Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nói rằng ông không thích được gọi là “ông trùm thép”.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nói rằng ông không thích được gọi là “ông trùm thép”. Phong cách làm việc của ông là nhanh, quyết liệt và giữ nguyên tắc “không để vợ can thiệp vào công việc”.
Hẹn Zing sau một cuộc họp hội đồng quản trị, nhưng ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – xuất hiện sớm hơn. Ông cười: “Bọn anh làm cái gì cũng nhanh lắm, rất quyết liệt”.
Trước giờ họp hội đồng quản trị, các lãnh đạo Hòa Phát bước ra từ một chiếc xe 7 chỗ sau khi cùng đi ăn trưa về. Những người đàn ông trạc tuổi nhau cười đùa và nói chuyện hài hước trước khi vào cuộc họp. Ông Long nói rằng có một điều may mắn là ban lãnh đạo Hòa Phát trạc tuổi nhau, học cùng nhau, chơi với nhau từ thuở hàn vi, nên rất hiểu nhau.
Với một bộ vest vải giản dị, vị tỷ phú USD giàu thứ 1.440 thế giới theo xếp hạng của Forbes cười nhiều, giữ phong thái hoạt bát khi trả lời phỏng vấn. Ông trả lời rất nhanh, đáp ngắn gọn và không quên nhắc lại: “Bọn anh làm cái gì cũng nhanh lắm, rất quyết liệt”, rồi lại cười.
– Năm 2019, Hòa Phát lãi 7.500 tỷ, đến năm 2020 lãi 13.000 tỷ đồng. Điều gì làm nên thành công này, thưa ông?
– Tôi nghĩ có 3 điều làm nên thành công của Hòa Phát. Thứ nhất, chúng tôi đầu tư đúng hướng, kiên định đầu tư theo con đường lâu dài, không làm theo phong trào. Thứ hai, chúng tôi tính toán đúng nhu cầu thị trường về các sản phẩm mà Hòa Phát đầu tư. Thứ ba, Việt Nam là nước công nghiệp mới, nên nhu cầu về sắt thép xây dựng còn rất lớn.
Năm 2020, dù kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ đã dẫn dắt nền kinh tế đạt được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo tăng trưởng. Chính phủ tăng cường đầu tư công, vấn đề giải ngân thực hiện rất tốt nên Hòa Phát được hưởng lợi rất lớn từ chính sách.
– Dự án Dung Quất giai đoạn 1 đã đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hòa Phát lại chuẩn bị làm dự án Dung Quất giai đoạn 2 với số vốn khoảng 2 tỷ USD. Đầu ra và lượng vốn lớn đầu tư có phải là vấn đề không thưa ông?
– Về vốn, chúng tôi dự tính vốn cố định khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, vốn lưu động khoảng 20.000 tỷ. Với vốn cố định, cơ cấu vốn sẽ là 50% tự có, 50% đi vay.
Hàng năm Hòa Phát có tích lũy lợi nhuận, đến năm 2020 có thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) khoảng 20.000 tỷ, mỗi năm tăng khoảng 10%.
Chúng tôi đã thỏa thuận xong với ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Dung Quất giai đoạn 2. Hiện tại thì uy tín của chúng tôi với các tổ chức tín dụng đã tốt giờ còn cao hơn rất nhiều, nên việc vay vốn cực kỳ dễ dàng, không phải dùng đến công cụ trái phiếu. Như vậy chỉ cần chuẩn bị xong mặt bằng là Dung Quất giai đoạn 2 có thể chạy.
Chúng tôi đã có kinh nghiệm 20 năm làm thép, mất 4 năm để làm dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1. Đội ngũ nhân lực làm thép của Hòa Phát đã được tôi luyện, đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) là công nghệ khó nhất mà chúng tôi đã làm chủ được kỹ thuật.
Về đầu ra, dự án giai đoạn 2 sẽ sản xuất thêm 5 triệu tấn và tập trung 100% cho HRC. Sản lượng tiêu thụ HRC của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8-10%. Trong khi 2 nhà máy Hòa Phát giai đoạn 1 và Formosa mới cung cấp được 8 triệu tấn cho thị trường.
Như vậy, kể cả dự án giai đoạn 2 hoàn thành vẫn chưa đủ đáp ứng thị trường nên chúng tôi rất tự tin.
– Quy mô của khu liên hợp thép Hòa Phát tại Dung Quất khi hoàn thành 2 giai đoạn cần đầu vào rất nhiều than và quặng sắt. Ông có tính mua mỏ nguyên liệu ở nước ngoài để chủ động cho sản xuất?
– Khi đầu tư nhà máy mới, Hòa Phát đã tính đến vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, không phụ thuộc vào việc có mỏ của riêng mình hay không. Nếu mua mỏ thì phải kiếm được tiền từ làm mỏ, có lợi nhuận độc lập thì mới đầu tư.
Hiện nay Hòa Phát có cảng nước sâu cho phép tàu tải trọng 200.000 tấn cập bến, chúng tôi cũng có quan hệ với 4 công ty cung cấp khoáng sản lớn nhất thế giới nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất của Hòa Phát luôn rẻ hơn từ 3-5 USD so với thị trường.
