Jack Ma mất nhiều năm gây dựng đế chế kinh doanh khổng lồ. Nhưng sức ép của chính quyền Bắc Kinh buộc tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc im hơi lặng tiếng.
Sau khi startup tài chính Ant Group bị buộc hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) 35 tỷ USD hồi tháng 11 năm ngoái, tỷ phú Jack Ma – doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc – hiếm khi xuất hiện.
Theo Financial Times, vào một chủ nhật lạnh giá cuối tháng 1, ông đến một trường tiểu học nhỏ ở vùng nông thôn Đồng Lư (tỉnh Chiết Giang) để quay clip ngắn. Clip nêu bật các hoạt động từ thiện của ông Ma và quan trọng hơn cả là xóa bỏ tin đồn ông bị bắt.
Các giáo viên tại đây tranh giành chụp ảnh với ông Ma nhưng đều bị từ chối. Chỉ đoàn làm phim của ông được phép quay phim. “Mọi chuyện gần đây không được suôn sẻ lắm với ông Ma. Vì vậy, ông ấy không muốn xuất hiện trước công chúng”, hiệu trưởng Chen Jianqiang bình luận.
Chỉ vài tháng trước đó, nhà sáng lập Alibaba vẫn ở đỉnh cao. Các nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng với đợt IPO khổng lồ của Ant Group. Trong một bức thư gửi khách hàng, ông Michael Grimes, Giám đốc điều hành Morgan Stanley, ca ngợi đợt IPO là “đợt niêm yết mang tính bước ngoặt và lịch sử”.
Jack Ma là tỷ phú doanh nhân nổi tiếng nhất tại đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters. |
Doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc
Hôm 24/10, tại một hội nghị kinh doanh ở Thượng Hải, trước các nhà quản lý, chính trị gia và lãnh đạo của những nhà băng hàng đầu Trung Quốc, ông Ma khẳng định đợt IPO của Ant “là một phép màu”.
Nhưng cũng trong bài phát biểu dài 21 phút, ông chỉ trích các cơ quan quản lý “chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển”. Tỷ phú Ma cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng “tâm lý tiệm cầm đồ” và làm tổn thương nhiều doanh nhân.
Ngay sau bài phát biểu, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh triệu tập Ma. Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11. Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ IPO của Ant Group với lý do “những thay đổi về quy định”. Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn hai ngày trước hôm dự kiến diễn ra IPO.
Tài sản của tỷ phú Jack Ma nhanh chóng bốc hơi 10 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Alibaba cũng lao dốc 10%.
Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang sử dụng các dịch vụ của Jack Ma mỗi ngày. Họ mở Alipay của Ant để thanh toán hoặc gọi đồ ăn. Hàng triệu người khác gửi tiền trong quỹ thị trường tiền tệ của Ant.
Đổi mới không sợ quy định. Nhưng nó sợ quy định với những phương pháp lỗi thời
Tỷ phú Jack Ma
Nhiều người sử dụng những khoản vay vi mô của Alipay để thanh toán cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Dịch vụ gần như thay thế thẻ tín dụng và đưa Ant thành công ty cho vay tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc.
Người tiêu dùng cũng thường sử dụng các dịch vụ của Ant để thanh toán trên Tmall và Taobao, hai nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, cung cấp mọi sản phẩm từ mỹ phẩm đến iPhone. Các nền tảng bán khoảng 1 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, gần gấp đôi số giao dịch trên Amazon.
Jack Ma từ chức chủ tịch Alibaba vào năm 2019. Tuy nhiên, ông vẫn là cổ đông lớn và tham gia điều hành cả Ant và Alibaba. Financial Times nhận định tỷ phú Jack Ma là một trong những doanh nhân quyền lực nhất hành tinh. Hồi năm ngoái, ông tặng hàng nghìn máy thở và hơn 100 triệu khẩu trang cho các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Ma từ lâu đã gặp rắc rối vì nắm giữ quá nhiều quyền lực. Do đó, chính quyền Bắc Kinh muốn hạn chế sức ảnh hưởng của ông. “Ảnh hưởng của Alibaba phát triển quá lớn. Nó đạt tới mức phải chịu kiểm soát”, nhà kinh tế Song Qinghui bình luận.
Nền tảng thanh toán của Ant Group thay đổi hoàn toàn cách mua sắm và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Sở hữu ngoại hình không quá nổi bật, nhưng Jack Ma là một doanh nhân biết bán hàng bằng câu chuyện. Vào thập niên 1990, ông bắt đầu quảng bá cho Internet tại Trung Quốc. Thời điểm đó, không mấy người biết đến Internet. “Internet sẽ thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống con người”, ông Ma dẫn lời khẳng định của tỷ phú Bill Gates.
Quá trình tăng trưởng kéo dài hàng thập kỷ đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khu vực tư nhân dẫn đầu và nhiều doanh nghiệp quốc doanh sa sút.
