Các nền tảng truyền thông là vũ khí hữu hiệu của Alibaba. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát thông tin quá lớn của tập đoàn khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại.
Theo Nikkei Asian Review, sau khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD, rắc rối vẫn chưa kết thúc đối với Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Bởi đế chế truyền thông của tập đoàn khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại.
Alibaba nổi tiếng với các nền tảng thương mại điện tử như Taobao và Tmall. Tuy nhiên, tập đoàn cũng sở hữu một đế chế truyền thông, bao gồm báo chí, phương triện truyền thông điện tử và phát sóng, nền tảng mạng xã hội, trang web phát video, công ty sản xuất phim và đại lý quảng cáo.
Những nền tảng truyền thông kể trên là công cụ quảng bá hữu hiệu của các doanh nghiệp khác của Alibaba. Tương tự Alibaba, nhiều công ty công nghệ đang cạnh tranh để xây dựng một hệ sinh thái rộng lớn, từ thương mại điện tử đến giải trí.
Alibaba có thể tiếp tục đối mặt với rắc rối sau khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Sức mạnh truyền thông
Tuy nhiên, khi ảnh hưởng ngày một lớn, Alibaba rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách Bắc Kinh. Công ty fintech (công nghệ tài chính) Ant Group bị yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hồi cuối năm ngoái.
Đến giữa tháng 3, Bắc Kinh yêu cầu Alibaba – hiện sở hữu tờ South China Morning Post – thoái vốn trong lĩnh vực truyền thông do lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của công ty này, theo Wall Street Journal.
Ngoài South China Morning Post, Alibaba sở hữu nền tảng phát trực tuyến video Youku và 30% cổ phần của trang mạng xã hội Weibo.
Tập đoàn cũng đầu tư vào Bilibili, được biết đến là phiên bản Trung Quốc của YouTube, tập đoàn tin tức Yicai Media Group, các trang tin điện tử 36Kr, Huxiu.com và Focus Media – công ty quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất Trung Quốc.
“Công bằng mà nói, quyền kiểm soát của Alibaba đối với thông tin, phương tiện truyền thông và dữ liệu cá nhân tại Trung Quốc đã vượt xa các gã khổng lồ công nghệ ở những quốc gia khác”, giáo sư Zhu Ning tại Học viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải bình luận.
Quyền kiểm soát của Alibaba đối với thông tin, phương tiện truyền thông và dữ liệu cá nhân tại Trung Quốc đã vượt xa các gã khổng lồ công nghệ ở những quốc gia khác
– Giáo sư Zhu Ning
Hồi tháng 12 năm ngoái, trang tin kinh doanh Huxiu – được Ant rót vốn – đã nhắm vào những quy định chống độc quyền của Trung Quốc. Huxiu cảnh báo rằng việc Bắc Kinh siết chặt quản lý sẽ ảnh hưởng đến các công ty Internet và làm tổn hại nền kinh tế nước này.
Bài viết được đăng tải sau khi cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc mở cuộc điều tra nhắm vào Alibaba. Cuộc điều tra kéo dài 4 tháng kết thúc bằng khoản phạt kỷ lục 18 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) dành cho tập đoàn của ông Ma.
Tuy nhiên, bài viết bị xóa khỏi trang web của Huxiu ngay sau đó. Trang tin cũng ngừng đăng tin mới trong vòng một tháng.
Năm ngoái, Weibo cũng bị phát hiện đã xóa các bài đăng, đóng bình luận và gỡ bỏ những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhằm dập tắt tin đồn liên quan đến một giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba.
Alibaba là cổ đông lớn thứ hai và khách hàng đặt quảng cáo lớn nhất của Weibo. “Sức mạnh định hình dư luận của Alibaba thật đáng kinh ngạc”, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc nhận định.
Alibaba đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực truyền thông, bao gồm báo chí, phương triện truyền thông điện tử và phát sóng, nền tảng mạng xã hội… Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Khi nguồn thông tin của người dùng ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ, sức ảnh hưởng của những nền tảng này đối với dư luận ngày càng tăng. Điều đó buộc chính quyền Trung Quốc phải thay đổi thái độ.
Trên thực tế, hồi năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã công khai khuyến khích các phương tiện truyền thông truyền thống và công ty Internet kết hợp sâu hơn và đầu tư lẫn nhau.
Ở thời điểm hiện tại, giới chức trách lo ngại rằng sự kiểm soát quá mức của Alibaba đối với các phương tiện truyền thông sẽ giúp tập đoàn tăng cường vị thế thống trị trong nhiều lĩnh vực khác bên ngoài thương mại điện tử và tài chính trực tuyến.