– Ông có thích mọi người gọi là “ông trùm” thép ở Việt Nam không?
– Không (cười). Tôi chẳng phải là ông trùm gì cả. Hòa Phát đã là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, lọt top 50 công ty thép lớn nhất thế giới, nhưng là thành quả của cả Hòa Phát, chứ không phải của cá nhân tôi.
– Nhiều người vẫn nghĩ thép là ngành tiêu tốn năng lượng, lỗi thời, lạc hậu, các nước tiên tiến muốn đẩy sang các nước đang phát triển. Ông thấy sao?
– Mọi người đang suy nghĩ chưa chính xác. Danh sách 10 nước đứng đầu sản xuất thép trên thế giới, trừ Trung Quốc và Ấn Độ thì hầu hết là nước tiên tiến. Trung Quốc họ cũng đang phát triển rất nhanh. Thép là một trong những ngành được gọi là “bánh mì của công nghiệp”, cung cấp đầu vào cho nhiều ngành khác, nên rất quan trọng.
– Nhiều người hay nhắc đến điểm yếu về nguồn cung nguyên phụ liệu ở Việt Nam, đặc biệt là các loại thép phục vụ công nghệ cao. Ông có muốn sản xuất được các loại thép chất lượng cao hay không?
– Không, chiến lược của Hòa Phát là sản xuất số lượng nhiều, đồ to, thô, có yếu tố vận tải. Lợi thế là như vậy, chứ chúng tôi không cạnh tranh ở những mặt hàng siêu nhỏ này.
– Hòa Phát giờ đã là một trong những tập đoàn công nghiệp tầm khu vực. Tầm nhìn 20-30 năm tới của Hòa Phát là gì?
– Định hướng của Hòa Phát là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp với chất lượng dẫn đầu, trong đó thép là lĩnh vực cốt lõi. Năm 2021, với công suất thép thô đạt 8 triệu tấn, Hòa Phát đã nằm trong top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Thế giới thay đổi rất nhanh nên rất khó để hình dung đến tương lai 20-30 năm nữa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hòa Phát sẽ luôn giữ triết lý kinh doanh hòa hợp cùng phát triển, xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững lâu dài với khách hàng, đối tác và cổ đông, cung cấp các sản phẩm dẫn đầu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Trong cơ cấu doanh thu của Hòa Phát thì 90% là thép. Ông có muốn “bỏ trứng vào nhiều giỏ”?
– Đúng là nhu cầu của thép cũng có giới hạn, cũng ngày càng khó để mở rộng sản xuất bởi đòi hỏi khắt khe hơn. Chúng tôi sẽ đi theo con đường như các tập đoàn khác đã làm là đa dạng hóa ngành nghề.
Hòa Phát đang suy nghĩ và đang xem xét đẩy mạnh mảng bất động sản. Ngành này rất phù hợp với những nước công nghiệp hóa mới như Việt Nam khi nhu cầu xây dựng lớn, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh.
– Nhiều người nói bất động sản là ngành “dễ chơi”, bởi chỉ cần có một khu đất đẹp là có thể chắc phần thắng. Ông thấy sao?
– Không, bất động sản là ngành cực kỳ khó. Cá nhân tôi đánh giá nhìn thì tưởng dễ chơi, nhưng thực tế không phải. Tuy nhiên, ngành này vẫn có cơ hội vì nó phù hợp các nước công nghiệp hóa mới, tỷ lệ dân số đô thị đang tăng rất nhanh, đó là quy luật không thể đảo ngược. Nếu làm bất động sản, Hòa Phát sẽ sử dụng một lượng vốn rất lớn. Điều đó phù hợp với yêu cầu của Hòa Phát.
– Sao Hòa Phát không chuyển hướng sang các ngành công nghệ cao?
– Trong ngắn hạn thì chúng tôi không làm vậy bởi nó không phải là mặt mạnh. Còn thế hệ sau thì có thể. Làm cái gì cũng cần phải có nền tảng.
Tôi cũng nghĩ với những nước đang phát triển, nước công nghiệp hóa mới thì các ngành công nghệ cao không phải là thế mạnh quá lớn. Chúng tôi mong muốn đi theo quy luật tự nhiên.
– Hòa Phát đã chuẩn bị thế hệ lãnh đạo mới cho mình chưa?
– Anh em bạn bè thường nói tôi là chủ tịch nhàn nhất thế giới vì có thời gian ăn sáng, cà phê đầy đủ, trưa lại ngồi cà phê với bạn bè, tối lại về nhà ăn cơm với gia đình, tuần đi chơi golf được 2 lần.
Được như thế là do thế hệ lãnh đạo kế cận mà chúng tôi hay gọi là F1, F2 đã có quá trình được bồi dưỡng, phát triển đầy đủ năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm và có bản lĩnh kinh doanh.
Ở Hòa Phát không có chuyện đi thuê giám đốc ở đâu đó về, các em F1, F2 đều trưởng thành và kinh qua từ những việc nhỏ nhất, đã có thời gian dài gắn bó với công ty, đã “ngấm” văn hóa công ty.
