Người dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) chăm sóc cây keo.
Điển hình như huyện Như Xuân đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, huyện khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ thực hiện các đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp mang lại hiệu quả, như: Đề án cải tạo vườn tạp; trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc cao sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển trang trại; hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực, giai đoạn 2017-2023. Ngoài ra, huyện Như Xuân cũng bố trí kinh phí khuyến khích phát triển nông nghiệp để hỗ trợ cho hộ gia đình phát triển mới diện tích trồng cam 20 triệu đồng/ha; 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu bò; 15 triệu đồng/trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê… Đến nay, huyện Như Xuân đã phát triển được gần 1.000 ha cây ăn quả, trong đó 300 ha cây ăn quả tập trung cho giá trị kinh tế cao, như: cam đạt 550 triệu đồng/ha, dưa hấu 210 triệu đồng/ha, bưởi 575 triệu đồng/ha, ổi đạt 400 triệu đồng/ha…
Tại huyện Lang Chánh, giải pháp để đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển lại được gắn với việc triển khai phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng; cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản; triển khai Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến… Cùng với đó, huyện Lang Chánh còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư gắn sản xuất với chế biến lâm sản. Đến nay, huyện Lang Chánh đã thu hút được 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản vào hoạt động ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến. Huyện Lang Chánh cũng đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đã trồng mới được khoảng 100.000 cây phân tán, hơn 1.500 ha rừng tập trung; khoanh nuôi, tái sinh được gần 20 ha; bón phân phục tráng năm thứ hai cho 500 ha rừng luồng, nâng tổng số rừng luồng được phục tráng lên 1.350 ha; khoanh nuôi, tái sinh thêm 1.000 ha luồng, nâng tổng số diện tích rừng luồng được khoanh nuôi, tái sinh lên 2.000 ha…
Có thể thấy, trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, giải pháp quan trọng hàng đầu được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh triển khai là phát triển rừng gắn liền với sinh kế của người dân, chủ thể là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, hoạt động giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích được giao, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, cụ thể như: chính sách giao đất, giao rừng; tích tụ đất đai, phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các chủ rừng để đầu tư trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; bảo tồn và phát triển bền vững cây quế Ngọc; khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng và bảo vệ rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu… Trong 5 năm qua đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho trên 25.000 ha; diện tích rừng gỗ lớn 56.000 ha; luồng thâm canh 30.000 ha; quế 1.000 ha; khai thác dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94.550 ha… nâng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 1.866 tỷ đồng…
Comments are closed.