JP Morgan – một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới – đối mặt với thất bại chóng vánh khi quyết định đầu tư lớn vào bóng đá châu Âu.
Theo Bloomberg, các chuyên gia tài chính nhận định quyết định đầu tư 4 tỷ euro (4,8 tỷ USD) vào Super League là một sai lầm lớn của JPMorgan Chase & Co., ngân hàng đầu tư khổng lồ của Mỹ.
“Quyết định đầu tư vào Super League không được chuẩn bị một cách thấu đáo. Nó hoàn toàn mang tính chất làm ăn và JP Morgan đã không tính đến vấn đề cảm xúc trong bóng đá”, giáo sư luật thể thao Steve Greenfield thuộc Đại học Westminster nhận định.
Nếu giải Super League diễn ra suôn sẻ, JP Morgan sẽ trở thành thế lực tài chính đáng gờm của giải đấu bóng đá hàng đầu thế giới. Ngoài ra, hợp đồng này cũng sẽ đem lại cho ngân hàng Mỹ hàng chục triệu USD tiền phí. Tuy nhiên, dự án Super League đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi các đội bóng Anh quyết định rút đi, và JP Morgan mắc kẹt trong mớ bòng bong còn lại.
JP Morgan Chase & Co. là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty. |
Trải nghiệm xấu từ thương vụ MU
Trên thực tế, cú bước hụt này có thể không gây hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe tài chính của JP Morgan. Ngân hàng Mỹ đạt lợi nhuận kỷ lục 14,3 tỷ USD trong quý I. Tuy nhiên, vụ bê bối bùng nổ trong một thời điểm nhạy cảm.
Năm nay, JP Morgan sẽ mở ngân hàng bán lẻ kỹ thuật số ở Anh. Đây là lần đầu tiên đại gia tài chính Phố Wall mở rộng hoạt động kinh doanh bên ngoài nước Mỹ.
Trong nhiều năm, JP Morgan nỗ lực vun đắp quan hệ với ngành công nghiệp bóng đá châu Âu. Ngân hàng này tư vấn cho nhiều thương vụ mua câu lạc bộ và cho vay sửa chữa sân vận động. Một số câu lạc bộ thành viên Super League là khách hàng của JP Morgan. Ngân hàng Phố Wall có quan hệ mật thiết nhất với Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez, người đứng đầu Super League.
JP Morgan từ chối bình luận về việc các câu lạc bộ Anh rút khỏi Super League. Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời một nhân vật “biết về các kế hoạch của JP Morgan” khẳng định ngân hàng Phố Wall hiểu rõ rằng tương lai của dự án này phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của thế giới bóng đá, đồng thời rất có quan điểm thực tế.
Ed Woodward – Phó chủ tịch điều hành Manchester United – từng làm việc cho JP Morgan khi tư vấn cho gia đình Glazer mua lại “Quỷ đỏ”. Ảnh: Getty. |
Một ủy ban của ngân hàng đánh giá dự án Super League trên các khía cạnh như rủi ro tín dụng, lợi nhuận và quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích là quá lớn. Ít nhất hai giám đốc JP Morgan tiết lộ họ lo ngại về sự an toàn của bản thân sau khi “cơn bão” chỉ trích bùng lên tại châu Âu.
Đó không phải là trải nghiệm mới đối với JP Morgan. Khi JP Morgan hỗ trợ gia đình tỷ phú Glazer tiếp quản CLB Manchester United năm 2005, nhiều người hâm mộ tức giận, ùa tới các văn phòng của ngân hàng để biểu tình phản đối.
Năm 2011, khoảng 50 người hâm mộ đột nhập vào một bữa tiệc chiêu đãi của JPMorgan ở thành phố Manchester. Họ ném ly rượu vào các khách mời để phản đối “cuộc thôn tính” của nhà Glazer. Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward của Manchester United từng làm việc cho JPMorgan khi tư vấn cho gia đình Glazer mua lại đội bóng. Ông Woodward sẽ từ chức vào cuối năm 2021.
“Chỉ quan tâm đến tiền”
Nhưng lần này, cả thế giới bóng đá lên tiếng phản đối Super League và mô hình của nó. Super League được tổ chức theo thể thức tương tự Champions League. Tuy nhiên, có 20 CLB tham dự ở mỗi mùa giải, trong đó có 15 suất cố định (các CLB sáng lập) và 5 đội khách mời.
Đây là ý tưởng hấp dẫn với các nhà đầu tư Mỹ. Họ không an tâm với việc một đội bóng lớn có thể không được dự Champions League nếu không lọt nhóm 4 đội hàng đầu tại giải vô địch quốc gia. Điều đó dẫn tới thiệt hại tài chính quá lớn. Tuy nhiên, ý tưởng Super League bị quá nhiều người hâm mộ phản đối.
Ngay cả một số khách hàng lớn của JP Morgan cũng tỏ ra không hài lòng. Ông Paul Marshall – nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Marshall Wace và là người hâm mộ Manchester United – chia sẻ thông điệp chỉ trích JP Morgan của chính trị gia Anh Nigel Farage. JPMorgan là hãng môi giới chính của Marshall Wace.
Quyết định đầu tư vào Super League hoàn toàn mang tính chất làm ăn và JP Morgan không tính đến vấn đề cảm xúc trong bóng đá
Giáo sư luật thể thao Steve Greenfield thuộc Đại học Westminster
JPMorgan có chính sách tuyển dụng các chính trị gia cao cấp ở Anh trong những năm gần đây. Ngân hàng này thuê cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid làm cố vấn. Cả hai người đều chỉ trích Super League.
Trả lời phỏng vấn Daily Telegraph, ông Javid cho rằng JP Morgan “chỉ quan tâm đến tiền”. Ông kêu gọi chính phủ các nước châu Âu đánh thuế thật nặng những câu lạc bộ thành viên Super League nếu giải đấu này diễn ra.
Bất chấp mọi phản ứng, một cựu giám đốc JPMorgan bình luận ngân hàng Mỹ sẽ không quá lo lắng về tác động đến uy tín. JPMorgan vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên những khách hàng giàu có như nhà Glazer.
“Đối tượng khách hàng của JPMorgan là doanh nghiệp chứ không phải cá nhân. Do đó, ngân hàng này sẽ không thiệt hại gì đáng kể. Hơn nữa, vai trò của JP Morgan chỉ là hỗ trợ cho dự án”, chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire của Đại học Liverpool, khẳng định.
Bị Trung Quốc tẩy chay, tôm hùm Australia tìm thị trường mớiXuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc bị chặn đứng sau khi Bắc Kinh trả đũa thương mại Canberra. |
Theo: Zing News
Comments are closed.