Giới phân tích nhận định các khoản đầu tư vào truyền thông có ý nghĩa rất lớn đối với Alibaba. Tencent Holdings – đối thủ của Alibaba – sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat và ByteDance, công ty mẹ của TikTok (được biết đến ở Trung Quốc với cái tên Douyin). Trong khi đó, tập đoàn của tỷ phú Jack Ma thiếu những nền tảng truyền thông tự phát triển để thu hút và giữ chân người dùng.
“Một hệ sinh thái thiếu nền tảng truyền thông sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Nhìn vào các đối thủ, Alibaba nhận thấy lợi ích của việc có nguồn lực truyền thông”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Martin Bao, nhà phân tích tại ICBC International tại Thượng Hải, bình luận.
Cạnh tranh dữ dội
Nền tảng 1 tỷ người dùng WeChat của Tencent là công cụ thúc đẩy sự phát triển của trang thương mại điện tử Pinduoduo. Tencent là cổ đông lớn thứ hai tại Pinduoduo.
Nhờ vào số lượng người dùng khổng lồ, nền tảng video ngắn Douyin cũng có thể nhanh chóng phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua phát trực tiếp (livestream).
Những phương tiện truyền thông cũng giúp tăng doanh thu quảng cáo. “Quảng cáo là hoạt động kinh doanh cốt lõi của các tập đoàn Internet, mang lại doanh thu ổn định và chi phí thấp”, ông Bao giải thích.
Alibaba không tiết lộ doanh thu quảng cáo trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, hồi năm 2017, Giám đốc tài chính Alibaba Meggie Wu cho biết 60% doanh thu của công ty đến từ những nền tảng quảng cáo. Các cửa hàng mua không gian quảng cáo trên trang web của Alibaba và những nền tảng truyền thông đối tác của tập đoàn.
Thông điệp của chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng. Họ quyết định những gì người dân nên chú ý, chứ không phải các tập đoàn tư nhân
– Phó giáo sư Fang Kecheng
Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Alibaba chiếm hơn 30% thị phần của thị trường quảng cáo điện tử Trung Quốc năm 2020. Tập đoàn hợp tác với hơn 4.000 đối tác truyền thông, 100.000 ứng dụng di động, tiếp cận 98% dân số tại đất nước tỷ dân.
Theo ông Leo Sun, chuyên gia công nghệ tại The Motley Fool, khoản đầu tư vào lĩnh vực truyền thông của Alibaba “chủ yếu nhằm mở rộng hệ sinh thái bằng mọi giá để ngăn chặn các công ty khác như Tencent và Baidu thống trị không gian mạng”.
Các đối thủ của Alibaba cũng đầu tư đáng kể vào mảng truyền thông. Chẳng hạn, năm 2020, Baidu đã chi 3,6 tỷ USD để mua lại mảng kinh doanh phát trực tiếp của nền tảng truyền thông xã hội Joyy. Tencent tự phát triển nền tảng video và trang tin tức trực tuyến riêng, đồng thời đầu tư vào Kuaishou và Bilibili.
Sức ảnh hưởng của nhà sáng lập Alibaba trong giới kinh doanh Trung Quốc thu hút sự chú ý của các nhà chức trách Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Sun tin rằng các tập đoàn như Tencent, Baidu và ByteDance khó rơi vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh như Alibaba. Những khoản đầu tư của họ vẫn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và chưa bao phủ rộng như Alibaba.
Trong khi đó, nhà sáng lập Alibaba thường được biết đến với những ý tưởng độc đáo. Ông Ma cũng thích truyền tải thông điệp của mình đến đông đảo người nghe. Ông thậm chí mở một trường kinh doanh dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ảnh hưởng của ông Ma trong giới kinh doanh khiến Bắc Kinh chú ý. Tờ Financial Times đưa tin trường của ông đã bị buộc dừng chương trình đào tạo.
“Thông điệp của chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng. Họ quyết định những gì người dân nên chú ý, chứ không phải các tập đoàn tư nhân”, phó giáo sư Fang Kecheng tại Đại học trung văn Hương Cảng nhận định.
Tương lai u ám của các tập đoàn Internet Trung QuốcChính quyền Trung Quốc vừa giáng đòn mạnh lên đế chế công nghệ của tỷ phú Jack Ma. Nhưng những rắc rối của ngành công nghiệp Internet nước này không dừng lại ở đó. |
Theo: Zing News
Comments are closed.