Năm 1997, Jack Ma cùng một vài người bạn thành lập Alibaba ở một căn hộ nhỏ tại Hàng Châu, nhằm kết nối các nhà máy Trung Quốc với người mua trên khắp thế giới thông qua Internet. Sau những khó khăn ban đầu, công việc kinh doanh đã thành công.
Trong thập kỷ tiếp theo, châu Âu và Mỹ lao đao vì khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tràn đầy lạc quan, nhất là các công ty công nghệ hàng đầu. Cuộc cách mạng điện thoại thông minh khiến người dùng của họ gia tăng theo cấp số nhân.
Alipay đã bắt đầu thử nghiệm các mã QR để thay đổi cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc thông qua thanh toán bằng điện thoại thông minh.
Quyền lực quá lớn
Alibaba đứng ở trung tâm của quá trình thay đổi ngoạn mục đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử thu hút tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Jack Ma phải đối mặt với một vấn đề. Đó là ông buộc phải giảm bớt cổ phần cá nhân tại Alibaba để giữ tập đoàn tồn tại.
Goldman Sachs và các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên mua 50% cổ phần của Alibaba. Tiếp theo là SoftBank (30% cổ phần) và Yahoo (40% cổ phần). Cổ phần của ông Ma do đó giảm xuống.
Đến năm 2011, các cổ đông nước ngoài Yahoo và SoftBank sở hữu phần lớn cổ phần Alibaba. Ông Ma bắt đầu kêu gọi hai công ty chuyển cổ phần cho ban quản lý. “Chúng tôi luôn phải đấu tranh trong những năm qua”, ông nói về mối quan hệ với CEO SoftBank Masayoshi Son.
Mối quan hệ giữa Jack Ma và Yahoo cũng căng thẳng không kém. Công ty Mỹ đã sa sút. Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định phần lớn tài sản của Yahoo là cổ phần tại Alibaba, bao gồm ba doanh nghiệp lớn Alibaba.com, Taobao và Alipay.
Đến mùa xuân năm 2011, ông Ma quyết định đơn phương tiếp quản Alipay. “Cả Yahoo và SoftBank đều ngỡ ngàng”, nguồn tin của Financial Times chia sẻ.
Các quan chức Bắc Kinh lo sợ sức ảnh hưởng của các tập đoàn của tỷ phú Jack Ma sẽ vượt quá khả năng kiểm soát. Ảnh: Getty Images. |
Đầu tiên, vào tháng 5/2009, Alibaba bắt đầu tái cấu trúc cách nắm giữ Alipay, chuyển từ một công ty con trực tiếp của Alibaba thành công ty nội địa Trung Quốc do ông Ma sở hữu phần lớn cổ phần. Vì ông đã ký hàng loạt hợp đồng với Alibaba, công ty vẫn tiếp tục coi Alipay như công ty con.
Thỏa thuận hợp đồng có vẻ bất thường này giữa công ty mẹ và công ty con (được gọi là VIE) trên thực tế là nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc. Tháng 10/5/2011, Yahoo thông báo cho các cổ đông rằng họ đã mất Alipay vào tay Jack Ma. Giá cổ phiếu lao dốc sau tuyên bố.
Ở chiều ngược lại, một số quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng ông Ma đã chứng minh được lòng trung thành với Trung Quốc so với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, điều Jack Ma không ngờ đến là phản ứng dữ dội của dư luận Trung Quốc. Nhiều doanh nhân lo ngại ông đã hủy hoại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, và rộng hơn là hệ thống tài chính đất nước.
“Ban đầu, nó không phải một vấn đề lớn. Áp lực của tôi đến từ các nhà phê bình và truyền thông”, Jack Ma chia sẻ. Sau đó, tập đoàn của ông đã mua cổ phần của một số doanh nghiệp truyền thông Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Ma đã đạt được thỏa thuận với SoftBank và Yahoo, củng cố quyền lực của vị doanh nhân Trung Quốc tại Ant và Alibaba. Tác giả Duncan Clark của cuốn Alibaba: The House That Jack Ma Built nhận định ông Ma “luôn chơi cờ vua ba chiều”, hàm ý sự hiểu biết và nắm vững hệ thống cao hơn những người khác. “Nhưng điều đó có thể khiến mọi người khó chịu”, ông viết thêm.
Ông Ma luôn chơi cờ vua ba chiều. Nhưng điều đó có thể khiến mọi người khó chịu
Duncan Clark, tác giả cuốn Alibaba: The House That Jack Ma Built
Đến năm 2015, Jack Ma trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và lọt nhóm hàng đầu thế giới. Việc ông hủy hoại mô hình VIE không làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu Alibaba. Những công ty công nghệ như Ant đã bắt đầu cho thế giới thấy rằng Trung Quốc cũng có thể đổi mới.