– Từ lúc là tỷ phú USD, cuộc sống của ông có gì thay đổi không?
– (Cười) Không có gì thay đổi cả, tôi khẳng định chứ không phải khiêm tốn. Chắc có một thay đổi nhỏ, trước đây gặp tôi họ gọi là đại gia, giờ gặp thì bảo là tỷ phú.
– Với một tỷ phú, người đứng đầu một doanh nghiệp lớn, cái gì là khó khăn nhất trong công việc của ông?
– Nhiều khó khăn chứ. Sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn hơn. Và với Hòa Phát, khi tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn sẽ có nhiều thách thức hơn về quản lý, thương trường.
Ở Hòa Phát, việc chuyển giao thế hệ đang làm từng bước khá tốt, nhưng vẫn có những khó khăn nhất định. Thế hệ mới được học hành, được cập nhật những thành tựu lớn nhất của thế giới, nhưng lại thiếu kinh nghiệm.
Nhưng mình không thể ngồi kêu khóc về khó khăn. Khó khăn vẫn là khó khăn, quan điểm là tôi không thích nói về nó. Tôi mong các con tôi, con cái các thành viên hội đồng quản trị, tiếp nối cha anh đi trước, đưa tập đoàn ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là mong muốn thật lòng của tôi.
– Nhiều tỷ phú trên thế giới tính đến việc nghỉ hưu, trao tặng khối tài sản của mình. Tỷ phú Trần Đình Long có tính đến việc đó hay không?
– Hòa Phát hiện có 25.000 cán bộ nhân viên, 50.000 cổ đông, như vậy là chúng tôi trực tiếp và gián tiếp tạo thu nhập cho rất nhiều gia đình. Bên cạnh đó mỗi năm Hòa Phát đóng góp cho ngân sách Nhà nước 6.000-7.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng việc tạo ra của cải cho xã hội quan trọng hơn trao tặng tài sản.
Đương nhiên rồi ai cũng đến tuổi nghỉ hưu và Hòa Phát tự tin đã đào tạo được thế hệ kế cận tiếp nối văn hóa kinh doanh và làm dày thêm nền tảng phát triển của tập đoàn.
– Làm thế nào mà ông có thể gắn kết các lãnh đạo, các thành viên hội đồng quản trị thân thiết và gần gũi như vậy?
– Chúng tôi gắn bó với nhau quá lâu rồi. Chúng tôi có sự thuận lợi là cùng một thế hệ, xêm xêm tuổi nhau, học cùng phổ thông, học cùng đại học. Trước khi làm nên Hòa Phát, chúng tôi đã chơi với nhau, là bạn bè của nhau, nên hiểu nhau hơn, làm việc cũng dễ dàng hơn.
– Có câu “giàu đổi bạn, sang thì đổi vợ”, đã bao giờ ông nghĩ đến câu nói đó?
– Bằng hành động thì tôi đã chứng minh câu nói đó là không đúng (cười).
– Làm thế nào để những lãnh đạo Hòa Phát cùng giàu lên, già đi, cùng nhiều thay đổi trong cuộc sống, mà mọi người vẫn bên nhau, gắn bó với nhau?
– Tôi đã nói rồi đó, chúng tôi là bạn bè.
– Trong tương lai, hội đồng quản trị chắc chắn sẽ có những thành viên mới, ông có thể duy trì được điều này không?
– Đó là tương lai, sao ai nói trước được điều gì. Tôi cho là hên xui (cười).
Thực ra tôi cố gắng duy trì văn hóa, cái nếp đó để mọi thứ tốt hơn. Người khác vào có thể họ đồng ý hay không đồng ý với cái nếp đó. Nhưng biết đâu họ bị cuốn theo thì sao.
– Ở các tập đoàn lớn, thường có bóng dáng các bà vợ sau công việc của những ông chủ. Vợ ông không hề xuất hiện trong việc điều hành?
– Nguyên tắc của Hòa Phát là các bà xã không tham gia vào công việc. Tôi không biết lý do tại sao nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã không làm vậy và hiện tại nguyên tắc đó đang đúng. Tôi cũng nghĩ tôi đã đúng hướng.
Vợ tôi rất tôn trọng công việc của tôi, vợ các anh thành viên hội đồng quản trị đều tôn trọng và không tham gia vào công việc. Các bà vợ đều hiểu cho công việc của chúng tôi.
– Ông có sợ Hòa Phát quá phụ thuộc vào ông không?
– Không, tôi không sợ, cách làm của chúng tôi là phân cấp rất cao. Có thể bạn không tin, nhưng có nhân viên sinh năm 1992 được chúng tôi giao chuyên mua than và quặng đầu vào cho sản xuất. Mỗi năm có tới mấy chục nghìn tỷ đồng “qua tay” cô ấy.
chủ tịch hòa phát trần đình long
trần đình long
chủ tịch hòa phát
tỷ phú trần đình long
tập đoàn hòa phát
tỷ phú việt nam
Theo: Zing News
Comments are closed.