ, dệt may).

Dư địa nào cho thị trường chứng khoán

xu hướng thị trường

triển vọng thị trường

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

PNJ

chứng khoán Việt

lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 6, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top