Cổ phiếu FLC tăng giá gần 40% sau một tuần trước kế hoạch phát hành cổ phần để tăng vốn gần 5.000 tỷ. Những năm trước, việc chào bán cổ phiếu của FLC đều không thành công.
“Giờ còn vào được FLC không chị?”, anh Thành nhắn tin cho người môi giới chứng khoán của mình. Dù được một số bạn bè có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán khuyên không nên đầu tư vào các mã biến động thất thường như FLC, anh Thành vẫn muốn mua vào khi thấy giá cổ phiếu này liên tục tăng trần.
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu FLC tăng trần 4/5 phiên. Trong phiên cuối tuần 26/3, dù không giữ được sắc tím, mã này cũng tăng mạnh 6%. FLC tăng giá tổng cộng 38% sau một tuần và là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HoSE. Nếu lấy mốc tham chiếu cách đây 1 tháng, FLC tăng tới 76%. Còn so với 3 tháng trước, cổ phiếu này tăng 157%.
Vượt mốc mệnh giá 10.000 đồng sau nhiều năm
Sau đà tăng giá liên tục, cổ phiếu FLC trở về mốc mệnh giá 10.000 đồng và đóng cửa tuần qua ở mức 11.050 đồng. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong gần 9 năm qua từ tháng 6/2012 theo dữ liệu điều chỉnh.
Đặc biệt, FLC bắt đầu đà tăng mạnh sau khi Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết hoàn tất việc mua vào 15 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 3. Trước đó, trong nửa cuối năm 2020, ông Quyết cũng gom thêm 50 triệu cổ phiếu FLC.
Cổ phiếu FLC tăng nóng vượt mốc mệnh giá 10.000 đồng trong bối cảnh doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết trình kế hoạch tăng vốn thêm gần 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 70% (cổ đông sở hữu 10 cổ phần được quyền mua thêm 7 cổ phần) tại đại hội thường niên tới đây.
Theo kế hoạch, FLC sẽ chào bán thêm gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động thêm 4.970 tỷ vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ FLC sẽ từ 7.100 tỷ tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để đầu tư thực hiện các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với Zing, một chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng đà tăng trần liên tục của cổ phiếu FLC có thể liên quan đến việc doanh nghiệp chuẩn bị phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. “Lần này, FLC có thể vượt qua mệnh giá 10.000 đồng một khoảng cách khá xa để có thể phát hành thành công”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Thực tế, vào năm 2018 và 2019, đại hội cổ đông của FLC đều thông qua kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng. Tuy nhiên, do thị giá FLC trên sàn không vượt nổi mệnh giá trong những năm qua nên việc phát hành thêm bị hủy.
Với tình hình giá cổ phiếu FLC vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đà đi lên khi tiếp tục tăng trần trong phiên sáng 29/3 lên 11.800 đồng, câu chuyện phát hành cổ phiếu để tăng vốn của doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết lần này có thể sẽ không còn thất bại như các năm trước.
Giá cổ phiếu FLC tăng nóng từ giữa tháng 3. Ảnh: Tradingview. |
Lỗi hẹn với cổ đông
Trước đó, bản thân ông Quyết cam kết với cổ đông về việc cổ phiếu FLC sẽ trở lại mệnh giá 10.000 đồng trong năm 2020 nhưng lời hứa này vừa chỉ thành hiện thực trong tuần qua.
Vào đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 6/2019, ban lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ chuẩn bị thời điểm thích hợp mua vào cổ phiếu FLC để không còn dưới mệnh giá khi bị cổ đông chất vấn chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi giá cổ phiếu quá thấp chỉ 4.000-5.000 đồng.
“Chúng tôi muốn nói rằng sẽ không bao giờ để cổ phiếu FLC năm 2020 dưới mệnh giá và nó sẽ gấp nhiều lần giá trị như đặt ra, không được 10 thì ít nhất 8 lần”, ông Quyết nhắc lại cam kết vào tháng 11/2019 trong sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu FLCHomes, một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của FLC.
Năm 2021, FLC kỳ vọng doanh thu hợp nhất sẽ đạt 15.250 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả 2020. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.100 tỷ, cao hơn 160% so với năm qua. Đây là kế hoạch lợi nhuận cao nhất của FLC trong 5 năm gần nhất. FLC cũng dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10% có thể bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt theo quyết định của HĐQT. Lần gần nhất doanh nghiệp này trả cổ tức là cho năm 2017 với tỷ lệ 4% bằng cổ phiếu.
Năm 2020, FLC đạt doanh thu thuần 13.488 tỷ và lỗ gộp gần 3.200 tỷ khi các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, hàng không đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn báo lãi trước thuế 421 tỷ. Doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết có lợi nhuận nhờ khoản thu hơn 4.800 tỷ từ bán các khoản đầu tư nhưng không thuyết minh cụ thể.
Sức khỏe của ngân hàng tân binh trên sàn chứng khoánSeABank là ngân hàng thuộc nhóm tầm trung về quy mô tổng tài sản với hiệu suất sinh lời khiêm tốn so với toàn hệ thống. Nhà băng này chưa có cổ đông ngoại nào. |
Theo: Zing News
Comments are closed.