Khách du lịch ‘tiến thoái lưỡng nan’ vì dịch

Nhiều khách du lịch lo lắng khi tour rơi đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát ở một số địa phương. Trong khi đó, nếu hủy tour, nhiều người sẽ phải mất tiền đặt cọc.

“Chiều nay lịch bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhưng đột ngột có dịch. Vé và khách sạn đã đặt hết. Theo anh chị có nên huỷ không ạ?”, một tài khoản tên Hana Mizuki đặt câu hỏi trên mạng xã hội vào sáng 30/4.

Bên dưới phần bình luận, nhiều người khác cũng cho biết cùng cảnh ngộ khi phân vân, rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nên tiếp tục đi du lịch hay hủy tour.

Hủy vé là mất tiền

Chia sẻ với Zing, chị Ngô Thị Thanh Thủy (Lào Cai) cho biết đã quyết định hủy chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm tại Đà Nẵng.

Trước đó, vì lo ngại tình hình dịch bệnh nên chị chỉ đặt vé máy bay và khách sạn cách nửa tháng. Giờ đây, với vé rẻ và voucher giảm giá, gia đình chị không được hoàn tiền hay dời lịch. Tổng chi phí thiệt hại khoảng 5 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi đắn đo lắm, vì tiền bỏ ra rồi không lấy lại được. Nhưng chúng tôi không dám chủ quan, đi về không may mắc bệnh lại ảnh hưởng đến cộng đồng nơi sinh sống. Đáng lẽ mai bay nhưng chúng tôi sẽ không đi nữa, tiền có thể kiếm lại được chứ dịch thì không lường được”, chị Thủy nói.

Du khach luong lu anh 1

Do dịch trở lại sát dịp lễ, hầu hết du khách muốn hủy kế hoạch du lịch đều phải chịu mất tiền vé máy bay và khách sạn. Ảnh: Khánh Huyền.

Theo một số ý kiến, việc đi du lịch trong bối cảnh này chưa quá nguy hiểm nếu du khách có ý thức phòng dịch. Tuy nhiên, trong thời gian lưu trú tại địa phương khác, nếu dịch bùng phát nghiêm trọng ở đó thì du khách sẽ khó quay về nhà hoặc buộc phải cách ly 14 ngày sau đó.

Thống kê đến sáng 29/4, Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) đã ghi nhận 60 khách hủy chuyến trên tổng số 158 khách dịp lễ 30/4-1/5. Bà Nguyễn Phương Thùy, đại diện công ty cho biết 2 ngày nay nhận được nhiều yêu cầu hoàn, hủy, bảo lưu hoặc đổi ngày của đoàn khách. Đội ngũ nhân sự vì thế cũng đau đầu xử lý tình trạng này.

Trong khi đó, tại các doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel, Saigontourist, TST Tourist, Fiditour, đa số tour đã khởi hành từ chiều 29/4 hoặc sáng 30/4 và không có trường hợp khách hủy vì e ngại dịch bệnh.

“Do đã chuẩn bị cho kỳ nghỉ này từ trước nên các du khách hầu hết đều giữ kế hoạch tham quan bình thường và rất hợp tác với công ty lữ hành để áp dụng chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid”, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông của Lữ hành Fiditour – Vietluxtour chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều du khách cho biết vẫn tiếp tục kỳ nghỉ với tinh thần cẩn trọng nhất. Anh Tú (TP.HCM) cho biết từ khi dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 đến nay, gia đình anh chưa có cơ hội đi du lịch. Kỳ nghỉ lần này là dịp để cả nhà thêm gắn kết và giải tỏa căng thẳng.

“Chúng tôi đã thanh toán tiền vé máy bay và homestay, cũng không thể nhượng lại. Chúng tôi sẽ cố gắng cẩn thận”, anh cho biết.

Trao đổi với Zing, các hãng lữ hành cho biết hiện Chính phủ và các địa phương chưa có chỉ đạo giãn cách xã hội, do đó không thể hoàn tiền nếu khách hủy tour du lịch. Một số đơn vị cho biết họ chỉ là đơn vị trung gian thu mua dịch vụ từ các đối tác cung cấp. Chi phí cho các dịch vụ đã được thanh toán từ lâu nên không thể hỗ trợ khách hàng.

