Vướng lô cốt hơn 7 năm qua nhưng không ít tiểu thương vẫn cố gắng cầm cự và chờ đợi, chỉ mong có thể giữ được mặt bằng “vàng” ngay cạnh công trình metro số 1.
“Cô mua cái gì à?”, bà Lan mừng rỡ chạy ra cửa đón khách. Đáng tiếc, đó chỉ là một vị khách vãng lai đến hỏi đường. Đã nhiều năm nay, kể từ khi lô cốt được dựng lên dọc đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) để thi công công trình metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, lượng khách ghé cửa hàng của bà sụt giảm nghiêm trọng.
“Thêm một năm Covid-19 không có khách du lịch, có khi mấy ngày liền tôi không bán được hàng, dù cửa tiệm nằm ngay trên khu đất vàng Lê Lợi”, bà Lan tâm sự.
Bà Lan năm nay đã hơn 70 tuổi. Năm 2007, sau khi về hưu được mấy năm, bà thuê vài m2 mặt bằng trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) mở tiệm đồ lưu niệm nhỏ. “Trước đây buôn bán ổn lắm, có khi tôi bán được cả triệu đồng/ngày. Còn bây giờ tiêu luôn, may có tiền lương hưu nên cũng đỡ”, bà nói.
Cửa tiệm nhỏ của bà Lan vốn đã sụt giảm lượng khách nghiêm trọng, nay gặp thêm Covid-19 nên thất thu nặng nề. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sụt giảm doanh thu nghiêm trọng
Theo bà Lan, lô cốt cản trở tầm nhìn của người đi đường, khiến khách hàng khó tìm được đường vào các cửa hàng. Con phố kinh doanh tấp nập, xe cộ đậu thành hàng dài nối đuôi nhau nay không khác gì con hẻm cụt vắng bóng người qua lại.
“May mắn mặt bằng tôi thuê rất nhỏ, chủ nhà cũng tốt bụng, chỉ tính mấy triệu/tháng, chứ ở đây người ta đóng cửa, trả mặt bằng nhiều lắm”, bà Lan nói với Zing.
Thực tế, chỉ chưa đầy 600 m dọc lô cốt công trình metro số 1 đã có trên dưới 10 địa điểm dừng kinh doanh, trong đó có cả những thương hiệu lớn như chuỗi cà phê L’Usine hay siêu thị Satrafoods. Thậm chí, một cửa hàng bán chocolate mới khai trương mấy tháng đã phải đóng cửa, chỉ tính riêng chi phí trang trí cửa hàng, đặt cọc mặt bằng… đã lên đến hàng tỷ đồng.
Trong khi đó, các cửa hàng bán tranh, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm, thời trang… còn sót lại cũng thưa thớt khách. Duy chỉ có những quán cà phê ở các ngã tư, có thêm mặt tiền đường Pasteur và Phan Bội Châu thì còn duy trì được phần nào hiệu quả hoạt động.
Thông báo chỉ đường được dán ngay trên lô cốt. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong bối cảnh này, các đơn vị kinh doanh buộc phải dán thông báo chỉ đường từ ngoài đường lớn để khách hàng không bỡ ngỡ.
Anh Dương, quản lý cửa hàng Ginkgo Concept, cho biết chịu thất thu lớn từ khi lô cốt được dựng lên. Để có được mặt bằng trên khu đất vàng Lê Lợi này, chuỗi Ginkgo dành ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để thuê mặt bằng rộng hơn 650 m2.
Nếu trước đây, cửa hàng có thể đạt mức doanh thu lên đến hàng tỷ đồng, thì nay còn không đủ để duy trì hoạt động. Cửa hàng còn trụ lại được là nhờ vào lượng khách quen, cũng như sự bù đắp doanh thu từ chi nhánh khác và việc đẩy mạnh các kênh thương mại điện tử.
“Toàn bộ cửa hàng trên con đường này chắc phải giảm đến 70-90% lượng khách. Ở đâu có lô cốt là ở đó tiểu thương và các doanh nghiệp thất thu”, anh Dương nhận định.
Háo hức chờ ngày tháo dỡ lô cốt
Trải qua hơn 7 năm sống chung với lô cốt, các chủ kinh doanh tại đây đều bày tỏ vui mừng khi nghe tin đoạn đường Lê Lợi từ khúc giao Pasteur đến Nguyễn Huệ sắp được tái lập trước dịp 30/4.
“Suốt những năm qua, kể cả trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi vẫn rất cố gắng duy trì cả 2 cửa hàng dọc lô cốt metro. Chỉ hy vọng đến ngày lô cốt được tháo dỡ, khu vực này trở thành phố đi bộ thì việc kinh doanh sẽ khởi sắc hơn”, anh Dương chia sẻ.
Tâm sự với Zing, bà Lan cũng cho biết đang rất ngóng chờ công trình metro số 1 hoàn thiện. “Có vậy thì mới có thể buôn bán lại bình thường như trước, còn có tiền dưỡng già”, bà nói.
Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) được rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM, thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tính đến tháng 3 năm nay, công trình đạt 83% tổng khối lượng.
Hiện, theo ghi nhận của Zing, lượng lớn công nhân và máy móc đang được huy động để nhanh chóng hoàn thiện công trình theo đúng tiến độ. Công tác phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, cống thoát nước… bên trên ga Nhà hát TP vẫn diễn ra. Tại các tầng ngầm bên dưới nhà ga, việc thi công kiến trúc và cơ điện được nhà thầu tiếp tục hoàn thiện.
Công trình ga ngầm Nhà hát TP.HCM đã đạt 83% tổng khối lượng, tính đến tháng 3 năm nay. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuần trước, văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trong đó đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) về tái lập một phần đường Lê Lợi đoạn từ đường Pasteur tới Nguyễn Huệ để các phương tiện tham gia giao thông trước dịp 30/4.
Phần đường còn lại tại khu vực này và các khu vực đang tổ chức thi công dọc trục đường Lê Lợi tiếp tục được rào chắn đảm bảo mỹ quan đô thị và sẽ bàn giao trước ngày 31/12 để phục vụ công tác tái lập toàn tuyến đường. Rào chắn sẽ được tháo dỡ toàn bộ sau khi hoàn tất công tác chỉnh trang tái lập trục đường Lê Lợi.
Theo dự kiến, sau khi tuyến đường Lê Lợi được chỉnh trang sẽ kết nối cùng đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ kết hợp mua sắm, thương mại sầm uất tại khu vực trung tâm TP.
Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM, có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 19,7 km, trong đó đi ngầm 2,6 km, còn lại là đoạn trên cao. TP đặt mục tiêu đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thử nghiệm từ cuối năm nay và khai thác thương mại năm 2022.
lô cốt metro
Tp. Hồ Chí Minh
metro số 1
lô cốt đường lê lợi
tiểu thương cạnh lô cốt metro
tphcm
ga ngầm nhà hát tphcm
metro bến thành suối tiên
Theo: Zing News
Comments are closed.