‘Vietnam Airlines muốn áp giá sàn vì vẫn quen tư duy độc quyền’

Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines là không hợp lý, hãng muốn mượn cơ quan quản lý để triệt tiêu sức cạnh tranh của các đối thủ.

Sau đề xuất của Vietnam Airlines về việc áp sàn giá vé máy bay và nâng trần giá vé, Zing đã có trao đổi với TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không – về việc giá sàn vé máy bay có nên tồn tại hay không.

– Xin ông cho biết ý kiến cá nhân về đề xuất áp giá vé sàn và nâng trần giá vé máy bay mà Vietnam Airlines vừa gửi tới Cục Hàng không?

– Việc Vietnam Airlines đề xuất tăng giá trần vé máy bay và ban hành giá sàn vé máy bay là không hợp lý trong tình hình có nhiều hãng hàng không cạnh tranh hiện nay.

Thứ nhất, Vietnam Airlines vẫn quen cách tư duy kinh doanh thời được độc quyền. Nếu Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất, đề xuất giá trần và giá sàn cho riêng họ có thể hợp lý. Đằng này hãng này lại đề xuất Cục Hàng không áp dụng giá đó cho các hãng máy bay khác nữa.

Thứ hai, Vietnam Airlines mượn cơ quan quản lý Nhà nước để triệt hạ sức cạnh tranh của đối thủ, ở đây là Vietjet Air, Vietravel Airlines và Bamboo Airways.

vietnam airlines ap gia ve san anh 1

TS Tống cho rằng việc Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn cho vé máy bay là không phù hợp. Ảnh: Hoàng Hà.

Nếu áp dụng giá sàn, khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục nghìn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để kích cầu cho ngành hàng không, cải thiện dòng tiền cho mình và đồng thời giúp kích cầu cho ngành du lịch.

Khi Vietnam Airlines tung ra các máy bay thân rộng cỡ lớn nhất để bay “tuyến vàng” Hà Nội – TP.HCM mà áp giá sàn thì nhiều khách sẽ chuyển sang bay của hãng này. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ chiếm lĩnh thị trường, đẩy các hãng đối thủ vào tình cảnh thất thế, đứng trước nguy cơ phá sản sau thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Hậu quả là ngành hàng không sẽ quay lại thời Vietnam Airlines độc quyền một mình một chợ.

Khi có cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì giá vé do thị trường quyết định. Các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới đều có vé giá rất thấp hoặc 0 đồng để khuyến mãi. Vì thế, Nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần. Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần đi và không nên quy định giá sàn.

Chỉ có lợi cho Vietnam Airlines

– Vietnam Airlines và Pacific Airlines từng thất bại với đề xuất tương tự vào tháng 4/2017. Theo ông, liệu thực trạng thị trường và tác động của dịch Covid-19 có khiến đề xuất lần này của Vietnam Airlines khả thi hơn?

– Vietnam Airlines từng có đề xuất tương tự vào tháng 4/2017 mà Cục Hàng không đã sáng suốt không chấp nhận. Tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang làm cho các hãng hàng không lỗ nặng mà hiện nay chỉ riêng Vietnam Airlines được giải cứu với khoản vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Đề xuất lần này về giá sàn lần này chỉ có lợi cho Vietnam Airlines mà thôi. Có vẻ như Vietnam Airlines bây giờ vẫn muốn nhà nước can thiệp vào thị trường một cách có lợi cho riêng hãng, bất chấp luật pháp, quy luật thị trường và cam kết quốc tế.

– Vietnam Airlines cho rằng giá vé sàn sẽ giúp các hãng hàng không Việt tránh tình trạng dẫm đạp lên nhau, làm suy yếu lẫn nhau. Ông nghĩ sao về luận điểm này?

– Việc quy định giá vé sàn chỉ lợi cho Vietnam Airlines mà thôi và làm hại các hãng hàng không còn lại. Do đó, việc quy định giá sàn sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam.

vietnam airlines ap gia ve san anh 2

Nếu đề xuất của Vietnam Airlines được nhà chức trách thông qua, những hạng vé ưu đãi, vé 0 đồng sẽ không còn tồn tại. Ảnh: James Nguyen.

Tôi cho rằng Vietnam Airlines lo sợ không cạnh tranh được với các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways hay Vietravel… nên muốn nhờ cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp để triệt hạ sức cạnh tranh của các đối thủ.

Theo tôi cách tốt nhất với Vietnam Airlines bây giờ là hãng hàng không quốc gia phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để cải tổ, để từ đó tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với các hãng hàng không tư nhân. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chấm dứt nuông chiều Vietnam Airlines.

Cần được đối xử công bằng

– Theo ông, ngành hàng không Việt còn phương án nào để phục hồi sau dịch Covid-19 tốt hơn biện pháp áp sàn giá vé máy bay không?

– Ngành hàng không đang rất khó khăn và rất cần được hỗ trợ. Trên toàn thế giới, theo một thống kê, chính phủ các nước cam kết hỗ trợ bình quân 13% GDP cho hàng không, trong khi nước ta chưa được 1% GDP và đa số vốn hỗ trợ đó được dành cho Vietnam Airlines.

Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội kỳ họp trước đã phê duyệt khoản vốn trên 10.000 tỷ đồng giải cứu Vietnam Airlines, trong đó có khoản được vay 4.000 tỷ đồng tối đa 3 năm lãi suất gần như bằng 0.

Tôi nghĩ rằng sau đó Chính phủ sẽ lại trình Quốc hội gói vay lãi suất ưu đãi tương tự cho các hãng hàng không tư nhân tương ứng theo đóng góp thuế của họ để bảo đảm sự công bằng, tránh phân biệt đối xử.

Nhưng đến nay, chưa thấy tín hiệu nào về khoản hỗ trợ đó, dù Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam và các hãng liên tục cầu cứu.

Hơn lúc nào hết, các hãng hàng không Việt cần được Nhà nước đối xử công bằng và công tâm để vượt qua khó khăn, cùng vươn lên phát triển, cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài.

Trước đó vào đầu tháng 4, Vietnam Airlines đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay khi đưa ra 2 phương án áp giá vé sàn để Cục Hàng không và Bộ GTVT tham khảo.

Theo phương án 1, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 560.000-595.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 787.500 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 1.011.500 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 1.190.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 1.400.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

Theo phương án 2, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 755.000 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 804.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 917.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

Lấy ví dụ với đường bay trục vàng TP.HCM – Hà Nội, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà hành khách có thể mua theo phương án 1 là 2.380.000 đồng chưa kể thuế phí dao động theo từng hãng bay. Theo phương án 2, con số này sẽ là 1.608.000 đồng chưa kể thuế phí. Trên thực tế trong giai đoạn thấp điểm, vé khứ hồi TP.HCM – Hà Nội rẻ nhất ở mức chưa tới 1.000.000 đồng đã bao gồm thuế phí.

‘Sao phải áp giá sàn cho vé máy bay?’

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, áp giá trần và sàn cho vé máy bay là hình thức quản lý kinh tế cứng nhắc, phi kinh tế thị trường và triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng bay.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 8, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top