Trong trường hợp khách vẫn quyết định hủy tour, đại diện Hanoi Tourism cho biết sẽ đưa ra các tình huống. “Cụ thể, nếu có lệnh giãn cách xã hội, hãng sẽ bảo lưu chi phí cho khách. Trong trường hợp không có lệnh, chỉ có khuyến cáo thì sẽ đàm phán đối tác nhà hàng khách sạn bảo lưu dịch vụ, song khách sẽ phải mất chi phí hoãn hoặc hủy vé máy bay”, bà Nguyễn Phương Thùy nói.

An toàn là yếu tố tiên quyết

Xác định đây là thời điểm khó khăn mang tính quyết định đối với ngành du lịch, các đơn vị đều cho biết an toàn là yếu tố tiên quyết khi triển khai hoạt động kinh doanh.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức tour lễ 30/4 năm nay, từ đầu quý II, Lữ hành Fiditour – Vietluxtour đã tăng cường khảo sát, phối hợp cùng đối tác nhà hàng, khách sạn, điểm đến để triển khai thực hiện chặt chẽ các quy định bảo vệ an toàn sức khỏe. Đặc biệt, mỗi khách du lịch được tặng một combo quà gồm khẩu trang, nước rửa tay và vitamin tăng sức đề kháng.

“Nhìn chung, đa phần chương trình của du khách tập trung vào hoạt động thư giãn, tham quan thong thả, ít hoạt động thể lực do thời tiết đang vào mùa nóng, đồng thời hạn chế tập hợp ở các địa điểm, sự kiện đông người để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã cập nhật lịch trình phù hợp với điều kiện thực tế tại từng điểm đến”, bà Trần Thị Bảo Thu chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing của TST Tourist, cũng cho biết công ty đã kích hoạt trở lại chế độ phòng dịch với các yêu cầu dành cho nhân viên và đối tác cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, các tour của công ty trong giai đoạn này cũng cố gắng chọn điểm đến an toàn và đảm bảo nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) trong quá trình triển khai.

Du khach luong lu anh 2

Các doanh nghiệp du lịch cho biết an toàn là yếu tố tiên quyết trong giai đoạn này. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, về phía điểm vui chơi, ông Lê Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm game – giải trí Jazzy Paradise (TTTM Gigamall) cho biết đã sẵn sàng kế hoạch cho mọi tình huống có thể xảy ra liên quan đến dịch bệnh.

Trước đó, ngày 29/4, công viên chủ đề khủng long JPark và khu giải trí giáo dục công nghệ tương tác JPWorld của trung tâm này vừa được ra mắt. Chia sẻ với Zing, ông Lộc cho biết đã gấp rút thi công công viên trong vòng 1 tháng để kịp đón khách dịp lễ này, với kỳ vọng khoảng 200-300 lượt khách/ngày.

“Nhưng tất nhiên, ứng phó với dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi suốt thời gian qua. Kể cả dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, mặc dù đã chuẩn bị chu đáo để đón khách nhưng ngay khi dịch bùng phát, phải tạm ngừng hoạt động, chúng tôi cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Hiện tại nếu diễn biến dịch xấu đi, không thể phục vụ khách hàng từ đại lễ thì chúng tôi đành tập trung cho mùa hè”, ông Lộc cho biết.

Ông nói thêm, bên cạnh các yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên đối với khách hàng vào trung tâm, đơn vị cũng giới hạn tối đa 50 người vào JPark trong cùng một thời điểm để hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Sáng 30/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP hạn chế tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Đồng thời, ban quản lý các điểm tham quan, ban tổ chức lễ hội và lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch được yêu cầu chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K.

Tại buổi họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP.HCM sáng 30/4, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke, vũ trường từ 18h cùng ngày.

Trước đó, UBND TP Hà Nội ra công điện khẩn trong đêm, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game từ 0h ngày 30/4.

Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đã ngưng tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ, khu du lịch chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng thông báo đóng cửa, không đón khách.

Du khách lưỡng lự

du lịch

khách du lịch

hủy tour lễ 30/4

lễ 30/4

du lịch 30/4

covid-19

dừng hoạt động vui chơi

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 2, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top