“Điều tôi đang nghĩ đến là làm thế nào chúng ta có thể biến Alibaba trở thành nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ toàn cầu”, ông Ma nói với nhà báo Mỹ Charlie Rose tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi năm 2015.
Ông hy vọng sẽ thu hút được 2 tỷ người tiêu dùng và 10 triệu doanh nghiệp nhỏ bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng ngày, một quan chức tại cơ quan quản lý kinh doanh của Trung Quốc đã nhắm vào ông Ma. Báo cáo của ông cho thấy khoảng 2/3 hàng hóa được bán trên nền tảng Taobao của Alibaba là hàng giả.
Tập đoàn của ông Ma trực tiếp chỉ trích người đứng sau báo cáo. “Giám đốc Liu Hongliang! Ông đang vi phạm các quy tắc, đừng trở thành một trọng tài dối trá”, tài khoản của Taobao đăng trên Weibo.
Cơ quan sau đó công bố một tài liệu nhắm vào Alibaba. Ông Ma ngay lập tức bay đến Bắc Kinh và gặp ông Zhang Mao, cấp trên của ông Liu. Hai người đồng ý rằng Alibaba sẽ làm việc để loại bỏ hàng giả. Ông Zhang cũng khen ngợi công ty về nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng. Tài liệu nhanh chóng được xóa bỏ.
Thời thế thay đổi
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang thay đổi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi giảm nợ và rủi ro trong lĩnh vực tài chính là ưu tiên hàng đầu. Các quan chức lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính có thể làm rung chuyển nền kinh tế.
Trong khi đó, quy mô và tầm vóc của Ant Group đang tăng vọt. Các khoản vay tiêu dùng của Ant vượt xa những ngân hàng truyền thống. Khối lượng thanh toán hàng năm thậm chí cao hơn GDP Trung Quốc. Điều đó khiến giới chức trách Bắc Kinh lo ngại.
Và bài phát biểu của ông Ma tại hội nghị kinh doanh ở Thượng Hải là giọt nước tràn ly. Ông thách thức các tiêu chuẩn của hệ thống cũ và kêu gọi Trung Quốc đi theo con đường riêng. “Hệ thống tài chính hiện nay cần được cải cách. Hiện tại, năng lực ‘kiểm soát’ của chúng ta đang phát triển mạnh mẽ, trong khi thiếu khả năng ‘giám sát’. Đổi mới không sợ quy định. Nhưng nó sợ quy định bằng những phương pháp lỗi thời”, ông nhấn mạnh.
Nguồn tin của Wall Street Journal mô tả Chủ tịch Tập và các quan chức cấp cao Trung Quốc khác tức giận với phát biểu này. Ông Tập ra lệnh cho các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra Ant Group. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất các quy định quản lý tài chính mới và triệu tập ông Ma.
Các doanh nhân Trung Quốc phải biết đâu là mức nổi tiếng phù hợp. Và ông Ma chưa rõ về điều này
Một cựu quan chức tại Hàng Châu
Sau khi hoãn IPO hồi năm ngoái, hôm 12/4, Ant Group bị cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu trở thành một công ty holding, chịu quản lý giống các ngân hàng.
Theo đó, công ty phải loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thanh toán, quản lý rủi ro thanh khoản của các sản phẩm quỹ, chấm dứt trình trạng độc quyền thông tin và cải thiện quản trị công ty.
Trước đó 2 ngày, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ NDT, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Các đối thủ của ông Ma cũng nhanh chóng hiểu được gió đang thổi theo chiều nào. Hồi tháng trước, ông Pony Ma của Tencent đề xuất quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp Internet, bao gồm Tencent. Ông còn có một “cuộc họp tự nguyện” với những cơ quan chống độc quyền nước này. Trong khi đó, JD.com đã ngừng đợt IPO của chi nhánh tài chính của công ty.
“Các doanh nhân Trung Quốc phải biết đâu là mức nổi tiếng phù hợp. Và ông Ma chưa rõ về điều này. Trước đây, nó có thể không quan trọng. Nhưng giờ, ông ấy cần bắt đầu học hỏi”, một cựu quan chức tại Hàng Châu nhận xét. “Ông Ma sẽ phải giữ thái độ khiêm tốn”, người này nói thêm.
Trung Quốc loay hoay tìm cách gỡ ‘bom nợ’Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách xử lý những khoản nợ tiềm ẩn của các địa phương, khi tổng nợ công tăng lên mức đáng báo động. |
Vì sao giá cổ phiếu Alibaba tăng mạnh sau khoản phạt kỷ lục?Những lo ngại pháp lý đã khiến định giá của Alibaba bay hơi 250 tỷ USD kể từ tháng 10/2020. Do đó, khoản phạt 2,75 tỷ USD được coi là cái giá quá rẻ để xóa bỏ nỗi lo này. |
Theo: Zing News
Comments are closed.